Dân trong vùng cà phê xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà (Kon Tum) thường gọi ông là giáo Huân. Khi được hỏi về chiếc máy bơm nước, giáo Huân cười: “Có gì đâu mà gọi là sáng chế, chỉ vì bức bách thôi!”.
Rồi ông tâm sự: Năm 1998-1999, cây cà phê được giá, dân cà phê nhiều người phất lên giàu sụ. Khắp nơi đua nhau trồng cà phê. Chắt chiu nguồn vốn dành dụm được, giáo Huân cùng một người thân hùn nhau xin 5 ha đất trồng cà phê ở cạnh suối Đăk Hring. Được vài năm, gặp thời điểm cà phê rớt giá thê thảm, nhiều người lỗ nặng, nợ nần chồng chất; nhiều người thiếu ý chí, thiếu vốn… đành phải ê chề chia tay với cây cà phê.
Cùng chung cảnh ngộ, ngày ngày giáo Huân nhìn dòng Đăk Hring cuồn cuộn chảy rồi lại nhìn vườn cà phê thiếu tiền bơm nước đang héo vàng mà lòng quặn thắt. Chia tay với cây cà phê để gánh lấy nợ nần hay cố chịu đựng thêm một thời gian nữa? Câu hỏi không lời giải đáp cứ luẩn quẩn làm giáo Huân đau đầu. “Rồi một buổi trưa, tôi chợt reo lên khi nghĩ: tại sao mình không lợi dụng sức nước để bơm nước tưới cho cà phê?”. Mừng khi ý tưởng đến nhưng để thiết kế máy bơm là cả một vấn đề. Lại phải trăn trở, mất ăn mất ngủ! Cuối cùng khi liên tưởng tới máy thủy điện nhỏ quay được nhờ sức của dòng nước, giáo Huân mới hình dung ra bản vẽ cho ý tưởng của mình.
Song khi đi vào chi tiết bản vẽ lại gặp nhiều vấn đề nan giải. Giáo Huân phải tự nghiên cứu giáo trình thủy năng của trường ĐH Bách khoa TPHCM, tham khảo thêm ý kiến của các sinh viên đã học qua môn động lực học… để hoàn chỉnh bản vẽ. Đến khi hoàn thiện, đem bản vẽ và ý tưởng nhờ một người thợ sắt sản xuất. Khi vừa nghe giáo Huân nói xong, người thợ này cười ngặt nghẽo: “Thầy có bị hâm không đấy?” và cá cược “Nếu thành công tôi sẽ chịu mất cả tỷ đồng!”. Bị xúc phạm, giáo Huân thất thểu bỏ thị trấn Đăk Hà về thị xã Kon Tum nhờ cậy một học trò cũ đang là thợ sắt. Không nỡ làm buồn lòng thầy, người học trò nhận lời. Sau hàng tuần bám xưởng cùng học trò, máy bơm nước không dầu ra đời.
Lòng đầy lo âu, hồi hộp, giáo Huân đưa máy đến dòng suối Đăk Hring. “Quay quật mãi, lúc khởi động tua bin, máy quay bắn nước lên cao, tôi mừng rơi nước mắt” - giáo Huân tâm sự. Còn những người trồng cà phê quanh vùng thì xem đây là một sự kiện “kỳ lạ”. Song niềm vui với “đứa con” đầu lòng không trọn vẹn bởi máy bơm trục ngang, có 6 ổ bi nên phun nước yếu, bánh răng chóng mòn, kêu to và hay hỏng hóc. Sau nhiều lần cải tiến, khắc phục những nhược điểm, giáo Huân chuyển sang chế tạo bơm trục đứng, cánh quay ngược lại (nước vào tua bin ngược kim đồng hồ), từ 6 ổ bi giảm xuống còn 4 và 3 trục còn 2.
Điều kỳ diệu là khi khởi động không cần phải mồi nước, máy phun nước mạnh hơn và không còn kêu hú như trước. Đến thế hệ thứ tư thì máy bơm của giáo Huân có thể đưa nước lên độ cao 30-40m (tùy theo độ dốc của dòng nước, độ cao của thác nước để lắp đặt cho phù hợp, máy sẽ đưa nước lên cao hay thấp). Kể từ đó, giáo Huân cũng như nhiều nhà vườn lân cận không còn tốn tiền mua xăng dầu. Thầy đã lắp đặt 3 máy bơm nước tại con suối Đăk Hring. Những vườn cà phê trong khu vực trở lại xanh tốt. “Tính ra mỗi năm tôi tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng tiền mua xăng dầu. Máy lại không gây ô nhiễm môi trường” - giáo Huân tâm sự.
Tiếng lành đồn xa, máy bơm nước của giáo Huân đã được nhiều người biết đến. Sáng kiến của ông được nhân rộng ra. Giá trị kinh tế như vậy nhưng mỗi cái máy giá chỉ có 6 triệu đồng. Nhiều người ở tận tỉnh Gia Lai, Đăk Lắc, Lâm Đồng, Nha Trang… đã đến mua máy và nhờ thầy hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt. Qua sử dụng, không ai có thể chê sản phẩm do thầy Huân tạo ra.
Sáng chế máy bơm nước không cần xăng dầu của giáo Huân đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam giữ bản quyền. Tại công bố sở hữu công nghiệp số 219, tập A (06-2006) đã công bố máy sử dụng sức nước để bơm nước của tác giả Trần Đình Huân.
Đông Hà (St)