Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Phong trào Thanh niên lập nghiệp trên đất Yên Mô

Thứ Năm, 08/11/2018
Góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, với sức trẻ đầy nhiệt huyết, phong trào thanh niên lập nghiệp để làm giàu chính đáng bằng tài năng, trí tuệ của mình trên đất Yên Mô đang được lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều tấm gương đoàn viên, thanh viên bước đầu khởi nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực rất cần được nhân rộng.

Vươn lên làm giàu bằng nghề khôi phục làng gốm Bồ Bát

Sinh ra ở cái nôi của làng gốm, là cội gốc của làng gốm Bát Tràng nổi tiếng. Với mong muốn khôi phục và làm sống dậy làng nghề truyền thống gốm Bồ Bát tại thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tận dụng nguồn đất sét non sông có sẵn tại Yên Thành tạo nên những sản phẩm gốm với màu men giả cổ quý hiếm, đưa sản phẩm gốm này đến thị trường trong nước và quốc tế.

Từ năm 2007 đến nay, anh Phạm Văn Vang (sinh năm 1981) luôn nuôi ý tưởng phục hồi nghề gốm cổ Bồ Bát tại quê hương. Nhận thấy Yên Thành có sẵn đất sét non sông quý hiếm, có thể sử dụng để tạo nên những sản phẩm gốm mang thương hiệu riêng: gốm Bồ Bát, đặc biệt có thể tạo nên những sản phẩm gốm với màu men giả cổ rất đẹp.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Vang ra Bát Tràng tìm đến gia đình người chú đang làm nghề gốm, để học nghề. Sau ba năm, được chú truyền dạy hết bí quyết, tay nghề đã vững, anh lại khăn gói lên Bắc Giang, xin vào làm thuê cho xưởng gốm, học ở đây những họa tiết hoa văn tranh cổ. Mà sau này đây chính là tiền đề tạo nên những sản phẩm gốm giả cổ mang thương hiệu riêng của mình.

Những ngày đầu đầy gian nan, xây dựng xưởng đơn sơ với lò đốt công nghệ thấp. Khi ấy, từ sớm tới khuya anh luôn cưỡi trên chiếc xe máy cà tàng, đi giao hàng cho các khu du lịch, nghỉ dưỡng, đó là những chiếc nhẫn, vòng đeo cổ, hình một số con vật... bằng gốm, bày bán tại các thành phố: Nha Trang, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Sau đó, anh Vang vay ngân hàng, tuyển hơn chục thợ ra Bát Tràng học nghề, mạnh dạn đầu tư. Năm 2009, khi sản phẩm gốm Bồ Bát có chỗ đứng trên thị trường, anh mở lớp và trực tiếp đứng ra giảng dạy theo kiểu “cầm tay chỉ việc” ngay tại xưởng cho hơn 50 công nhân. Tiếp tục tìm kiếm thị trường, mở xưởng làm thêm đồ gốm trang sức, tranh gốm mỹ thuật tại gia đình. Trên cơ sở hai dòng gốm sành nâu và gốm sứ trắng, tạo ra những sản phẩm đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, chuông gió, dây lưng, cùng tranh gốm mỹ nghệ và tượng gốm nghệ thuật. Các sản phẩm này được trang trí bằng những họa tiết thổ cẩm, hoa văn chủ yếu vẽ bằng men mầu. Sản phẩm chính của cơ sở là ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… với màu men gan-loại men giả cổ. Sản phẩm gốm Bồ Bát ra thị trường được đánh giá rất tốt do men dày, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, giá thành khoảng 10 nghìn đồng/bát, bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sản phẩm gốm, sứ Bồ Bát có những đặc trưng không nơi nào có được bởi màu men, độ mịn đến các họa tiết tạo được nét riêng biệt, khác với các dòng gốm khác. Tất cả thể hiện ở chất đất, màu sắc, hình khối họa tiết gắn liền với hình ảnh non nước Ninh Bình. Đội ngũ thợ có tay nghề giỏi của Doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, hiện vật đặc sắc, cô đọng của quê hương để chuyển tải bằng nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu trên gốm.

Các sản phẩm chính như chuông gió, vòng cổ, lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa với hình dáng đa dạng, màu men được chế tác tinh sảo, đặc biệt là các họa tiết trang trí thiên về tính truyền thống văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh... Xưởng gốm cũng đã cho ra lò nhiều sản phẩm mang các hoa văn, họa tiết liên quan tới các giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất Cố đô để tạo ra nét riêng cho gốm Bồ Bát. Hình ảnh các điểm du lịch nổi bật của Ninh Bình như Bến thuyền Khu du lịch sinh thái Tràng An, Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động... đã được lựa chọn và sản xuất hàng loạt hoặc theo đơn hàng đã trở thành món quà của mỗi du khách khi về Ninh Bình. Trước kia, gốm Bồ Bát chủ yếu được tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh nhưng nay chỉ riêng tại tỉnh Ninh Bình cung đã không đủ cầu. Doanh nghiệp hiện chưa đủ sức sản xuất đại trà mà chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Mới đây, Bộ đồ gốm của Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát - sản phẩm của tỉnh Ninh Bình được Bộ Công Thương bình chọn và tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015.

Khởi nghiệp từ lòng đam mê với ngành thủ công mỹ nghệ

Anh Dương Tiến Dũng, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đã trở thành Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Dũng, bắt nguồn từ lòng đam mê với ngành thủ công mỹ nghệ.

