Chúng tôi có dịp về xã Kỳ Phú, thăm và tìm hiểu sự phát triển của các hộ nông dân tại đây. Trước đây, cuộc sống khó khăn thu nhập bấp bênh, vợ chồng ông Đinh Văn Quỳnh dân tộc Mường, thôn Bản Sau, xã Kỳ Phú ngoài việc đồng áng thì ai thuê gì làm đấy kiếm thêm đồng ra đồng vào, nhưng cuộc sống vẫn không ổn định. Qua khảo sát của xã, hộ gia đình ông Quỳnh là diện hộ nghèo. Hội Nông dân xã đã bảo lãnh, giải ngân Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp gia đình ông phát triển. Tham dự lớp tập huấn ngắn ngày của Hội Nông dân về chăn nuôi dê, từ 20 triệu đồng vốn vay ban đầu, sau 3 năm nhờ mua dê sinh sản mà Ông Quỳnh đã thoát nghèo và có vốn làm ăn. Hiện nay, gia đình ông có 25 con dê đem lại thu nhập từ 40-0 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi dê, ông Quỳnh cho biết: “dê là con vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên như cây keo, dâm bụt, lá mít… ngoài kinh nghiệm ra, việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi rất quan trọng. Cần phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Vì là loại động vật không ưa độ ẩm cao, nên chuồng trại cho dê cần phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Khi làm chuồng, tùy theo đặc điểm từng vùng, từng nhà cụ thể mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết đối với dê. Trước chuồng nuôi cần có khoảng sân rộng để theo dõi, quản lý đàn dê, cũng như khi bắt dê để kiểm tra, phối giống, cho ăn và phòng trị bệnh. Nhưng quan trọng hơn cả là tránh cho dê giao phối đồng chủng để bảo đảm năng suất, chất lượng con giống".
Cũng như hộ ông Quỳnh, hộ ông Đinh Dương Phái, Hội viên nông dân thôn Bản Cả, xã Kỳ Phú là dân tộc Mường cũng vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Nhờ tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tỉnh tổ chức các kỹ thuật chăm sóc dê, và hỗ trợ giải ngân vay vốn Quỹ. Gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống, với thu nhập 50 đồng mỗi năm. Nhờ áp dụng các kỹ thuật chăm sóc và vệ sinh chuồng trại tốt, đàn dê 30 con của gia đình ông Thái nói không với bệnh tật, tăng trưởng tốt.
Chia sẻ về hiệu quả nuôi dê tại xã Kỳ phú nói riêng và huyện Nho Quan nói chung. Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan cho biết: "Hiện nay, nhiều hộ hội viên, nông dân đã học tập kinh nghiệm các hộ khác phát triển mô hình chăn nuôi dê. Chúng tôi đã tổ chức tập huấn các lớp khoa học, kỹ thuật chăn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ thuật cho bà con yên tâm xây dựng mô hình. Trong vòng 3 năm trở lại đây, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm 4%, điều này có được một phần là nhờ các cấp Hội Nông dân toàn huyện tăng cường triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật và thường xuyên giải ngân hỗ trợ nông dân nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Các mô hình đã phát huy được hiệu quả như mô hình nhà ông Phái, ông Quỳnh giúp bà con có cơ hội thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống".
Lê Bích