Banner chính
Thứ Bảy, 20/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Bắt đầu chiến dịch mới trong cuộc chiến chống COVID-19

Thứ Hai, 16/03/2020
Sáng 07/3, tại Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã họp với các chuyên gia y tế trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 sau khi xuất hiện ca nhiễm thứ 17 ở Việt Nam. Các trường hợp nghi ngờ đã được cách ly y tế, khu vực sinh sống của bệnh nhân cũng đã được khoanh vùng và kiểm soát giám sát chặt chẽ. Trên cơ sở làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội và kiểm tra khu vực cách ly, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia y tế nhận định: Đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

“Chúng tôi đã triển khai tất cả các biện pháp và đã lấy mẫu tất cả các trường hợp cách ly trên địa bàn Thành phố Hà Nội để xét nghiệm. Chúng tôi mong người dân yên tâm phối hợp và hỗ trợ cùng với cơ quan chuyên môn để thực hiện việc này. Không nên quá hoang mang, quá lo lắng, hết sức bình tĩnh và tin tưởng vào các biện pháp của các cơ quan chuyên môn trong vấn đề triển khai thực hiện. Người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng để chung tay ngăn chặn dịch bệnh” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 yêu cầu Thành phố Hà Nội giám sát chặt hằng ngày sức khỏe tất cả các hộ gia đình quanh nhà bệnh nhân thứ 17 dương tính với COVID-19, nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công thương Thành phố Hà Nội, hiện Sở Công thương đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị để chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa. Phối hợp với các nhà phân phối, các quận, huyện tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ.

Ngày 08/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng cho biết với việc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 trong những ngày qua, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam bước vào giai đoạn mới.

Theo Phó Thủ tướng, từ hơn 2 ngày nay, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Cho đến ngày 08/3, trên thế giới tổng cộng có 101 quốc gia/vùng lãnh thổ nhiễm COVID-19.

Trong khi số ca nhiễm mới ở Trung Quốc bắt đầu ít đi, thì một số nước trên thế giới lại tăng mạnh như: Ý (5883 ca mắc, 233 ca tử vong); Iran (6566 ca mắc, 194 ca tử vong); Hàn Quốc (7313 ca mắc, 50 ca tử vong); Hoa Kỳ (447 ca mắc, 19 ca tử vong).

Một số nước châu Âu cũng ghi nhận ca nhiễm tăng như: Pháp (949 ca mắc, 16 tử vong); Tây Ban Nha (517 ca mắc, 10 tử vong); Đức (951 ca mắc); Anh (273 mắc, 2 tử vong); Hà Lan (265 mắc, 3 tử vong); Thụy Sỹ (332 mắc, 1 tử vong).

Tới 19h30 ngày 08/3/2020 đã phát hiện thêm một ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 30.

Đây là hành khách nước ngoài đi trên chuyến bay VN0054 từ London tới Nội Bài sáng 02/3/2020. Bệnh nhân thứ 30 là nữ, 66 tuổi, mang quốc tịch Anh. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, Bệnh nhân thứ 30 đã có mặt tại Hà Nội và hiện đang ở Huế. Sáng 07/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên - Huế đã điều tra và cách ly Bệnh nhân thứ 30, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với  SARS-CoV-2.

Tới thời điểm này tổng số ca bệnh COVID-19 tại Việt Nam là 30, trong đó 16 ca đã được điều trị khỏi hoàn toàn. 14 ca nhiễm mới (kể từ 06/3) trong đó có 5 người Việt Nam, 9 người nước ngoài hiện đang được điều trị cách ly trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Quan chức Chương trình Các sự kiện khẩn cấp về y tế của WHO, bà Maria van Kerkhove kêu gọi các nước áp dụng tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cơ bản nhưng có hiệu quả mà các nước Trung Quốc, Singapore và Việt Nam đã triển khai. Các biện pháp đó bao gồm xác định các trường hợp nhiễm bệnh và liên hệ với họ để tiến hành các biện pháp cách ly, cũng như tuyên truyền và huy động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh. Theo bà Kerkhove, mọi quốc gia đều có thể thực hiện được các biện pháp này.

Thu Hoài (nguồn Bộ Y tế)

Các tin khác