Trong quy trình sản xuất nông nghiệp hiện nay, cấy lúa là khâu khó áp dụng đưa cơ giới hoá vào nhất. Đa số người dân vẫn cấy lúa bằng tay, phương pháp này không chỉ tốn kém thời gian nhân lực mà độ đồng đều của cấy lúa không cao. Nhận thấy những thiết bị cấy lúa có động cơ trên thị trường bán với giá thành rất cao không hợp túi tiền người dân lại cồng kềnh khó đi vào cấy ở những vùng đồng ruộng diện tích nhỏ hẹp. Qua nhiều lần sáng tạo và thử nghiệm thất bại trên đồng ruộng, cuối cùng ông Ba cũng đã chế tạo thành công máy cấy mini với những hiệu quả nhất định.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay có bán nhiều loại máy cấy lúa. Tuy nhiên nếu là của những người nông dân thiết kế ra thì đều là những máy cấy không động cơ, không đi lùi được, khi cấy lúa không được thẳng hàng và tốn nhiều công sức hơn vì người cấy lúa vừa lôi máy vừa cấy nên tốn rất nhiều sức, nhanh mệt. Còn những máy có động cơ nhập khẩu bán trên thị trường giá thành cao, không vừa với túi tiền người nông dân lại cồng kềnh khó đi vào cấy ở những vùng đồng ruộng diện tích nhỏ hẹp.
Máy cấy lúa mini của ông Đinh Văn Ba thiết kế là máy cấy có động cơ, đi lùi được và chưa được sản xuất trên thị trường Việt Nam. Các chi tiết lắp ráp với nhau thành một dây chuyền, biến chuyển động quay thành chuyển động lên xuống để cấy lúa. Điều đặc biệt là máy cấy được thiết kế hoàn toàn bằng những nguyên vật liệu ở địa phương, rất dễ sửa chữa và thay thế. Phù hợp với chủ trương đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng.
Nguyên tắc cấu tạo và hoạt động của máy cấy: Thiết bị hoạt động dựa theo nguyên tắc liên hệ giữa động cơ và thiết bị của máy, biến chuyển động tròn thành thành chuyển động lên xuống của tay cấy
Nguyên vật liệu để sản xuất gồm: Sắt hộp, nhông xích xe máy, tôn hoa, vòng bi, bánh răng và những vật liệu sẵn có ở địa phương.
Giải pháp thiết kế gồm:
- Khung máy, khay đựng mạ, hộp số, bánh xe, càng lái, tay lấy mạ.
- Khi hoàn thành đã được thử nghiệm trên đồng ruộng, máy chạy tốt, lúa cấy đều, thẳng hàng.
- Bước 1: Chuẩn bị nguyên vật liệu
+ Động cơ lấy từ máy bơm nước có công suất 1,9HB.
+ Sắt hộp, tôn hoa, nhông xích xe máy, vòng bi, bánh răng.
- Bước 2: Làm khung máy;
- Bước 3: Làm tay lấy mạ và trục khuỷ;
- Bước 4: Làm hệ thống dịch chuyên khay mạ;
- Bước 5: Làm hộp số;
- Bước 6: Làm bánh xe;
- Bước 7: Làm càng, tay lái;
- Bước 8: Làm ly hợp cắt chuyển động;
- Bước 9: Làm phao chống lầy;
- Bước 10: Lắp ráp các bộ phận đã làm vào khung máy;
- Bước 11: Sơn máy.
Cách sử dụng máy cấy lúa mi ni: Dưới gầm máy có lắp 3 bánh xe, người vận hành máy, kéo máy đi bộ hoặc dùng xe máy kéo máy ra ruộng. Khi xuống ruộng cấy 3 bánh xe được tháo ra, mạ được gieo trên sân hoặc nền đất phẳng, khi cấy ta dùng khuôn cắt mạ. Khi máy xuống ruộng, ta thả mạ đã cắt vào khay.
Kéo ly hợp máy về O, khởi động máy nổ đặt chế độ cấy. Thả ly hợp máy tự động cấy và di chuyển. Ta chỉ việc cho máy cấy thẳng hàng.
Khi máy cấy hết một đường ta kéo ly hợp để dừng cấy, đồng thời bóp tay hướng phía bên ngoài đường cấy máy tự động quay đầu.
Máy được thiết kế nhỏ gọn, có thể di chuyển vào những khu vực đồng ruộng nhỏ, địa hình khó khăn mà những máy cấy cồng kềnh khác không vào được. Lúa được cấy thẳng hàng, không tốn mạ. Máy cấy lúa mini có hai bánh xe để di chuyển máy trên đường nhựa dễ dàng, khi xuống ruộng chúng ta tháo bánh ra rất đơn giản. Máy nặng khoảng hơn 60 kg nhưng dùng toàn bộ bằng động cơ kéo nên không tốn công sức người điều khiển. Máy có phao làm phẳng ruộng không để lại bước chân. Giúp việc cấy lúa đạt hiệu quả cao, giảm được thời gian, nhân lực, trung bình mỗi giờ cấy được 720m2 tức 2 sào Bắc Bộ. Tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn.
Bích Đào