Banner chính
Thứ Sáu, 04/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Áp dụng tiến bộ KHKT xây dựng mô hình nuôi Cua rèm kết hợp Tôm thẻ chân trắng

Thứ Sáu, 23/06/2017
Xã Kim Hải - huyện Kim Sơn là 1 xã ven biển, 100% đất sản xuất nông nghiệp của xã được sử dụng để nuôi tròng thủy sản, vì vậy, việc tìm ra được những hướng phát triển kinh tế phù hợp, phát huy được tối đa tiềm năng kinh tế của xã là nhiệm vụ được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Từ nhiều năm nay, giống tôm thẻ chân trắng đã được nhiều hộ dân, gia trại, trang trại trong xã Kim Hải tiến hành ươm nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa nuôi tôm và các loại thủy hải sản khác nhằm tặng năng suất kinh tế trên 1 đơn vị diện tích còn gặp nhiều hạn chế, bởi các loài cá, tôm, cua thường có xu hướng tiêu diệt lẫn nhau, loài này làn thức ăn cho loài khác.

Qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi và được hỗ trợ trong công tác chuyển giao công nghệ, từ 2 năm nay, một số gia trại, trang trại trong xã đã kết hợp, xây dựng thành công mô hình nuôi của Rèm, thuộc họ cua biển kết hợp tôm thẻ chân trắng. Mặc dù tôm và cua là 2 tương khắc, khi tôm lặn xuống bùn thường bị cua tiêu diệt làm thức ăn. Tuy nhiên, với đặc tính sinh trưởng và phát triển của mình, tôm thẻ chân trắng và cua Rèm lại có khả năng kết hợp khá tốt, 2 loại cá thể cùng sinh sống trong một môi trường ao hồ phát triển đồng đều, không những không tiêu diệt nhau mà còn hỗ trợ nhau tương đối hiệu quả.

Anh Trần Văn Bộ, huyện Kim Sơn phát triển kinh tế hộ gia đình bằng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Ảnh minh họa)

Để mô hình kết hợp giữa tôm thẻ chân trắng và cua Rèm đạt hiệu quả cao, nhiều kỹ thuật kết hợp đã được triển khai, tạo điều kiện sống tốt nhất cho cả 2 cá thể trong cùng một khu vực ao hồ. Việc lựa chọn địa điểm nuôi, áp dụng các kỹ thuật kiểm tra và cải tạo ao hồ đóng một vai trò thiết yếu. Ao nuôi tiêu chuẩn phải được thiết kế gần sông, có nguồn nước dồi dào và dễ cấp thoát nước. Nền đáy ao, đầm nên là loại đất thịt pha sét hay cát, không quá nhiều bùn nhão, độ mặn trong nước cần được duy trì từ 10-30‰ và nhiệt độ từ 25-350C. Trước trong và sau mỗi mùa vụ sản xuất, quy trình kiểm tra, khử độc, khử vi khuẩn  cần được tiến hành đầy đủ nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ về dịch bệnh. Sau mỗi vụ sản xuất, lượng nước trong ao nuôi cũng cần được hút ra ngoài, để tiến hành quá trình vệ sinh đáy ao.

Hiện nay, các nguồn giống tôm thẻ chân trắng và cua Rèm đều được lựa chọn từ nguồn giống chất lượng cao. Bằng mắt thường, con giống cần có tính đồng đều, có độ linh hoạt cao. Riêng đối với cua cần đầy đủ các bộ phận, màu vỏ phải đẹp và bóng. Cua cho vào khay phải phân bố đều, không bị dồn cục và khi đổ nước vào phải phân tán đều, có khả năng đeo bám tốt. Mật độ thả giống cũng là một nội dung quan trọng giúp mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng và cua Rèm đạt hiệu quả cao nhất. việc kết hợp hài hòa mật độ thả giống Tôm và cua sẽ hỗ trợ người nuôi tối đa trong việc cân bằng lượng thức ăn cung cấp cho cả hai cá thể. Nếu 1 trong 2 loài thiếu thức ăn, chất lượng và hiệu quả nuôi trồng sẽ không cao.

Đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp cua Rèm, hàm lượng dinh dưỡng trong từng giai đoạn cũng là một nội dung quan trọng cần được quan tâm. Trong quá trình tiêu hóa thức ăn và sinh trưởng, các ký sinh trùng, các chất thải của tôm thẻ chân trắng lại là một nguồn thức ăn phù hợp với Cua rèm, vì thế, kỹ thuật cho tôm ăn cần được lưu ý. Tôm có sinh trưởng, tiêu thụ thức ăn tốt thì cua mới có một nguồn thực phẩm dồi dào. Các loại thức ăn cho tôm thẻ chân trắng hiện nay phần lớn là thức ăn công nghiệp, tùy theo từng giai đoạn phát triển, trọng lượng của tôm mà lượng thức ăn, loại thức ăn cũng cần được thay đổi. Do cua Rèm là loài thường trú ngụ trong bùn, chỉ ngoi lên mặt nước khi kiếm ăn, vì thế lượng ô xi trong đáy ao nuôi cũng cần liên tục được bổ sung. Đối với mô hình nuôi cua Rèm kết hợp tôm thẻ chân trắng, ngoài việc thiết kế các hệ thống quạt không khí trên bề mặt nước, thì hệ thống sục ô xi từ dưới đáy ao cũng cần được lắp đặt. Các hệ thống này sẽ được đấu nối ở nhiều vị trí trong ao, liên tục bổ sung ô xi xuống lớp bùn, tránh tối đa tình trạng Cua không đủ ô xi, bò lên mặt nước, cua thường sẽ bị gãy chân, không đủ điều kiện lột và độ nhanh nhạy cũng không cao. Công tác phòng và chữa bệnh là một nội dung quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình. Bên cạnh việc thường xuyên vệ sinh, cải tạo ao hồ sau mỗi vụ thu hoạch thì quy trình xử lý, ứng phó kịp thời với các trường hợp phát sinh bệnh dịch cũng cần được thực hiện nhanh chóng. Vì các ao nuôi thường có diện tích lớn, vị trí lại được đặt sát cạnh nhau, do đó, khi có bệnh dịch xảy ra, các biện pháp cách ly khu vực bị bệnh cần được thực hiện nhanh chóng. Sau quá trình cách ly, các cá thể tôm và cua cần được bổ sung các nguồn thuốc trộn lẫn với thức ăn.

Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, mô hình nuôi cua Rèm kết hợp với tôm thẻ chân trắng đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Bởi nguồn thức ăn của tôm và cua bổ sung cho nhau, vì thế người dân đã tiết kiệm được một nguồn chi phí đáng kể so với việc chỉ nuôi đơn lẻ 1 trong 2 các thể. Cũng do nguồn thực phẩm của tôm và cua được cung cấp đầy đủ, vì vậy chất lượng tôm và cua sau khi thu hoạch đều được đảm bảo. Trung bình, sau 80-90 ngày nuôi, 1 cá thể cua Rèm sẽ đạt trọng lượng từ 400-600g, thân cua mẩy, chắc, màu cua đẹp, bóng và đồng đều, số lượng cua bị dị tật không đáng kể. Riêng đối với tôm, trung bình 30 cá thể tôm thẻ chân trắng sẽ đạt trọng lượng 1kg, tôm có sức bật tốt, các cá thể tôm tương đối đồng đều.

Qua việc xây dựng thành công mô hình nuôi cua Rèm kết hợp tôm thẻ chân trắng tại xã Kim Hải, trung bình 1 năm, không những sản lượng và chất lượng của tôm thẻ chân trắng được nâng lên mà sản lượng cua Rèm tiêu thụ ước tính cũng đạt hàng chục tấn, tổng sản lượng cua Rèm chiếm 1 tỉ trọng lớn so với các sản phẩm thủy hải sản khác. Với việc được hỗ trợ chuyển giao, đào tạo nâng cao các quy trình, kỹ thuật sản xuất, hiện nay, mô hình nuôi cua kết hợp tôm thẻ chân trắng đã được nhân rộng trên nhiều cơ sở của toàn xã, góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích ao hồ. Với các kỹ thuật được áp dụng, quy trình nuôi và sản xuất tôm thẻ chân trắng kết hợp cua Rèm chắc chắn sẽ là hướng đi mới hiệu quả cho người dân Kim Hải nhằm tăng sản lượng kinh tế. Sản phẩm tôm thẻ chân trắng và cua Rèm được sản xuất tại Kim Hải sẽ ngày càng đạt chất lượng cao và được thị trường tiêu thụ tin dùng.

Đông Hà

Các tin khác