Banner chính
Thứ Sáu, 19/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Áp dụng kỹ thuật mới trong nuôi lợn siêu nạc trong trang trại của ông Trịnh Duy Tân

Thứ Tư, 30/11/2016
Đối với các loại thực phẩm, sản phẩm thịt từ lợn siêu nạc đang được nhiều người dân ưa chuộng và sử dụng, vì thế, hiệu quả kinh tế mang lại từ loài gia súc này cũng khá cao và ổn định. Cùng với nhu cầu tiêu thụ của người dân ngày càng tăng cao, các kỹ thuật nuôi loài gia súc này cũng ngày càng phát triển. Kỹ thuật nuôi lợn tốt sẽ giúp vật nuôi lớn nhanh, giúp cho sức đề kháng của lợn tốt cũng như thời gian xuất chuồng được rút ngắn. Bên cạnh đó, lợn phát triển tốt, chất lượng sản phẩm thịt đảm bảo cũng là giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế. Đối với việc nuôi lợn siêu nạc hiện nay, thời gian xuất chuồng chỉ còn xấp xỉ 4-5 tháng, một ổ lợn trung bình khoảng trên 10 con. Trừ đi chi phí sản xuất, nguồn lợi thu về cho người chăn nuôi là tương đối đáng kể.

Tại xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, với mong muốn có thể nâng cao chất lượng các sản phẩm từ thịt lợn siêu nạc, trang trại của ông Trịnh Duy Tân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT, áp dụng vào mô hình sản xuất lợn siêu nạc, qua đó chất lượng cũng như số lượng lợn xuất chuồng đã tăng lên. Hiện nay, số lượng lợn trong trang trại của ông Tân đã lên đến hàng ngàn cá thể. Lợn đều phát triển khỏe mạnh và mang lại nguồn thu nhập kinh tế cao cho gia đình ông. Đối với phương pháp nuôi lợn của ông Tân, điểm mấu chốt là phải nuôi lợn theo hướng công nghiệp, áp dụng các tiến bộ KHKT để loại trừ đi những hạn chế của các phương pháp truyền thống. Qua đó, 4 điểm mấu chốt của phương pháp này, đó là chất lượng con giống, xây dựng chuồng trại, kỹ thuật cho ăn và phương pháp phòng và chữa bệnh cho vật nuôi. Trước hết, đối với phương pháp chọn con giống, đây được coi là bước quan trọng quyết định lớn đến hiệu quả của việc chăn nuôi, bởi con giống tốt sẽ có thể phát triển ổn định, cũng như có khả năng sinh sản tốt. Vậy mấu chốt của quá trình này, đó chính là chọn nguồn gốc nhập giống ổn định, đảm bảo, tránh tối đa những con giống có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, không được đảm bảo về khả năng phòng chống bệnh dịch.

Đối với phương pháp xây dựng chuồng trại, đây cũng là nội dung quan trọng, giúp cho lợn phát triển ổn định, nâng cao khả năng chống lại bệnh tật của lợn. Với những tìm tòi và nghiên cứu của mình, ông Tân đã tính toán đến khả năng phát triển đàn, do đó, ông đã lựa chọn phương pháp nuôi lợn trong chuồng kín. Với phương pháp này, lợn sẽ được cách biệt khỏi môi trường bên ngoài, tỷ lệ lợn tiếp xúc với các loại virut, bệnh dịch bên ngoài cũng sẽ được hạn chế. Bên cạnh đó, nuôi lợn trong chuồng kín, đã đảm bảo nguồn không khí, nguồn nhiệt bên trong chuồng, phương pháp này yêu cầu cần được lắp đặt các hệ thống lưu thông không khí như quạt gió, các loại máy phun nước trên mái và đặc biệt, cần phải bố trí các loại lỗ thông khí phù hợp trên tường.

