Năm 1950, tốt nghiệp trung học, ông được tổ chức cử về làm Chánh văn phòng Huyện uỷ Thọ Xuân (Thanh Hoá). Tháng 5/1952, ông được tổ chức điều đi học Đại học Y kháng chiến (lúc ấy Đại học Y đóng ở Tuyên Quang). Đây là một bước ngoặt trong đời ông, chính ông cũng không ngờ nhờ đó mà sau này ông đã trở thành một chuyên gia đầu ngành về Hen, dị ứng miễn dịch lâm sàng Việt Nam
Học trường Y khoa được một năm, tháng 8 năm 1953, tổ chức lại cử ông sang Liên Xô học Đại học Y khoa số 2 Mátxcơva (Đại học tổng hợp Y Matxcơva). Khó khăn lớn nhất của ông cũng như các học viên khác là không biết tiếng Nga, các thầy giáo người Nga không biết tiếng Việt (dĩ nhiên), họ cũng không biết tiếng Pháp nữa, vậy thì làm thế nào mà hiểu được nhau? Thế là các học viên phải tự mày mò học tiếng Nga, có nhiều cách như học qua từ điển Nga-Pháp, Nga-Anh, rồi trong quá trình sinh hoạt hiểu dần ra. Cứ thế Nguyễn Năng An học vào loại xuất sắc, không những thế ông còn biên soạn cuốn từ điển Nga - Việt đầu tiên tới 24 ngàn từ, xuất bản năm 1959, với sự giúp đỡ của nhà văn Hồng Hà, nhà báo Trần Kiên. Học ở trường Y, điểm các môn của Nguyễn Năng An toàn 5 (ở Liên Xô điểm 5 là cao nhất). Thấy ông học giỏi, năm 1957, Viện sỹ A-đô bảo ông: Anh có biết gì về bệnh hen, dị ứng không? Ông đáp chưa biết. Viện sỹ A-đô bảo: những nước bên bờ biển như nước anh tỷ lệ mắc các bệnh hen, dị ứng cao lắm, tới 30% dân số chứ không ít. Tôi thấy anh nên đi theo chuyên ngành này, có thể làm tới tiến sĩ về đề tài này đấy.
Từ 1958, Nguyễn Năng An tập trung vào nghiên cứu các bệnh hen và dị ứng. Chỉ một thời gian sau, năm 1960, ông đã công bố bài nghiên cứu “Bàn về cơ chế dị ứng cơ trơn” đăng ở văn kiện Hội nghị khoa học toàn Liên Xô được tổ chức tại Sverdlov. Rồi sau đó ông liên tục công bố 20 bài nghiên cứu: “Về các quá trình tiết Cholin trong cơ chế dị ứng cơ trơn”; “Bàn về cơ chế của phản ứng nghịch đảo với Atropin sau đợt co dị ứng”; “Bàn về cơ chế phản ứng nghịch đảo của cơ trơn và khả năng sử dụng để chẩn đoán” v.v., đăng ở các tạp chí và tuyển tập có uy tín trong ngành Y của Liên Xô.
Năm 1960, Nguyễn Năng An tốt nghiệp loại ưu Đại học Y, đồng thời ông đã hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ. Viện sỹ A-đô nói đề tài của ông xứng đáng làm luận án tiến sĩ (nay là Tiến sĩ khoa học). Vậy là Nguyễn Năng An bảo vệ Phó tiến sĩ ở khoa cho đúng thủ tục, sau đó được đặc cách làm thẳng Tiến sĩ khoa học. GS Nguyễn Năng An kể: khi ấy tôi đã đến hạn phải về nước, may lúc ấy có giáo sư Lê Văn Thiêm sang Liên Xô, các giáo sư Liên Xô đề nghị cho tôi làm tiếp luận án Tiến sĩ. Ông Thiêm về báo cáo ông Tạ Quang Bửu (là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước). Ông Bửu gặp ngay ông Phạm Ngọc Thạch (Bộ trưởng Y tế) để bàn bạc và cho phép tôi được ở lại Liên Xô hoàn thành luận án.
