Khi học cấp I xã Khánh Tiên (nay là Tiểu học xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) bao giờ ông cũng đứng tốp Nhất, Nhì lớp, được thầy giáo và các bạn quý mến. Đến tận bây giờ, ông vẫn không thể quên được các thầy cô giáo đã dìu dắt ông từ thuở mới chập chững bước vào đời. Ông nhớ nhất thầy giáo Vũ Văn Thiện - người xã Khánh Thiện. "Thầy Thiện hồi dạy tôi rất nghiêm nhưng rất quý học trò, thầy quý tôi lắm vì tôi là học sinh giỏi của thầy. Sau này, chính tôi đã mổ thành công bệnh cột sống cho thầy. Khi đó, thầy vừa tròn 71 tuổi và thầy thọ thêm được 10 năm nữa. Thầy là người mà tôi yêu mến kính trọng, sau khi mổ, thầy đã tặng tôi câu thơ mà tôi rất tâm đắc:
Số nào thắng nổi đức dầy
Mà cơ hồng phúc quyết ngày tái sinh
Hiếu trung trọn nghĩa vẹn tình
Với ta ta biết, với mình mình hay
Ba năm học cấp II Hồng Đức - xã Khánh Thiện (nay là trường Trung học Cơ sở Khánh Thiện, huyện Yên Khánh) ông liên tục đạt học sinh giỏi.
Những năm đầu của thập kỷ 60, cũng như bao gia đình khác, gia đình ông phải "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi". Tuy vậy, dù lao động vất vả, ngày ngày chèo đò đưa khách qua sông kiếm bữa gạo nhưng cụ thân sinh ra ông - người chỉ được học Bình dân học vụ vẫn quyết nuôi con ăn học thành tài. Theo ý nguyện của cha, năm 1963, ông rời nhà lên thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) vào học lớp 8B (1963-1964), rồi 9A (1964-1965) trường cấp III Lương Văn Tụy (nay là trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Tụy). Thời gian này, ông được gia đình bà Thọ ở Ninh Sơn, ông Quyền ở Ninh Phúc cho trọ học. Đến năm lớp 10 (1965-1966), ông chuyển về học tại trường cấp III Yên Khánh, nay là Trường THPT Yên Khánh A ở gần nhà, được thầy Lã Khắc Mẫn trực tiếp dạy môn Văn. Cũng chính năm đó, ông đạt học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc.
Tốt nghiệp cấp III, ông được cử đi học Đại học ở Trung Quốc. Không may cho ông và các bạn đồng lứa, đất nước Trung Quốc đang tiến hành cuộc "Cách mạng văn hóa". Vì vậy, ông được chuyển về học tại khoa Văn Trường Đại học Sư phạm.
Cuối năm 1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc. Đầu năm 1967, ông cùng các bạn xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian quân ngũ, ông được tuyển chọn vào học tại trường Đại học Quân y. Dường như nghề Y với ông là duyên, là nghiệp. Ông còn nhớ như in: "Hồi nhỏ, bố tôi hay ốm, tôi đã mong mình làm thầy thuốc để có thể chữa được cho bố". Em trai kế với ông là Vũ Hùng Trường lúc 5 tuổi đi tắm, bị trâu húc, nhiễm vi trùng uốn ván rồi mất. Khoa học lúc đó chưa phát triển, chứ nếu là bây giờ, để ông chữa trị, em ông hẳn đã không đến nỗi như vậy.
Vào Quân y, ông luôn cố gắng học tập, 3 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Năm 1972, ông được cử đi thực tế ở chiến trường B5 Quảng Trị. Ngày vào chiến trường cũng là ngày ông nhận được tin bố mất do bom B52 ném. Hành quân qua đất Ninh Bình, ông chỉ kịp về nhà viếng bố một lúc rồi đi ngay. Với ông, đó là sự mất mát quá lớn. Dù bố ông rất nghiêm, hay đánh đòn đau mỗi khi ông nghịch ngợm, lười học, nhưng chính cụ là người đã không quản nhọc nhằn để nuôi ông và các em ăn học đến nơi đến chốn. Noi gương cha, ông luôn cố gắng bảo ban, tạo điều kiện cho các em học hành đầy đủ, trở thành cán bộ, bác sĩ, công an...
Từ năm 1974 đến nay, ông công tác tại khoa Phẫu thuật thần kinh (BM9), Viện quân y 103. Tinh thần học hỏi và ý chí vươn lên đã giúp ông vượt qua được những khó khăn không nhỏ, khi tự học tiếng Anh năm 40 tuổi. Năm 1989, ông thi đỗ và được cử đi thực tập ở Tiệp Khắc. Năm 1992, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, với Đề tài: "Nghiên cứu nâng cao chất lượng điều trị ngoại khoa thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng cùng". Có thể coi đó là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp học tập và nghiên cứu của ông. Trở về nước, ông tập trung nghiên cứu lĩnh vực thần kinh cột sống. Tham gia nhiều cuộc hội thảo khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước như: Mỹ, Pháp, Úc, Hà Lan, Singapore, Thái Lan… Sau mỗi chuyến đi, ông đúc rút thêm cho mình nhiều kinh nghiệm, ứng dụng mới.
Ông có 65 công trình, bài báo đăng trên các Tạp chí y học trong và ngoài nước. Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, hướng dẫn thành công 5 Tiến sỹ Y học, 10 Thạc sỹ Y học, 2 Chuyên khoa cấp II Y học. Tham gia nhiều Hội đồng khoa học của Nhà nước, Bộ Y tế và Nhà trường. Có 1 đề tài cấp nhà nước: "Nghiên cứu ảnh hưởng của Dioxin đến các cựu chiến binh và các thế hệ con cháu của họ", 2 đề tài cấp Bộ về sử dụng và ứng dụng vi phẫu thuật vào Y học quân đội, đã tham gia viết và chủ biên 11 đầu sách. Một trong những cuốn sách ông chủ biên là: "Chấn thương cột sống tủy sống và những vấn đề cơ bản -NXB Y học năm 2006". Thời gian ông làm Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật thần kinh là thời gian nở rộ về những sáng kiến chuyên môn, khoa BM9 trở thành đơn vị chuyên môn có tiếng Toàn quốc và sau này, những lớp học trò kế cận ông lên làm lãnh đạo đã phải công nhận và lấy đó làm động lực thúc đẩy trong công việc.
Năm 1999, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Năm 2001, ông nhận học hàm Phó Giáo sư Y học. Đến năm 2007 được công nhận là Giáo sư y học. Năm 2010, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Ngoài ra ông còn có nhiều Bằng khen, giấy khen khác cùng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Hiện nay, do tuổi đã cao nên ông không còn tham gia công tác nữa, nhưng với chức danh Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân, Giảng viên cao cấp, ông vẫn được Nhà trường, Học viện quân y... mời tham gia giảng dạy, chuẩn đoán những ca bệnh khó. Được mời làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam, Ủy viên Hội Phẫu thuật thần kinh thế giới.
Lòng say mê học tập, nghiên cứu khoa học và những thành quả mà ông đã đạt được không chỉ là niềm tự hào của gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước. Còn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ tỉnh Ninh Bình nói riên, thế hệ trẻ cả nước nói chung noi gương để học tập, rèn luyện thật tốt phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước./.
Vũ Đình Tụy