Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

GS. TSKH Trần Văn Nhung nhà khoa học tâm huyết và uy tín

Thứ Năm, 05/04/2012

Ông sinh ngày 1.10.1948 tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (sau đó đi tản cư, học hành và lớn lên ở xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) trong một gia đình nông dân mà cả cha và mẹ đều theo đạo Phật. Ông mồ côi mẹ khi mới 12 tuổi. Vốn tính hiếu kỳ lại chịu khó quan sát, học hỏi, ngay từ nhỏ ông đã có vốn kiến thức, hiểu biết tốt về văn hóa, đời sống. Điều đặc biệt là ông thích học cả văn lẫn toán. Cũng như bao bạn bè đồng trang lứa, tuổi thơ của ông trôi đi êm đềm cùng những trò chơi dân dã, những hoạt động sinh hoạt Đội, rồi Đoàn sôi nổi trong hoàn cảnh đất nước nửa hòa bình, nửa chiến tranh. Thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người mẹ, có khó khăn, gian khổ nhưng việc học tập của ông chưa lúc nào bị gián đoạn, ông luôn là một trong những gương mặt nổi bật trong lớp, ngoài trường. "Ngày còn học ở trường làng, kết quả học tập của tôi thường được các thầy cô giáo khen ngợi, nhưng thú thực có lúc hạnh kiểm lại xếp thấp hơn các bạn khác bởi tôi thuộc tốp học sinh nghịch ngợm, táo tợn. Tất nhiên là khi tin ấy đến tai bố tôi thế nào tôi cũng bị ngay một trận đòn ra nhẽ!" - ông kể.

Học xong lớp 8 (cấp 3 nay là THPT), ông rời gia đình lên Hà Nội vào học lớp 9 và 10 ở Khối THPT chuyên Toán khóa I (Đại học Tổng hợp Hà Nội, khi ấy những khóa đầu chỉ có 2 lớp cuối): "Tôi còn nhớ rõ cảm giác lâng lâng của những ngày mùa thu tháng 9.1965 khi được cầm trên tay tờ giấy gọi vào học lớp chuyên Toán khóa đầu tiên, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội…". Từ một vùng quê nghèo thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bất chấp máy bay Mỹ bắn phá Nam Định, Phủ Lý, ông khăn gói bắt xe lên Hà Nội. Cả lớp lúc ấy chỉ có 38 học sinh, vừa gặp nhau đã phải lục tục "hành quân" lên vùng sơ tán Đại Từ (Bắc Thái). Lớp học sinh đợt đó được triệu tập từ nhiều tỉnh, thành phố trên miền Bắc trong đó có cả những học sinh miền Nam theo gia đình tập kết. Lúc đầu, lớp này được gọi là "lớp Toán đặc biệt", về sau được đổi thành "lớp Toán dự bị" và ngày nay là Khối THPT chuyên Toán - Tin, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐHQGHN). Sự ra đời của lớp chuyên Toán đầu tiên (1965) giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn vô cùng khốc liệt trên cả hai miền Nam, Bắc càng cho thấy tầm nhìn sâu rộng và chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục. Mô hình và thiết kế của lớp chuyên Toán đầu tiên này mặc dù còn mới mẻ, nhưng đã khá khoa học và thể hiện rõ chủ trương đào tạo học sinh toàn diện. Các môn chuyên ngành toán như: Đại số, Hình học, Lượng giác, Toán logic, Toán học hữu hạn,… được dạy một cách bài bản, chuyên sâu, nâng cao hơn so với khối đại trà. Ông và bạn bè có điều kiện được học trực tiếp các giáo sư, các nhà toán học trẻ tài ba lúc đó như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Đường (đã mất), Nguyễn Thừa Hợp, Nguyễn Bác Văn, Lê Minh Khanh, Nguyễn Viết Phú, Nguyễn Duy Tiến, Đặng Hữu Đạo hay thầy Phạm Văn Điều (Chủ nhiệm lớp, giờ đã mất). Đối với các môn học khác như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn học, Lịch sử, Địa lý, Triết học, Ngoại ngữ, họ đều được dạy bởi các thầy, cô giáo giỏi từ các khoa của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở khu sơ tán lúc đó. Vì vậy, không chỉ các môn toán mà cả các môn học khác, lứa học sinh khóa I và cả các khóa sau nữa được dạy dỗ rất nghiêm túc bởi các chuyên gia có uy tín… Được học tập, rèn luyện trong một môi trường thuận lợi có thầy giỏi, bạn giỏi ngày càng được tôi luyện, trưởng thành.