Không phụ tấm lòng của lãnh đạo, Nguyễn Năng An tích cực hoàn thành luận án Tiến sĩ khoa học “Những cơ chế dị ứng của cơ trơn”. Cơ trơn (bao gồm phế quản, dạ dày, ruột, tử cung, huyết quản) có vai trò rất quan trọng trong các bệnh dị ứng như viêm mũi, hen, sốc phản vệ, mày đay, phù Quincke, v.v và các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, luput ban đỏ hệ thống, sơ cứng bì...) 30% dân số nhiều nước mắc các bệnh dị ứng và tự miễn. Luận án của Nguyễn Năng An xác định có nhiều cơ chế dị ứng khác nhau của cơ trơn, góp phần hình thành thuyết đa cơ chế và thuyết cạnh tranh cảm thụ quan (receptor) trong các bệnh dị ứng. Luận án đã đề xuất một số biện pháp về chẩn đoán và điều trị các bệnh dị ứng. Ngày 13 tháng 01 năm 1964, Nguyễn Năng An đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Y khoa nói trên trước một hội đồng 51 giáo sư, viện sỹ. Ông là Tiến sĩ khoa học Y học đầu tiên của nước ta được đào tạo ở Liên Xô. Được cấp bằng Tiến sĩ năm 1964, bằng TSKH năm 1964. Được công nhận chức danh Giáo sư Y học năm 1984, chuyên ngành Dị ứng, từ 1998 là Chủ tịch Hội hen, Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Việt Nam, thành viên Hội Đồng quốc tế chuyên ngành này.
Về nước đúng thời kỳ Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, giáo sư Nguyễn Năng An hăng hái đi phục vụ chiến trường, ông cùng đoàn cán bộ Đại học Y xây dựng tuyến cấp cứu hồi sức dã chiến ở vùng đất lửa Quảng Bình (hồi đó bệnh viện Đồng Hới bị bom Mỹ phá tan). Được ba tháng, ông lại trở ra Hà Nội để tham gia việc sơ tán Đại học Y lên Bắc Thái. Ông tích cực giảng dạy và nghiên cứu, nhiều công trình đã ra đời trong thời kỳ này. Hồi đó đất nước ta thiếu thốn trăm bề, vì vậy nhiệm vụ đặt ra cho các cán bộ y tế như ông là phải nghiên cứu kết hợp đông tây y trong điều trị bệnh. Năm 1968 ông là Trưởng phòng y học thực nghiệm. Cùng với đồng nghiệp, GS Nguyễn Năng An đã tìm ra hàng loạt cây thuốc chữa dị ứng như Kim ngân hoa, Ké đầu ngựa, Đơn tướng quân, ...Sau đó ông còn nghiên cứu khả năng chống dị ứng của nọc ong và các sản phẩm khác của ong kết hợp châm cứu chữa bệnh. Lần lượt những bài viết của ông như: “ Nghiên cứu tác dụng chống dị ứng của Kim ngân”; “Mấy kết quả bước đầu nghiên cứu thực nghiệm khả năng chống dị ứng của nọc ong”; “Nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng của vị Kim ngân”; “Một số bệnh chữa bằng sản phẩm ong”... được đăng trên các tạp chí Y học Việt Nam, Dược học, Đông y... đã cung cấp cho nhân dân khá nhiều kiến thức phòng chống bệnh tật bằng những cây có ở quanh ta. Tính đến nay Giáo sư Nguyễn Năng An đã có 180 công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí, tập san có uy tín trong và ngoài nước. Ông còn là chủ nhiệm 14 đề tài các cấp và biên soạn 19 cuốn sách.
