Tại các buổi gặp mặt nói chuyện với đội ngũ trí thức Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bao giờ cũng nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ông ghi nhận, nền khoa học công nghệ nước nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực. Chủ tịch nước đề nghị đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ thiết thực việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng lưu ý đến việc chú trọng tạo môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học thuận lợi để đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiều lần khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, coi đây là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, 30 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh, đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là sự nghiệp to lớn, đòi hỏi phải đồng tâm, nhất trí, phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của các nhà khoa học.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang: cần phát triển khoa học, công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn, có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học công nghệ, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của khoa học công nghệ, tạo động lực để các nhà khoa học cống hiến cho đất nước. Phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn tri thức của con người Việt Nam và tranh thủ tối đa tri thức tiên tiến của nhân loại. Tôn vinh những nhà khoa học có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Cần thu hút các nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước, trọng dụng nhân tài, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa nền khoa học công nghệ Việt Nam tiến lên một bước mới. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực đào tạo chuyên gia khoa học công nghệ có trình độ cao; ưu tiên hợp tác trên các lĩnh vực tận dụng được thế mạnh của Việt Nam, để phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, như công nghệ sinh học, công nghệ xanh, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin..
Với Chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư - Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phân tích bối cảnh ra đời, đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch nước cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ: Toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song cũng tạo ra nhiều thách thức trong ngắn hạn và trung hạn. Đặc biệt, về mặt kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - “thông minh”.
Các thành tựu mới của khoa học công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị… Trong sự phát triển đó có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chủ tịch nước cho biết, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư sẽ tác động mạnh đến Việt Nam, cả tích cực cũng như bất lợi. Vì vậy, việc thế giới mới khởi phát cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam không có được trong suốt 30 năm qua để nhanh chóng đón bắt, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới, tranh thủ các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh những lợi ích và cơ hội to lớn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư cũng đang đặt ra những thách thức gay gắt, đặc biệt là thách thức an ninh phi truyền thống. Theo Chủ tịch nước, nếu an ninh truyền thống coi an ninh quốc gia là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa hoặc tấn công quân sự cả từ bên ngoài và bên trong, thì an ninh phi truyền thống - ngoài việc bảo vệ chủ quyền quốc gia - còn bao gồm cả việc bảo vệ con người (cá nhân) và cộng đồng trước những mối đe dọa và nhân tố mang tính xuyên quốc gia, phi chính trị, phi quân sự.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, “Đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thịnh vượng, có trình độ công nghệ cao là chính sách xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đây vừa là trách nhiệm vừa là khát vọng của người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cần có sự chung sức, đồng lòng, hợp tác chặt chẽ của tất cả người Việt Nam chúng ta, bởi đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh để đưa đất nước ta vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn” - Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình kết nối "Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam"
Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn kêu gọi các nhà khoa học, các chuyên gia người Việt Nam trong và ngoài nước thể hiện tình cảm với quê hương, đất nước bằng những hành động cụ thể, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng, phát triển đổi mới sáng tạo Việt Nam; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các hoạt động phục vụ phát triển khoa học công nghệ và kinh tế xã hội của đất nước... tăng cường liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí vươn lên kiên cường, bất khuất của dân tộc, chung sức, đồng lòng, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu giành nhiều thắng lợi mới, to lớn hơn nữa để xây dựng đất ta nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Trích dẫn câu văn nổi tiếng năm 1442 của Tiến sĩ Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ nước nhà tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống hiếu học, thông minh, sáng tạo của các thế hệ cha ông, nỗ lực phấn đấu, vươn lên đạt trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến ở khu vực và thế giới.
Đông Hà (Tổng hợp)