Tốt nghiệp chuyên Toán năm 1967, Ông chuyển lên học hệ đại học tại Khoa Toán - Cơ - Tin học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Ngoài thời gian học trên giảng đường, thế hệ thanh niên thời đó còn sôi nổi tham gia các phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước. Suốt trong 4 năm đại học (1967 - 1971), ông luôn nằm trong tốp những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất để rồi sau ngày tốt nghiệp vinh dự được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa. Là một cán bộ trẻ, có năng lực, bên cạnh công tác chuyên môn, ông còn tham gia rất tích cực vào các hoạt động phong trào, vào các hoạt động Đoàn thanh niên của Khoa, của Trường.

Từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 4 năm 1985: Ông Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Bremen (CHLB Đức) theo học bổng nghiên cứu Alexander von Humboldt (AvH).

Sau 4 năm làm nghiên cứu sinh ở đất nước Hungary. Trở về Việt Nam, mấy năm sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, trực tiếp giảng dạy cho sinh viên. Năm 1988, ông quay trở lại Hungary để vừa giảng dạy cho sinh viên quốc tế, vừa nghiên cứu và năm 1990, ông đã đạt được học vị tiến sĩ khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.

Sau khi về nước, ông được bầu làm Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học (1990 - 1991), rồi làm Phó hiệu trưởng phụ trách Đào tạo Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1992 - 1993). Mặc dù công tác quản lý ngày càng bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian đáng kể cho hoạt động chuyên môn, chuẩn bị bài giảng và nghiên cứu khoa học. Từ năm 1981 đến nay, ông đã nhiều lần được mời đi giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các nước như Đức, Pháp, Ý, Áo, Nga, Úc, Đông Âu… Là một nhà khoa học tâm huyết và có uy tín, ông từng giữ vai trò là Chủ tịch Hội Toán học thành phố Hà Nội (hai nhiệm kỳ, từ 1991 đến 2003), Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (hai nhiệm kỳ, từ 1995  đến 2004). Từ năm 1993-2001ông làm Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2001-2008: ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ viên Ban Cán sự Đảng ngoài nước, ngoài ra Ông còn làm: Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Năm 2005 ông làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Australia.

Hướng nghiên cứu khoa học của ông tập trung vào: Sự ổn định của các hệ động lực và ứng dụng trong sinh học. Ông đã hướng dẫn chính 3 NCS và hướng dẫn phụ 4 NCS bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Đã nhiều lần được mời làm Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ (trong đó có 3 Hội đồng quốc tế), phản biện hoặc tham gia các hội đồng.

Trong giai đoạn từ năm 1979 đến 2000 Ông đã có 32 công trình được đăng trên các tạp chí khoa học (9 trong nước, 23 ngoài nước, trong đó có 17 bài được MathSciNet 2002 của Hội Toán học Mỹ (American Mathematical Society) liệt kê (xem trên http://www.ams.org); là tác giả hoặc đồng tác giả của 4 cuốn sách được NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản và tái bản nhiều lần. Từ năm 1981-1995: Ông đã nhiều lần được mời đi báo cáo khoa học, hợp tác nghiên cứu và đào tạo ở Áo, Australia, Ba Lan, CHLB Đức, Hungary, Italia, Pháp,... Được tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học East Anglia (Vương quốc Anh), Trường Đại học Công nghệ Swinburne (Australia) và Giáo sư danh dự của Ritsumeikan Asia-Pacific University (APU, Nhật Bản). Được chọn là một trong số 100 gương mặt tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội trong quá trình 100 năm xây dựng và phát triển nhà trường (1906-2006).

Với công lao cống hiến Ông được Đảng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng hai, hạng ba, nhiều huy chương, bằng khen của Việt Nam, Lào, Campuchia và Hungary. Được Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP. Hà Nội tặng Giải thưởng Gương điển hình có nhiều cống hiến và ảnh hưởng đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 1931-2011 (Được Ban chấp hành Thành đoàn bình chọn là một trong số 80 gương mặt tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).

Mặc dù, tuổi cao sức yếu nhưng Ông vẫn say mê với công tác khoa học. Từ năm 2009 đến nay ông đang làm Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước tại Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, trường Đại học Bách khoa Hà Nội;

Tuy làm việc với ông trong thời gian ngắn, nhưng Ông rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi các thông tin về "Những nhà khoa học Người Ninh Bình" để chúng tôi sớm hoàn thành cuốn sách trong năm 2012. Ông thực sự là một nhà khoa học tâm huyết và có uy tín./.

 Vũ Đình Tụy

Các tin khác