Tháng 6 năm 1980 ông được giao nhiệm vụ thành lập, trở thành Chủ nhiệm khoa Dị ứng và miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai và tháng 11/1980, lập Bộ môn Dị ứng ở Đại học Y Hà Nội. Ông đã nghiên cứu và đưa ra vài chục phác đồ điều trị cứu hàng ngàn bệnh nhân. Những phác đồ này đến nay các bệnh viện, trung tâm y tế vẫn sử dụng. Năm 1980 ông được cử giữ chức Phó Hiệu trưởng, rồi quyền Hiệu trưởng. Được công nhận chức danh Giáo sư Y học năm 1984 cũng năm đó (1984) ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Y khoa Hà Nội. Phó Chủ tịch UBMT Tổ Quốc Hà Nội(1993-2009)
Ngày 03 tháng 02 năm 2010 ông được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Từ năm 1990 đến tháng 6 năm 2010, Giáo sư Nguyễn Năng An là Uỷ viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, trực tiếp làm Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội (Liên hiệp hội Hà Nội). Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng Liên hiệp hội Hà Nội, từ lúc chưa có gì đến nay Liên hiệp hội Hà Nội đã có 36 hội chuyên ngành với hơn 50.000 hội viên, được Nhà nước thưởng Huân chương lao động hạng Nhất. Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, GS Nguyễn Năng An vẫn đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) phòng chống hen. Vì hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh hen chiếm tới 5% dân số, tức khoảng 4 triệu người. Chi phí cho điều trị bệnh hen trung bình khoảng 301 USD/người/năm. Ngoài ra căn bệnh này còn gián tiếp gây tổn thất 2 triệu ngày công lao động, 3 triệu ngày nghỉ học. Trong khi đó việc quản lý hen tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức, hơn 90% người mắc bệnh hen chưa hiểu biết về cách phòng ngừa bệnh và điều trị bệnh. Câu lạc bộ ra đời nhằm mục đích bồi dưỡng, huấn luyện bệnh nhân, giúp người bệnh có thể trao đổi, cập nhật thông tin, học hỏi kinh nghiệm để có thể chủ động bảo vệ sức khoẻ cho chính mình.
Câu lạc bộ đã có gần 1000 hội viên, mỗi tháng ông chủ trì sinh hoạt 1 lần, đều đặn suốt 3 năm nay. Qua các buổi sinh hoạt, hội viên đã từng bước biết cách dùng thuốc, tránh được các yếu tố kịch phát, từ đó theo dõi tình trạng sức khoẻ của chính mình thông qua các triệu chứng lâm sàng.
Ngoài công việc làm giảng viên, ông còn Hướng dẫn thành công 15 luận án Tiến sĩ và 15 luận văn Thạc sĩ. Giảng dạy và đào tạo nhiều khoá sinh viên Y khoa, Bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, nội trú. Công bố trên 180 công trình, bài báo, đề tài khoa học, trong đó có 40 bài báo công bố ở nước ngoài và hơn 100 ở trong nước. Chủ nhiệm hơn 20 đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp thành phố. Biên soạn nhiều giáo trình, bài giảng, sách giáo khoa về chuyên ngành Dị ứng và miễn dịch lâm sàng. Là thành viên Ban chủ nhiệm và Ban Biên soạn Bộ Bách Khoa thư Hà Nội 18 tập nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 Thăng Long -Hà Nội (10-2010).
Với công lao cống hiến của ông, Ông được Đảng, Nhà nước, Liên hiệp hội KH&KT Việt Nam tặng thưởng nhiều Bằng khen, kỷ niệm Chương. Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì. Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huy chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huy chương khác.
Xuân này, GS Nguyễn Năng An bước sang tuổi 82, nhưng vẫn hoạt động không ngơi nghỉ, ông bảo: Còn sức khoẻ tôi còn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo cán bộ và viết sách chuyên ngành.
Nơi ở hiện nay: Số 9, ngõ 264, phố Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0903.426.815
VT