Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Tiến sỹ Phạm Quốc Trung say mê nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Quân sự

Thứ Sáu, 20/01/2012
Phạm Quốc Trung, quê ở xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Thời nhỏ, anh học cấp I và cấp II ở Yên Từ. Đến năm 1972, không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, trong đó có Ninh Bình. Bố là bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Trung rời quê lên ở với mẹ tại nơi công tác là Tỉnh hội Phụ nữ Ninh Bình, lúc ấy đang sơ tán về xã Ninh Giang, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư); vào học Trường cấp 3 Lương Văn Tuỵ đúng vào năm trường chia tách. Do vậy, để đi học gần, anh xin vào trường “B” và là một trong những học sinh khoá học đầu tiên của Trường cấp 3B Lương Văn Tuỵ.

         Anh cho biết, năm lớp 8 đi học rất vất vả. Sáng phải dậy sớm đi bộ đến lớp, đội mũ rơm, đeo túi thuốc bông băng, vác cuốc, xẻng, tre, rơm và cơm nắm để học xong, ăn tại chỗ, ở lại lao động luôn buổi chiều, làm các công việc như: san lấp đổ nền, đánh tranh lợp nhà, lấy bùn nhào với rơm trát vách các lớp học, còn phải đào hầm trú ẩn tránh bom nữa.
Tối đến, để tránh muỗi, anh phải ngồi học trong chiếc màn xô ngột ngạt, ám đen muội khói của chiếc đèn dầu “Hoa Kỳ”. Sách giáo khoa để học cũng không đủ, chủ yếu học theo vở ghi chép các bài giảng của các thày cô dạy buổi sáng. Dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn như thế, anh vẫn hăng say học tập và học giỏi toàn diện các môn; các năm đều là Học sinh giỏi.
Năm học 1974-1975, anh lên lớp 10 (là năm cuối cấp 3, như lớp 12 bây giờ). Nhà trường chọn những học sinh giỏi Văn và Toán của toàn khối vào học lớp 10A - là lớp chọn của trường. Năm ấy, anh được chọn vào đội tuyển của trường đi thi học sinh giỏi Toán toàn tỉnh.
         Hè 1975, anh tốt nghiệp lớp 10 và thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm ấy, ở Trường cấp 3B Lương Văn Tuỵ có 5 lớp 10, khoảng 250 học sinh, nhưng số học sinh thi đỗ vào Đại học không nhiều, riêng lớp 10A chỉ có 11 học sinh đỗ vào các trường Đại học. Những năm 70 của thế kỷ trước, số trường Đại học còn rất ít và thi đỗ vào Đại học rất khó khăn.
Trong suốt 5 năm học tại Khoa Công nghệ Hoá học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phạm Quốc Trung đều là sinh viên học tập và rèn luyện tốt. Năm 1980, anh tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Kỹ sư Công nghệ Hoá học loại Giỏi.
Thời kỳ này, do tình hình biên giới căng thẳng, nên Nhà nước có lệnh Tổng động viên Quân đội. Chỉ sau vài tháng nhận bằng tốt nghiệp, hầu hết các Kỹ sư trẻ đều vào bộ đội. Phạm Quốc Trung cũng trở thành một Thiếu uý, Kỹ sư phục vụ trong Binh chủng Hoá học của Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ đó.
         Là “Anh bộ đội cụ Hồ”, luôn rèn luyện, phấn đấu tốt, được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam khi mới hơn một tuổi quân, Trung đã bươn trải, lăn lộn qua nhiều môi trường công tác, học tập trong quân đội như: Quân đoàn 3, Binh chủng Hoá học, các Học viện, Nhà trường trong nước và ở Liên Xô (cũ), …
         Anh nhận thức, muốn đưa đất nước phát triển, thế hệ trẻ phải đi sâu nghiên cứu khoa học kỹ thuật, làm một người lính lại rất cần nghiên cứu khoa học kỹ thuật để có đủ điều kiện bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, anh say mê, nghiên cứu công nghệ Hoá học và sử dụng vũ khí hoá học trong chiến đấu.
         Khi học ở Học viện Quốc phòng, anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ “Nghệ thuật phòng hoá trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.
         Binh chủng Hoá học trong quân đội nhân dân Việt Nam không thể thiếu được. Đảng và Nhà nước giao cho anh đứng đầu Binh chủng Hoá học, đảm nhiệm một trọng trách cao, cũng là vinh dự, niềm tự hào của cán bộ và nhân dân Ninh Bình.
Sau 28 năm, từ một Thiếu uý – Kỹ sư, Phạm Quốc Trung trở thành một Thiếu tướng - Tiến sỹ quân sự. Hiện nay, anh đang giữ chức vụ Tư lệnh Binh chủng Hoá học.

Minh Tú

Các tin khác