Khẩu phần ăn cho lợn là yếu tố quyết định đến chất lượng thịt cũng như khả năng phát triển của lợn. Vì thế, lựa chọn khẩu phần ăn, chất lượng cũng như nguồn cung cấp thức ăn cho lợn như thế nào là vấn đề được người chăn nuôi hết sức quan tâm. Một con giống tốt sẽ phát triển rất nhanh và hiệu quả khi có chế độ ăn phù hợp với tuần tuổi của mình. Nhận biết được điều này, ông Tân đã nghiên cứu và áp dụng cho trang trại lợn của mình một chế độ dinh dưỡng hiệu quả. Cụ thể, khi lợn dưới 60kg. Đây là thời kỳ để cơ thể phát triển khung xương, hệ cơ, hệ thần kinh, do đó, khẩu phần ăn của lợn cần nhiều protein, khoáng chất, vitamin để phát triển cả chiều dài và chiều cao thân. Thiếu dưỡng chất trong giai đoạn này sẽ làm cho khung xương kém phát triển, hệ cơ vì thế cũng nhỏ, giảm hiệu quả kinh tế đối với người chăn nuôi.. Ở giai đoạn này, chế độ và hàm lượng dinh dưỡng  phù hợp sẽ từ 3100 đến 3300 Kcal, trong đó 17 đến 18% là protein. Các bữa ăn được chia làm nhiều bữa. Trong giai đoạn 2, khi lợn đã được nuôi từ 61 đến trên 100 kg, đây là giai đoạn lợn tích mỡ, vì thế khẩu phần ăn được hạn chế lại. Trong thời gian này, khẩu phần ăn của lợn cần đáp ứng từ 3000 đến 3100 Kcal, trong đó 14 đến 16% là protein trung bình khoảng từ 2,3 đến 2,7 kg thức ăn cho 1 cá thể/1 ngày. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe và tính linh động trong quá trình nuôi lợn, các hệ thống tự động, bán tự động hỗ trợ lợn ăn, uống nước cũng đã được ông Tân lắp đặt, qua đó, việc cho lợn ăn được thực hiện khá dễ dàng và tiện lợi.

Trong quá trình nuôi lợn siêu nạc, một kỹ thuật cũng khá quan trọng và cần được người chăn nuôi quan tâm, đó là kỹ thuật phân lô, phân đàn tại những thời điểm cần thiết. Khi lợn mới sinh và còn nhỏ, lợn con sẽ được phân đàn sống trong chuồng cùng lợn mẹ. Khi lợn con đạt đến một mức độ nhất định, đã cai sữa và đạt khoảng 10kg/1 cá thể, thì người chăn nuôi cần tiến hành phân lô, phân đàn cho lợn. Việc phân lô, phân đàn phải đảm bảo các quy tắc như khi ghép phải tránh không để cho lợn con phân biệt đàn và cắn xé lẫn nhau. Mật độ nuôi thích hợp là từ 10-35 kg có 0,4-0,5 m2/con, từ 35-100 kg có 0,8 m2/con. Bên cạnh đó, lợn đực và lợn cái do có khẩu phần ăn khác nhau, vì vậy cần được sắp xếp riêng để tránh nhầm ẫn khi cho ăn.

Có thể thấy, các kỹ thuật nuôi lợn siêu nạc không hề phức tạp và hoàn toàn có thể mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi tại Ninh Bình. Không những thịt thương phẩm đạt chất lượng cao, ít mỡ, được thị trường ưa chuộng, khả năng phát triển đàn của loài vật nuôi này cũng tương đối cao. Chỉ từ vài chục cá thể ban đầu, hiện đàn lợn của ông Tân đã phát triển lên đến hàng nghìn cá thể, mỗi năm thu nhập của gia đình ông lên đến hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lại tiết kiệm tương đối về nguồn nhân công lao động, diện tích cho một trang trại lợn cũng không đòi hỏi quá nhiều, chỉ 4 đến 5 người lao động đã có thể chăm sóc cho một trang trại lợn có diện tích khoảng 2ha. Đến với trang trại của ông Tân, nhiều kỹ sư nông nghiệp, nhiều tổ chức hội đã đánh giá cao về khả năng áp dụng cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình. Mong rằng, trong thời gian tới, với việc áp dụng nhiều tiến bộ KHKT trong quá trình chăn nuôi, việc nuôi lợn siêu nạc sẽ tiếp tục được phát triển, trở thành một vật nuôi chủ đạo, góp phần phát triển nghề chăn nuôi tại Ninh Bình.

Đông Hà

Các tin khác