Từ xưa, người thợ Phúc Lộc đã sáng tạo ra những sản phẩm mộc với những nét trạm trổ tinh xảo phục vụ cho việc làm nhà thờ, đền, đình, chùa.. Những năm 90 của thế kỷ trước đáp ứng nhu cầu của người dân, làng nghề Phúc Lộc đã hướng đến sản xuất ra các mặt hàng dân dụng như cửa, bàn, ghế, tủ, sập, chấn song, tay vịn cầu thang, hàng trang trí nội thất… đồng thời dần đưa hàng thủ công mỹ nghệ (hàng khảm trai) vào sản xuất. Từ nghề mộc, nhiều gia đình đã có kinh tế khá giả. Đây được xem là làng mộc duy nhất của thành phố. Làng nghề nơi đây quy tụ những đôi tay lành nghề của các nghệ nhân lâu năm đã tạo nên các sản phẩm từ gỗ độc đáo, chất lượng, mẫu mã đẹp và đầy tính nghệ thuật.
Nếu như trước đây, hầu hết các hộ dân, cơ sở sản xuất trong làng nghề Mộc Phúc Lộc đều làm thủ công, sử dụng máy móc công nghệ cũ, bán tự động khiến cho hiệu suất lao động thấp, tốn nhiều nhân lực thì đến nay hầu hết đã áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất, đầu tư các loại máy móc hiện đại như: máy CNC đục gỗ vi tính, máy điêu khắc mỹ thuật CNC… vào sản xuất. Các công đoạn sản xuất như: xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn đã được thay thế sức người thủ công bằng máy móc, đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp với mẫu mã phong phú, đa dạng hơn, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn và hạn chế được những rủi ro do tai nạn lao động gây ra.
Hàng đồ mộc sản xuất ở Phúc Lộc đại đa số là hàng thông dụng như giường, tủ, bàn ghế, sa lông, cửa các loại, chấn song và tay vịn cầu thang bằng gỗ, hàng trang trí nội thất…với chất lượng đảm bảo, mẫu mã phổ biến, giá thành hợp lý. Làngg nghệ mộc Phúc Lộc cũng có không ít những tay thợ giỏi tạo tác ra những loại đồ gỗ cao cấp, cầu kỳ, sang trọng theo truyền thống như: tủ chè, sập gụ, sập lim, chạm trổ hoa văn các loại…tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, hoặc tạc tượng, làm các loại đồ gỗ phục vụ tế tự, lễ hội, tu sửa đền chùa, miếu mạo… Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được xem là một trong những giải pháp then chốt, trở thành yếu tố sống còn đối với làng nghề Mộc Phúc Lộc hiện nay.
Cơ sở sản xuất gỗ của gia đình Anh Nguyễn Ngọc Thường, làng nghề Mộc Phúc Lộc, phường Ninh phong, thành phố Ninh Bình là một trong những cơ sở sản xuất đang ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều trong các công đoạn để tạo ra các sản phẩm gỗ, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Để tạo ra một sản phẩm bộ bàn ghế này thì các quy trình để sản xuất ra một sản phẩm gỗ gồm có:
- Công đoạn vẽ sử dụng sbanr vẽ 3D;
- Cộng đoạn máy CNC đục gỗ vi tính;
- Công đoạn máy dán cạnh (các mảnh gỗ sau khi cắt);
- Công đoạn lắp ghép….
Từ những hiệu quả rõ rệt khi ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất tại cơ sở của anh Nguyễn Ngọc Thường, hy vọng rằng trong thời gian tới, xu hướng này sẽ đc ứng dụng manh mẽ không chỉ tại làng nghề mộc mà cả ở các làng nghề truyền thống khác nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm, ra tăng khả năng cạnh tranh, giải phóng sức lao động và góp phần quan trọng bảo vệ môi trường.
Những nghệ nhân tỷ mỷ chạm khắc tạo ra sản phẩm gỗ mỹ nghệ
Những người thợ mộc Phúc Lộc với đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo đã cho ra đời những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, cầu kỳ, sang trọng mang phong cách truyền thống, hoa văn trang trí được chạm khắc tinh xảo. Đồ mộc sản xuất ở Phúc Lộc đa dạng, từ các sản phẩm thông dụng như giường ngủ gỗ, tủ, bàn ghế, sofa, hàng trang trí nội thất…cho đến đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp: tủ chè, tủ rượu, sập gỗ, tượng gỗ,… với chất lượng đảm bảo, mẫu mã phổ biến, giá thành hợp lý, ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn.
Làng nghề Phúc Lộc được đánh giá là nơi lưu trữ và bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghề làm mộc truyền thống, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và chọn lựa. Năm 2006, làng Phúc Lộc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận làng nghề cấp tỉnh và đến nay đã có 10 thợ mộc được công nhận là nghệ nhân. Với việc đổi mới sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các quy trình sản xuất, hàng năm, làng mộc Phúc Lộc đã đóng góp 30-40% tổng thu nhập của toàn phường Ninh Phong. Trong thời gian tới các cơ sở sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật để các sản phẩm mẫu mã đa dạng đáp ứng cạnh tranh trên thị trường, tạo nhiều việc làm cho lao động và ngân sách địa phương.
Đông Hà