Năm 2006, anh mạnh dạn gom góp và vay mượn được số tiền 30 triệu đồng để đầu tư mở cơ sở sản xuất mặt hàng bèo bồng. Những khó khăn liên tiếp đến với anh Dũng. Khó khăn lớn nhất là tìm kiếm khách hàng và thị trường tiêu thụ. Để tháo gỡ khó khăn đó, anh chủ động liên hệ với các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành để đàm phán, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất mới thành lập, chưa tạo được niềm tin với các đối tác trong nước, do đó hàng hóa chủ yếu phải xuất đi Trung Quốc. Khi xuất sang Trung Quốc, mặt hàng của anh được bày bán ở các khu chợ, nơi có sự cạnh tranh khốc liệt, doanh thu lại không ổn định. Bởi vậy, sau gần 3 năm cơ sở đi vào hoạt động, lợi nhuận thu về chỉ đủ quay vòng, không mở rộng được quy mô sản xuất. Lúc đó, anh quyết định tìm hướng đi mới cho cơ sở sản xuất của mình.

Năm 2008, anh quyết định đầu tư thêm vốn, đổi mới mặt hàng kinh doanh từ bèo bòng sang cói xiên. 2 năm đầu gia công sản phẩm từ các công ty khác để có thời gian quan sát, trao đổi kinh nghiệm. Sau đó, với kiến thức tích lũy được, anh đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, cải thiện năng suất lao động. Nhờ đó, cơ sở sản xuất của anh đã có những thay đổi tích cực, doanh thu hàng năm đạt khoảng 7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động trên địa bàn. Năm 2010, anh ký hợp đồng thành công với các đối tác lớn ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Từ đó, anh tập trung vào khâu sản xuất.

Tháng 1/2016, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Dũng chính thức được thành lập, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/tháng. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao với mẫu mã đa dạng, phong phú: thùng ô van, khay đựng rượu, đĩa ăn, thảm, lẵng hoa...

Phát triển kinh tế từ nuôi cá chạch sụn

Về xã Yên Hòa, Yên Mô, nhắc đến anh Hoàng Văn Cảnh (sinh năm 1989) khởi nghiệp từ mô hình nuôi cá chạch sụn chắc hẳn không ai là không biết đến.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia năm 2012, anh về công tác tại UBND xã Yên Hòa. Bên cạnh công việc tại cơ quan, anh Cảnh luôn ấp ủ xây dựng mô hình kinh tế mới cho riêng mình.

Năm 2015, hưởng ứng phong trào thanh niên lập nghiệp trên toàn tỉnh, anh Cảnh hăng hái đăng ký tham gia. Gia đình anh là một trong 5 hộ tham gia thí điểm mô hình.

Trước khi đi vào thực hiện mô hình này, anh đã chủ động liên hệ về thăm quan và học hỏi mô hình tại thị trấn Quỹ (Nam Định). Sau khi đã nắm bắt được đặc điểm và cách nuôi, đầu năm 2016, anh đầu tư 50 triệu đồng để cải tạo diện tích 1.800 m2 ao và mua con giống.

 Cá chạch sụn là loài tương đối dễ tính và kỹ thuật nuôi không quá khó. Về kỹ thuật, ngoài việc tự mày mò tìm hiểu, các hộ nuôi cá còn được công ty cung ứng nguồn giống và cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh hướng dẫn trong vấn đề xử lý ao hồ, chăm sóc cá…Đồng thời, người nuôi cần chú ý tới vấn đề xử lý nguồn nước vì thông thường từ 10-15 ngày cần phải thay nước ở ao nuôi hoặc bể nuôi để phòng tránh dịch bệnh. Ưu điểm lớn nhất của loại cá này là tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, thịt cá thơm, ngon, bổ dưỡng, giá bán cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Khác với đặc tính của chạch ta là sinh sống dưới bùn, chạch sụn lại nổi lên mặt nước nên khá thuận lợi cho việc chăm sóc, vệ sinh ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi cá, cộng với chăm sóc tốt, mô hình cá chạch sụn của anh Cảnh đã cho năng suất cao. Ngay năm đầu tiên, anh thu về gần 4 tạ chạch và bán với giá là 90 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, anh còn cung cấp con giống cho thị trường với mức giá dao động từ 300-700 đồng/con. Cùng với 20 vạn con giống được bán ra, uớc tính thu nhập bình quân cả năm đạt mức trên 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, chính vì đặc tính là loài cá da trơn, có tập tính ăn nổi, nên nước hồ nuôi phải sạch, thông thoáng mới đảm bảo để cá phát triển. Mật độ nuôi chạch sụn là 40-60 con/m2. Chạch sụn cho thu hoạch 2 vụ/năm, từ 4,5-5 tháng sẽ được thu hoạch với trọng lượng 20-25 con/kg.

Mô hình nuôi cá chạch sụn là một mô hình mới. Sau khi đưa vào thí điểm, mô hình này đã đem lại hiệu quả rất khả quan và cho thấy địa phương có nhiều tiềm năng để nhân rộng, phát triển và hy vọng mô hình sẽ tạo được bước đột phá mới trong nuôi thủy sản trên địa bàn xã nói riêng. Trong vụ tới, xã Yên Hòa sẽ mở rộng diện tích nuôi thêm 5 ha và tiến hành thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi chạch sụn. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và chủ động nghiên cứu, cung ứng nguồn giống để thúc đẩy phong trào nuôi trồng ngày càng phát triển.

Yên Mô trước kia là vùng đất thuần nông nghèo, người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng vẫn không đủ ăn. Ngày nay, nói đến Yên Mô là nói đến miền quê đang dần thay da đổi thịt bởi những người con dám nghĩ, dám làm. Những thanh niên có trí tuệ, nhiệt huyết, đam mê và cái mạnh dạn của tuổi trẻ. Một ngày không xa, những hộ gia đình như anh Vang, anh Cảnh, anh Dũng, quê hương Yên Mô nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung sẽ ngày càng giàu đẹp hơn nữa./.

Bích Đào

Các tin khác