Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nho Quan, một vùng đất nghèo của Ninh Bình. Ông càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả của những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Sau khi từ chiến trường trở về, ông lập gia đình và ở nhà tập trung vào nông nghiệp. Nhận thấy các loại máy móc về nông nghiệp cơ bản là rất to, khó sử dụng với trình độ dân trí nông thôn. Nên sau nhiều lần nghiên cứu, ông đã chế tạo ra chiếc máy phun thuốc trừ sâu và các loại thuốc khác để sử dụng trên chính mảnh ruộng của gia đình mình không những giảm chi phí thiết bị còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: ông Hưởng đang phun thuốc trên mảnh ruộng nhà mình
Chiếc máy phun thuốc trừ sâu của ông Hưởng có cấu tạo rất đơn giản, dễ làm, rất tiện lợi, không vất vả cho người sử dụng khi vác bình trên vai để phun. Máy có khối lượng <2 kg, giá thành mua thiết bị để chế tạo máy không đắt. Khi chế tạo máy bằng các thiết bị mới, tổng chi phí giá thành khoảng 900 nghìn đồng. Nếu sử dụng lại các thiết bị cũ, thì tổng chi phí của máy chỉ vào khoảng 400-500 nghìn đồng.
Máy gồm có 1 ắc quy 12V, vỏ bình 10 lít hoặc 18 lít tùy từng loại và một cần phun dài 1,8 m. Ông Hưởng cho biết: “ắc quy có thể mua và chế lại từ ắc quy của xe máy để tiết kiệm chi phí, mà ắc quy của xe máy vẫn có thể dùng tốt không cần thiết phải mua ắc quy mới”. Trong vỏ bình phun thuốc trừ sâu có củ hút, một bộ đẩy để tạo khí nén như máy bơm, nối giữa ắc quy và bình phun là một công tắc bật lên xuống nối trực tiếp vào ắc quy và máy nén. Khi phun thuốc ấn công tắc là máy tự động phun, không cần phải dùng bơm tay. Đặc biệt, chiếc cần phun thuốc dài 1,8 m. Do bình khí nén mạnh hơn chục lần so với các loại máy phun trên thị trường, nên làm cần phun dài thì độ phun rộng hơn và chất độc hóa học từ thuốc sẽ không bay vào gần người, khả năng tác động vào người hạn chế rất nhiều.
Máy phun này có thể sử dụng liên tục trong vòng từ 4-5 tiếng, phun liên tục từ 10 đến 12 bình. Bình 10 lít đối với ruộng khô thì 1 bình/sào, với ruộng lầy lội khó đi lại thì 3 bình/4 sào, một ngày máy có thể phun được hơn 1 mẫu ruộng.
Khi được hỏi về chất lượng máy móc, ông Hưởng cho biết: “Chiếc máy này tôi dùng 4 năm nay rồi mà vẫn chưa hỏng, nông dân không có tiền, làm đồ cũ chế tạo lại để đỡ tốn tiền, mà hiệu quả lại cao hơn những thiết bị mới thì tại sao lại không làm”.
Hiện nay chiếc máy này được rất nhiều bà con trên toàn tỉnh ứng dụng vì giá thành rẻ, làm không tốn công và đặc biệt có hiệu quả kinh tế cao. Đây là một trong những sáng tạo mới phù hợp và mang lại hiệu quả lợi ích cho người nông dân.
Lê Bích (Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình)