
Năm 1942, GS lại cùng danh học Nguyễn Đỗ Cung, danh nhạc Nguyễn Xuân Khoát và các nhà văn, nhà thơ như Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh…sáng lập nhóm Xuân Thu với dụng ý làm sống lại cội nguồn triết học và tư tưởng nghệ thuật phương Đông cổ đại trước sự lấn át của khuynh hướng Âu hoá trong nền văn hoá, văn học dân tộc lúc bấy giờ. GS đã được coi là Mạnh Thường Quân của một số văn nghệ sĩ có tài mà nghèo đói, mặc dù đời sống của chính mình cũng chẳng giàu có gì. Đương thời, với một trình độ học vấn, một năng lực nghệ thuật, đặc biệt là một nhân cách thanh cao như thế, GS Nguyễn Lương Ngọc đã là người có uy tín ở đất Hà Thành.
Cách mạng tháng Tám thành công và kế đó là kháng chiến toàn quốc bùng nổ, GS đã hăng hái hưởng ứng theo sở trường của mình. Đầu tiên, cùng với GS Nguyễn Văn Chiểu làm giám hiệu trưởng trường Trung học Sư phạm trung ương. Sau đó, vào Thanh Hoá, cùng các nghệ sĩ kháng chiến khác là Chu Ngọc, Nguyễn Tuân, Sĩ Ngọc, Bửu Tiến, Hòang Tuệ…thành lập đoàn kịch Tiền Tuyến hoạt động khắp địa bàn khu Bốn cũ, trong đó có chiến trường Bình Trị Thiên đầy khói lửa. GS đã viết hai vở: “Cái đèn” và “Một dòng họ” để đoàn trình diễn. Có lúc, GS còn được giao nhiệm vụ cùng nhà cách mạng có tên tuổi Tôn Quang Phiệt hoạt động trong Đảng Dân chủ, sau đó là chủ nhiệm Việt Minh, kiêm phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Thanh Hoá. Lúc này, GS đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1951, trước yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục, trường Dự bị Đại học thành lập, GS được cử làm giảng viên. Ít lâu sau, lại được cử làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc giáo dục khu Bốn cũ thay GS. Đặng Thai Mai. Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, GS được điều về trường ĐHSP Hà Nội vừa giảng dạy, vừa tham gia công tác quản lý với cương vị chủ nhiệm bộ môn, rồi chủ nhiệm khoa Văn. Chính GS là người đầu tiên xây dựng bộ môn Lý luận văn học. Năm 1962, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam được thành lập, GS được cử giữ chức Viện trưởng và như thế, cũng là người đi đầu trong giai đoạn phát triển mới cao hơn của ngành tâm lý học và giáo dục học của miền Bắc bấy giờ. Năm 1967, GS trở lại trường ĐHSP Hà Nội I làm hiệu trưởng cho tới ngày về hưu.
Thời gian gần 10 năm làm hiệu trưởng của GS. Nguyễn Lương Ngọc là thời gian trường ĐHSP Hà Nội I tuy phải sơ tán gian khổ nhưng phát triển, đoàn kết trên dưới một lòng. Dưới quyền lãnh đạo của GS. Nguyễn Lương Ngọc, người ta có cảm tưởng các thành viên trong trường không ai nỡ nói dữ, chơi xấu nhau, ngược lại chỉ đua nhau mà làm việc cho tốt. Sau ngày nghỉ hưu, trong nhiều năm, Bộ trưởng Giáo dục (cũ) vẫn mời GS làm Chủ tịch Hội đồng bộ môn kiêm Chủ tịch Hội đồng duyệt sách ngành Ngữ văn. Một điều thật đáng quý là đã vào tuổi trên 80, sức khoẻ sút kém rõ rệt, GS vẫn quay lại nghiệp văn chương, và trong vòng một năm, cho ra đời hai tác phẩm. Trong đó, đặc biệt có cuốn hồi ký Nhớ bạn ghi lại những kỷ niệm giữa mình với bạn làng văn, với bạn trí giả theo tinh thần không phải như người xưa từng nói là “văn nhân tương khinh” mà ngược lại là “tương thân tương kính”. Có trường hợp tình bạn của GS đã vượt qua, đã bất chấp cái thói thường “phù thịnh bất phù suy” vốn là vô nghĩa với thời gian. Cuốn hồi ký đã gây xúc động và niềm cảm phục trong nhiều độc giả bởi lẽ đó.
Nghĩ đến GS Nguyễn Lương Ngọc, con người đã đi qua cõi đời 85 năm, dễ thường sẽ nhớ đến thuyết “tam lập” (ba thứ cần dựng lên) trong triết học phương Đông cổ đại: lập đức, lập công, lập ngôn. Trong đời thường, với bao nhiêu quan hệ, cũng như trong công tác với bao nhiều cương vị này nọ, ở GS Nguyễn Lương Ngọc, chữ Đức vẫn là hàng đầu, Ở đây, dĩ nhiên, chưa phải là chuyện dựng lên lý thuyết đạo đức gì, mà vấn đề là có một chữ TÂM, một tấm lòng yêu thương, trân trọng con người và mong muốn con người cũng yêu thương trân trọng nhau tới mức phải nói thật, không dễ có nhiều. Cho nên GS qua đời là một nỗi đau lớn cho gia đình, cho bạn bè, cho các môn đệ, cho xã hội. Có điều là dù GS đã thành người thiên cổ thì tiếng thơm, tấm gương sáng về nhân cách, về sự cống hiến của GS cho đất nước, cho nhân dân vẫn còn mãi với tháng năm. Dù người có may mắn được làm học trò GS đến nay không ít cũng là GS có uy tín trong xã hội, hay là người chưa có may mắn được làm học trò GS, vẫn rất đỗi tự hào rằng: trong lịch sử lâu đời và quang vinh của nhà trường, cùng với những tên tuổi vẻ vang như giáo sư-học giả Đặng Thai Mai, giáo sư-sử gia Đào Duy Anh, giáo sư-triết gia Cao Xuân Huy, giáo sư-sử gia-thi sĩ Phạm Huy Thông, giáo sư-nhà toán học Lê Văn Thiêm…mà nay đều đã vắng bóng, có tên tuổi đẹp đẽ của giáo sư-nhà văn-nhà giáo nhân dân Nguyễn Lương Ngọc.
Nguồn: Hội thảo khoa học GS Nguyễn Lương Ngọc
Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP, ngày 05 tháng 10 năm 2011.