Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Lê Hồng Vân: một phụ nữ Á đông trong tháp ngà khoa học

Thứ Ba, 24/05/2022

Lê Hồng Vân là một chuyên gia về Hình học vi phân nổi tiếng thế giới, cũng là một trong ba nữ Tiến sỹ khoa học Toán học của Việt Nam. Bà sinh năm 1961 tại Hà Nội.

Xuất thân từ một gia đình trí thức, có nhiều người đỗ đạt, nên ba chị em Lê Hồng Vân đều được dạy bảo cẩn thận từ khi còn nhỏ. Lớn lên, mỗi cô con gái của nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Lê Văn Giạng lại lựa chọn một ngành học khác nhau: chị cả Lê Hoàng Lan yêu thích Hóa học, em út Lê Ngọc Mai say mê văn chương, còn Lê Hồng Vân thì thừa hưởng tình yêu Toán học của bố mẹ. Được gia đình khích lệ, Lê Hồng Vân thi đỗ vào lớp chuyên Toán của khối Phổ thông chuyên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), sau đó lọt vào đội tuyển quốc gia, chuẩn bị sang Liên bang Nam Tư tham dự Olympic Toán quốc tế lần thứ 19 (1977).

Nhận thấy tài năng đặc biệt của Hồng Vân, ai cũng kỳ vọng rằng cô gái này sẽ làm nên kỳ tích, tiếp bước Phan Vũ Diễm Hằng, Nguyễn Thị Thiều Hoa - các thí sinh nữ đã đạt Huy chương Đồng và Huy chương Bạc tại hai kỳ Olympic 1975, 1976. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên năm đó, Bộ Giáo dục Việt Nam không thể đưa đội tuyển quốc gia sang Nam Tư. Lỡ mất cơ hội tỏa sáng tại đấu trường quốc tế, Lê Hồng Vân lại phải vội vàng ôn luyện Toán, Vật lý, Hóa học để tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ diễn ra trong ba tuần nữa. Thời gian gấp gáp, lại bỏ bê các môn khác quá lâu, nên việc ôn thi cả ba môn ấy không hề thuận lợi đối với một học sinh trước đó chỉ tập trung vào những bài toán không hề “trường quy”, “mẫu mực” như thi đại học. Mặc dù vậy, Hồng Vân vẫn thi đỗ với điểm số khá cao (25,5/30 điểm) và trở thành sinh viên của một trong những trường đại học lớn nhất thế giới: Đại học Lomonosov.

Trong 5 năm đại học (1978-1983), bà luôn đạt điểm cao nhất ở tất cả các môn thi, điều không hề dễ dàng ở một ngôi trường chặt chẽ và ngặt nghèo như Lomonosov. Với thành tích xuất sắc đó, Hồng Vân được trường chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Giáo sư A.T. Fomenko - người đã giải quyết được Bài toán Plateau tuyệt đối, nhiều chiều khi mới 26 tuổi. Trước Lê Hồng Vân, năm 1980, nhà Toán học Việt Nam - Đào Trọng Thi đã giải được Bài toán Plateau tương đối, nhiều chiều. Thành công của A.T. Fomenko và Đào Trọng Thi đã ảnh hưởng rất lớn đến Lê Hồng Vân, góp phần thúc đẩy bà trở thành một nhà Toán học. Được Giáo sư A.T. Fomenko trực tiếp hướng dẫn về Hình học vi phân, Lê Hồng Vân tiếp tục khảo sát đặc điểm của các mặt cực tiểu trong không gian Riemann (phi Euclide) nhiều chiều và giải quyết được nhiều bài toán khó liên quan đến phép tính biến phân nhiều chiều và điều khiển tối ưu các hàm số. Kết quả nghiên cứu của bà không chỉ được công bố trong 13 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí Toán học uy tín của Liên Xô hay báo cáo tại các hội nghị toàn liên bang và quốc tế như Hội nghị quốc tế về Hình học ứng dụng (Tiệp Khắc, 1986), Hội nghị khoa học mang tên Lomonosov (1986), Hội nghị quốc tế về topo (Azerbaijan, 1987), mà còn được đưa vào sách giáo khoa và sách chuyên khảo về hình học và topo hiện đại. Trước khi bảo vệ Luận án Tiến sỹ vào ngày 09/01/1987, Lê Hồng Vân đã được công nhận như một chuyên gia xuất sắc về phép tính biến phân.

