Oliver Hart sinh ra tại London (Anh), nhưng học tập, làm việc và hiện là công dân Mỹ. Ông là Giáo sư kinh tế của Đại học Harvard. Trong khi đó, Bengt Holmstrom là công dân Phần Lan, nhưng hiện cũng cư trú lâu dài (permanent resident) tại Mỹ. Ông đang giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts.
Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét nghiên cứu của hai nhà khoa học thoạt nghe có vẻ không thú vị. Tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thấu hiểu nền kinh tế hiện đại. Do hợp đồng là khái niệm quen thuộc với tất cả mọi người, như hợp đồng bảo hiểm, lao động, quyền sở hữu trí tuệ… Nghiên cứu của Hart và Holmstrom tập trung vào việc cân bằng nhu cầu của các bên tham gia vào hợp đồng - chia sẻ lợi ích tài chính giữa các bên. Đây là vấn đề giữa “rủi ro và động lực”.
Kinh tế thường là giải thưởng cuối cùng được trao trong mỗi mùa Nobel hàng năm, sau Nobel Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. Nobel cho lĩnh vực kinh tế không thuộc cơ cấu giải thưởng ban đầu trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển - Alfred Nobel. Riêng giải dành cho kinh tế được bổ sung từ năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển - Sveriges Riksbank, cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này.
Dù vậy, quy trình đề cử, chọn lọc và trao giải Nobel Kinh tế vẫn tương tự các lĩnh vực khác. Nhà khoa học giành Nobel Kinh tế sẽ được trao 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 930.000 USD).
Năm ngoái, giải thưởng được trao cho nhà khoa học gốc Scotland kiêm Giáo sư Đại học Princeton (Mỹ) - Angus Deaton. Nghiên cứu của ông bàn về mối quan hệ giữa tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi.
Trước đó, giới phân tích cũng đưa ra vài cái tên có thể được xướng lên năm nay. Đó là Olivier Blanchard (Pháp) - cựu Kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Edward Lazear - Giáo sư Đại học Chicago, Marc Melitz - Giáo sư Đại học Harvard và Paul Romer - Kinh tế trưởng tại World Bank.
Xuân Trường