Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

“Nhân kiệt” của dòng họ Đinh Văn ở thôn Lạc Khoái (Gia Lạc, Gia Viễn)

Thứ Sáu, 21/12/2012
Sách “Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên” của Nguyễn Tử Mẫn có ghi: “Đinh Dụng Hưởng, người xã Lạc Khoái, đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân đời Kiến Phúc, làm quan đến chức Tri huyện”. Theo gia phả dòng họ Đinh Văn, ông Đinh Dụng Hưởng đã đỗ Cử nhân năm 1884 ở triều vua Nguyễn Giản Tông, niên hiệu Kiến Phúc thứ 2. Năm 1885, ông được bổ làm Tri huyện Thư Trì, Thái Bình, sau đó được thăng Tri phủ Đa Phúc, Hưng Yên. Khoảng 9 năm sau, ông được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là Phụng Thành Đại phu - Tòng Ngũ phẩm.

Con trai thứ 6 của ông là Đinh Hữu Dực. Ông Đinh Hữu Dực có 4 người con trai. Giáo sư Đinh Gia Khánh là con trai thứ 2 của ông Đinh Hữu Dực. Giáo sư Đinh Gia Khánh là đời thứ 3 của Cử nhân Đinh Dụng Hưởng, gọi Cử nhân Đinh Dụng Hưởng là ông nội. Giáo sư Đinh Gia Khánh sinh năm 1924, mất năm 2003. Ông được công nhận chức danh Giáo sư Văn học từ năm 1980. Năm 1982, ông là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Từ năm 1983 đến năm 1999, ông là Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam. Tổng Biên tập tạp chí “Văn hóa dân gian”, Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông đã công bố khoảng 100 bài nghiên cứu Văn học trên các tạp chí trong nước và quốc tế; là tác giả và đồng tác giả hơn 40 cuốn sách. Ông còn là Chủ tịch Hội đồng biên tập bộ sách “Tổng tập Văn học Việt Nam”. Năm 1996, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt đầu tiên.
Em trai ruột của Giáo sư Đinh Gia Khánh là Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Gia Tường, cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nay đã nghỉ hưu.
Ngang hàng với Giáo sư Đinh Gia Khánh, anh em họ Đinh Văn, còn có Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Văn Bình. Ông sinh năm 1949, năm 2002 ông được phong học hàm Phó Giáo sư chăn nuôi. Hiện nay, ông làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội chăn nuôi Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi thỏ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi thỏ Châu Á; Cố vấn cao cấp của Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản tại Việt Nam.
Đời thứ 4 của Cử nhân Đinh Dụng Hưởng có con gái của Giáo sư Đinh Gia Khánh là Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Thị Minh Hằng, gọi Cử nhân Đinh Dụng Hưởng là cụ nội. Bà sinh năm 1957, từ năm 1980 đến nay là nghiên cứu viên tại Viện Văn học Hà Nội, năm 2010 được phong học hàm Phó Giáo sư Văn học. Bà đã viết trên 30 bài báo nghiên cứu về Văn học Việt Nam, là tác giả và đồng tác giả 13 cuốn sách. Đặc biệt, bà đã biên soạn “Tuyển tập Đinh Gia Khánh” gồm 3 tập.
Ngang hàng với Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Thị Minh Hằng trong họ còn có Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Trọng Hoàn. Ông sinh năm 1955, năm 2011 được công nhận chức danh Giáo sư. Hiện nay, ông là Đại tá Công an, Trưởng khoa Đào tạo sau Đại học của Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Cùng hàng với Giáo sư Đinh Trọng Hoàn trong họ Đinh Văn còn có Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Xuân Thắng. Ông sinh năm 1955, năm 2006 được phong học hàm Phó Giáo sư Xây dựng. Hiện nay, ông là Phó Viện trưởng, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, Trưởng ban kiểm định chất lượng đào tạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban xây dựng cơ bản thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, trường Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, ông được công nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.
Ngang hàng với Phó Giáo sư Đinh Xuân Thắng trong họ Đinh Văn còn có Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Mạnh Tường. Ông sinh năm 1945, năm 2010 đã nghỉ hưu. Năm 2003, ông được phong học hàm Phó Giáo sư Tin học. Trước khi nghỉ hưu, ông công tác ở Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Như thế, trong dòng học Đinh Văn ở thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, từ đời thứ 3 của ông Đinh Dụng Hưởng đến đời thứ 4 đã có 7 Giáo sư và Phó Giáo sư (2 Giáo sư và 5 Phó Giáo sư), trong đó có một Giáo sư đã mất, 2 Phó Giáo sư đã nghỉ hưu, còn 4 Giáo sư và Phó Giáo sư đang công tác.
Dòng họ Đinh Văn tại thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn là một dòng họ có nhiều Giáo sư và Phó Giáo sư. Đó là niềm tự hào của dòng họ, niềm tự hào của cán bộ và nhân dân Ninh Bình.

Lã Đăng Bật

Các tin khác