Đánh giá về Luận án Các mặt cực tiểu trong không gian đồng nhất của Lê Hồng Vân, Viện sỹ N.P. Novikov nói: “Những kết quả mà Lê Hồng Vân đã đạt được có ý nghĩa khoa học sâu sắc và có thể lấy làm phần chủ yếu cho luận án Tiến sỹ khoa học Toán - Lý trong tương lai. Ngoài ra, hướng khoa học mới đang hình thành trong các nghiên cứu của chị có triển vọng về mặt ứng dụng, xứng đáng được phát triển tiếp”; còn Giáo sư V.P. Maslov nhận xét: “Nghiên cứu của Lê Hồng Vân nằm trên lĩnh vực giao nhau của các hướng phát triển mạnh trong toán học: phép tính biến phân, hình học Riemann và hình học sim-plê-tic, tô-pô và đa tạp khả vi. Các kết quả của chị, kể cả những kết quả không nằm trong luận án Tiến sỹ, xứng đáng được đánh giá cao về mặt khoa học (…) Xét về trình độ, những kết quả thu được đã lập nên cơ sở của luận án Tiến sỹ khoa học trong tương lai. Do tính thực tế và triển vọng, hướng khoa học này cần được phát triển tiếp”. Bởi vậy, Lê Hồng Vân được phép thực tập thêm hai năm để hoàn thành Luận án Tiến sỹ khoa học với nhan đề Các định cỡ có hiệu quả trong lý thuyết các mặt cực tiểu. Cuối năm 1989, cũng ở trường Đại học Lomonosov, Luận án của Lê Hồng Vân đã thuyết phục được 17 nhà Toán học hàng đầu Liên Xô và nhận được 100% phiếu thuận trong cuộc bỏ phiếu kín. Thành công vang dội này đã giúp Lê Hồng Vân có cơ hội tiếp xúc với các học giả quốc tế. Năm 1990, bà trình bày vắn tắt kết quả nghiên cứu của mình tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản) và nhận được đánh giá tích cực từ mọi người.

Cũng trong năm đó, bà sang Berlin, làm quen với các nhà Toán học Đức; và nhận được giải thưởng của Hội Toán học Moskva. Luận án Các định cỡ có hiệu quả trong lý thuyết các mặt cực tiểu cũng thu hút sự chú ý của các chuyên gia ở Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết (International Centre for Theoretical Physics - ICTP) vì khả năng ứng dụng của nó trong việc đi sâu hơn vào thế giới vi mô. Bà được Abdus Salam - người được mệnh danh là vòm đại thụ trong khu rừng Vật lý lý thuyết thế giới, Giám đốc ICTP và Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba - mời sang Trieste (Italy) và trao tặng Huy chương cùng số tiền 1.000 đô la Mỹ. Phát biểu khi nhận giải vào ngày 12/9/1991, cô gái Hà Nội nhỏ bé trong tà áo trắng tinh khôi không nói nhiều về mình, mà bày tỏ sự tri ân đến bố mẹ và những người thầy đã dìu dắt bà cũng như nhiều nhà Toán học Việt Nam khác trên con đường nghiên cứu khoa học đầy chông gai. Đôi mắt thông minh, nụ cười hiền dịu, gương mặt trong sáng và sự khiêm nhường của người phụ nữ Á Đông ấy đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các nhà khoa học Italy. Phóng viên Phablo Pagan của báo Trieste đã lựa chọn một nhan đề đầy chất thơ cho bài viết về buổi lễ trao giải của mình: Hình học vi phân và nụ cười từ Hà Nội đến Trieste.

Đạt được học vị Tiến sỹ khoa học khi chưa đến 30 tuổi là điều cực kỳ hiếm gặp, chiếm chưa đến 5% trong số những người bảo vệ thành công Luận án ở Liên Xô (cũ), và tỷ lệ nữ Tiến sỹ khoa học dưới 30 tuổi lại càng ít ỏi. Vì thế, cho đến tận bây giờ, Lê Hồng Vân vẫn được coi như một “hiện tượng”, không chỉ thể hiện tài trí của nữ giới nói chung mà còn là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Tên bà được đưa vào Sách tra cứu Toán học lưu hành ở các nước thuộc Cộng đồng Quốc gia Độc lập (SNG).

Mai Huyền

Các tin khác