Đây là những ý kiến đưa ra tại hội thảo “Giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế” do Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức sáng 9/11/2012.
GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Úc) đưa ra con số: Việt Nam hiện có khoảng 24.000 Tiến sĩ và 9.000 Giáo sư và Phó Giáo sư nhưng số công trình nghiên cứu khoa học công bố lại nằm vào nhóm thấp nhất các nước Đông Nam Á.
Khoảng 70% tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học mà chỉ làm các chức vụ hành chính và quản lý. Hơn nữa, theo các đại biểu, do số lượng sinh viên tăng quá nhanh nên đa số Giáo sư, Tiến sĩ ở các trường Đại học phải chạy sô giảng dạy, không có thời gian nghiên cứu. Kinh phí nghiên cứu khoa học ít và sử dụng chưa hiệu quả, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu thiếu và lạc hậu.
Trong khi đó, Giáo sư Martin Hayden - Đại học Southern Cross (Úc) - cho rằng vai trò nghiên cứu của Đại học chưa được nhấn mạnh và chủ yếu tập trung vào việc giảng dạy thay vì nghiên cứu, nhiều giảng viên chưa có trình độ Tiến sĩ. Phân bổ ngân sách của các bộ chủ quản chủ yếu tập trung vào việc trả lương, chỉ có khoảng 10% được chi cho nghiên cứu khoa học.
Do chất lượng nghiên cứu khoa học yếu kém nên năm 2012, Việt Nam chỉ đứng 76/141 quốc gia trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu.
(VT theo báo Tuổi trẻ)