Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Hoàng Thị Mai- Người con gái ở đất Cố đô Hoa Lư nhận giải thưởng "Vì nguồn nhân lực Việt Nam" lần thứ Nhất.

Thứ Ba, 17/01/2012
           “Với việc đầu tư cao, tôi mong muốn xây dựng một mô hình giáo dục toàn diện, nhằm tạo ra ngôi trường, không chỉ phát triển kiến thức cho các em học sinh mà còn đảm bảo phát triển cả về năng khiếu và sức khoẻ cho thế hệ tương lai của đất nước. Một ngôi trường mà ở đó các em là chủ thể, tự tin, có năng lực và sáng tạo, có tư duy lôgic. Hơn nữa, dạy các em sống có ý nghĩa với chính bản thân mình, với xã hội và với toàn thể cộng đồng trong tương lai”

            Hoàng Thị Ngọc Mai quê ở thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư, chỉ cách Thành Ngoại về phía Đông của Kinh đô Hoa Lư xưa 1km - thôn Áng Ngũ - nơi mà các quan ngày xưa từ khắp nơi trong nước Đại Cồ Việt, trước khi vào Kinh đô chầu Vua, phải dừng lại để chuẩn bị sang sửa triều y. Đó là cửa ngõ vào Kinh đô Hoa Lư xưa.
Thời niên thiếu, chị theo học trường cấp I, cấp II ở xã Ninh Hoà. Những năm học đó, chị đều học giỏi toàn diện, đăc biệt  môn Văn, được giải học sinh giỏi văn của tỉnh, năm 1975 được tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Năm học 1976-1977 chị vào học lớp 8 (nay gọi là lớp 10) ở trường Lương Văn Tụy B. Học xong lớp 10 (nay gọi là lớp 12), chị thi vào trường Cao đẳng Ngoại ngữ, học khoa tiếng Nga. Tốt nghiệp trường Cao đẳng chị về dạy tiếng Nga ở trường phổ thông Đinh Tiên Hoàng - Ninh Bình một năm, sau đó được sang Liên Xô công tác và học tiếp ngoại ngữ tiếng Nga.
Tốt nghiệp ở nước Nga, chị trở về nước, công tác tại ngành Du lịch Việt Nam hơn 15 năm, đã từng giữ chức vụ: Phó Giám đốc một Công ty Du lịch thuộc Tổng cục Du Lịch Việt Nam.
         Tiếp đó, chị chuyển công tác sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty SOVILACO thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Đến tháng 11 năm 2006, sau khi đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và kể cả về tài chính, chị lại trở về với nghề giáo để thực hiện được ước mơ của chị ngày nào, chị đứng ra xây dựng Hệ thống giáo dục Quốc tế Hà Nội VIP và làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
         VIP school là viết tắt chữ Very Intelligent Pupils School, có nghĩa là trường của những học sinh thực sự hiểu biết. Đó là ý đồ phương châm giáo dục của trường: phải thực sự hiểu biết.
Đây là một mô hình giáo dục toàn diện, là Hệ thống giáo dục ngoài công lập phi lợi nhuận đầu tiên của Hà Nội. Hiện nay ít có mô hình giáo dục nào như mô hình của chị.
         Chị cùng với cộng sự đã bỏ ra cả trăm tỷ đồng để xây dựng một khu trường Quốc tế VIP Hà Nội lúc đầu gồm 2 bậc học Mẫu giáo và Tiểu học, có khuôn viên rộng hơn 7.000 m2 tại địa chỉ: 14C, phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Năm học 2009 - 2010, chị mở thêm trường Trung học Alfred Nobel, gồm hai bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, tại địa điểm 52 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội. Như thế hệ thống giáo dục Quốc tế Hà Nội VIP đã có đủ 4 cấp học: Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Cơ sở vật chất của nhà trường trang bị hiện đại, khang trang, đẹp đẽ. Ngoài các phòng học văn hoá còn có các phòng học chuyên dụng cho các môn học: âm nhạc, tin học, vẽ, nghệ thuật, và thư viện đa năng. Bên cạnh đó còn có khu vui chơi giải trí cho học sinh, khu căng tin thuận tiện cho phụ huynh học sinh khi đưa con tới trường sớm có thể cùng ăn sáng với con em mình. Tất cả các phòng học đều được trang bị điện thoại, máy tính để phụ huynh học sinh liên lạc với giáo viên hỏi về tình hình học tập của con em mình bất cứ lúc nào. Mỗi lớp học chỉ có từ 20 đến 24 học sinh, có giáo viên chủ nhiệm và thêm một giáo viên trợ giảng, với tỷ lệ 3,5 học sinh/ 1 thầy cô.
         Hiện nay, nhà trường có gần 100 giáo viên đều là giáo viên cơ hữu. Đội ngũ giáo viên đều là các thầy, cô giáo giỏi, nhiều thầy cô là Nhà giáo Ưu tú, giáo viên đi học ở nước ngoài về, giỏi ngoại ngữ.
Về chương trình dạy học sinh, buổi sáng học sinh được học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tích hợp và có tính thực tế cao. Buổi chiều học sinh học theo mô hình Quốc tế, học ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, tiến tới sẽ học thêm một ngoại ngữ tự chọn khác) và các môn học năng khiếu, môn học kỹ năng sống.
Hàng tháng nhà trường đều in tập san, in những bài viết của học sinh, để các em thoả sức bầy tỏ cảm xúc và có thể phản biện những gì mắt thấy tai nghe của mình.
Đây là một môi trường giáo dục tiên tiến và hiện đại, áp dụng tiêu chí chuẩn trong giáo dục của Việt Nam, đồng thời áp dụng thêm mô hình tiên tiến của các nước có nền giáo dục phù hợp với xu hướng thời đại Quốc tế.
Chị Hoàng Thị Ngọc Mai tâm sự:
- “Với việc đầu tư cao, tôi mong muốn xây dựng một mô hình giáo dục toàn diện, nhằm tạo ra ngôi trường, không chỉ phát triển kiến thức cho các em học sinh mà còn đảm bảo phát triển cả về năng khiếu và sức khoẻ cho thế hệ tương lai của đất nước. Một ngôi trường mà ở đó các em là chủ thể, tự tin, có năng lực và sáng tạo, có tư duy lôgic. Hơn nữa, dạy các em sống có ý nghĩa với chính bản thân mình, với xã hội và với toàn thể cộng đồng trong tương lai”.
- “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người, là gặt hái thành công không phải ngay hôm nay mà trong tương lai, hiệu quả không chỉ cho chính người học và thị trường việc làm mà cho cả xã hội”.

          Điều đó khẳng định, chị không chỉ là một nhà giáo dục tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, mà còn là một nữ Doanh nhân có nhiều sáng tạo, mạnh dạn, năng động, đi đầu, dám nghĩ dám làm.
          Chính vì vậy, chị được suy tôn là “Bông hồng vàng” thời hội nhập, đã nhận được nhiều giải thưởng dành cho doanh nhân như: giải thưởng “Bông hồng vàng thủ đô” năm 2008 và năm 2010 (tốp 5 doanh nhân nữ xuất xắc), đại diện Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Chi-Lê năm 2009  và ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011; tham gia nhiều buổi toạ đàm doanh nhân, chương trình truyền hình “Con đường Doanh nhân” của Đài truyền hình HTV.
         Chị cũng là người đóng góp tích cực trong các chương trình từ thiện và hoạt động xã hội như: Chương trình “Trái tim cho em” (ủng hộ các em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh) của VTV; Chương trình ủng hộ các trẻ em ung thư; Trâu đất kết nối yêu thương; Vì người nghèo. Chị còn đưa ra sáng kiến mở lớp học miễn phí cho các em học sinh nghèo ngay tại chính ngôi trường Hà Nội VIP của chị. Đó là lớp học được mang tên “Tương lai”.
          Không chỉ là một nữ Doanh nhân thành đạt, chị còn viết truyện, làm thơ, vẽ tranh và sáng tác nhiều ca khúc, có nhiều ca khúc sáng tác cho các em học sinh học ở trường.
         Nhiều báo, tạp chí đã viết về chị. Chị đã có chỗ đứng trong sách “Những người phụ nữ thời đại” – một bông hồng vàng thời hội nhập.
Những đóng góp của chị cho sự nghiệp giáo dục đáng được tôn vinh. Vì vậy, ngày 25 tháng 9 năm 2011, tại thành phố Hồ Chí Minh, chị đã được nhận giải thưởng “Vì nguồn nhân lực Việt Nam” lần thứ nhất năm 2011.

Lã Đăng Bật
 

Các tin khác