Banner chính
Thứ Sáu, 04/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Chùa Đông Trang làm khuyến học

Thứ Hai, 18/08/2014
Chùa Đông Trang có tên chữ là Yên Ninh tự, trụ ở xã Ninh An, huyện Hoa Lư, là một ngôi chùa cổ có lịch sử trên 700 năm. Nhân dân địa phương kể rằng: Khi các vua Trần lui quân về đóng ở các xã Ninh Thắng và Ninh Hải đã lấy đây là một binh trạm đặt quân tướng đóng gác nhằm theo sát sự động tĩnh của quân giặc. Sau 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, nhà vua đã cho xây trên mảnh đất này một ngôi chùa. Trải qua năm tháng, nắng mưa của thiên nhiên, nhất là gần đây sự tàn phá của giặc Pháp chùa chỉ còn lại tam quan với những viên gạch cổ có từ ngày dựng chùa làm dấu tích.

Trước cảnh hoang tàn của chùa cũ, sư thầy Thích Diệu Nhân đã về đây trụ trì. Trước đó thầy đã đi khắp các miền rèn hạnh từ bi, vận động tín đồ đóng góp cho việc phục dựng lại chùa. Thời gian đầu còn tạm quây cót quanh tam quan làm nơi trú ngụ. Trong khi vận động đâu đâu thầy cũng thấy những phận người kém may mắn, đặc biệt là các cháu bị chất độc màu da cam sống lay lắt trong các gia đình nghèo khó, rồi các cháu bị bỏ rơi không cha mẹ để nương tựa, rồi chợt như ngộ ra duyên phận phật với thầy không chỉ là việc tụng kinh gõ mõ đêm ngày ở chốn cửa chùa. Thầy đã quyết định trích một phần tiền vận động để xây sửa chùa đem bố thí cho kẻ khó.

Thầy kể với chúng tôi: “Có lần cùng với chú tiểu trên đường đi, trời xẩm tối thầy có nghe tiếng trẻ con khóc. Lại gần thì cả hai thầy trò nhìn thấy một sinh linh nhỏ bé đang cựa trong chiếc áo cũ và cất tiếng khóc oe oe…”. Hai thầy trò biết rằng đây chính là hậu quả một trường hợp của một cô gái nào đó đã trót lầm lỡ, lo sợ mang tiếng chê cười…Thầy và chú tiểu đã ẵm cháu bé về chùa để chăm sóc. Đến nay, cháu bé đã bước vào tuổi cắp sách tới trường.

Thầy nhớ lại, gần 20 năm qua, kể từ khi nhận các cháu nhỏ không nơi nương tựa, cho ở tại chùa rồi nuôi ăn, nuôi học. Để trụ được, nhà chùa chẳng nề hà việc gì từ xin ăn, xin học, trồng rau, cấy lúa, chăn nuôi lợn gà, trồng thuốc Nam, làm nghề thủ công, đan lát mây tre, xin đất khai hoang trồng dứa, trồng vải…miễn sao có cái ăn, cái mặc, có tiền để đóng góp cho các cháu. Có lúc trong chùa có tới hai ba chục cháu ở, sinh hoạt như một ký túc xá của một trường, tại chùa cũng có kẻng báo thức tập thể dục buổi sáng, đến giờ đi học thì cháu nhỏ tới trường, cháu lớn làm việc, kẻng báo giờ ăn, giờ ngủ…miệng ăn núi lở, nhu cầu cuộc sống của hàng chục con người, gánh nặng nhà chùa nhiều khi tưởng chừng khó vượt qua nổi. Thế rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó. Với sự lao động cần cù, siêng năng của cả thầy và trò, gần hai mươi năm qua, chùa cũng có nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học, trở thành cán bộ, giáo viên, công an, bộ đội… khi đã trưởng thành lại trở về chùa đỡ đần cho thầy việc dạy dỗ, chăm sóc các em nhỏ đến sau, cùng cảnh ngộ như mình.

Tại hội nghị biểu dương gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học lần thứ 4 của tỉnh Ninh Bình bà Đỗ Thị Lan, người thôn Đông Trang xã Ninh An, huyện Hoa Lư đã dưng dưng kể lại: “Vợ chồng bà là công nhân về mất sức, đồng lương ít ỏi, nuôi hai cháu ăn học, cháu lớn vừa bước vào đại học thì bà mắc bệnh ung thư, sau một năm thì bị di căn xương, bà phải điều trị ở bệnh viện K. Trong lúc cực khổ như vậy thì tai họa ập đến: Chồng bà bị chết vì tai nạn giao thông đường sắt, bệnh tình của bà lại tái phát, lại tiếp tục điều trị, giữa lúc ấy cháu thứ hai thi đỗ vào Học viện ngoại giao Hà Nội, bà đã nhờ đến thầy Thích Diệu Nhân, thầy đã vui lòng cưu mang cháu, cung đốn cho cháu có điều kiện vào theo học. Không phụ công chăm sóc của thầy, trong 4 năm học ở Học viện, năm nào cháu cũng đạt sinh viên giỏi, nhận học bổng của nhà trường và đã bảo vệ luận án tốt nghiệp đoạt loại giỏi”. Nhân nhà chùa tổ chức ngày tết thiếu nhi cho các cháu, chúng tôi đã về dự, được gặp các cháu, gặp cô cử nhân ngành ngoại giao đang quây quần bên đàn em ríu rít nhận quà bánh trong sân chùa. Tiếng lành đồn xa…việc làm nhân đức của thầy Thích Diệu Nhân, chùa Đông Trang đã được truyền đi khắp nơi, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà phát tâm công đức đã về đây ủng hộ thầy, người tặng tiền, người tặng gạo, vải vóc, quần áo, người cho các cháu hàng trục chiếc cặp sách, hàng trăm cuốn sách bút…để các cháu có thêm điều kiện bước vào năm học mới.

Trong ngày vui, thầy chia sẻ niềm vui lớn là đã có nhiều cháu trưởng thành, nhiều phận người tưởng mong manh nhưng đã có mái ấm tình thương, có năm thầy đã tổ chức cho những cặp các cháu lớn tuổi, thành đôi lứa về quê xây dựng hạnh phúc trăm năm. Hạnh Bồ tát mà thầy đang gieo ngày càng được nhân rộng. Gần 20 năm qua, với lòng từ bi, hỉ xả nơi cửa chùa đã có gần 100 cháu đã và đang được thầy cưu mang, chăm sóc, răn dạy rồi khi đủ lông cánh thì như con chim bay xa tổ ấm nhưng vẫn không khỏi quyến luyến xa thầy, xa bạn, xa ngôi chùa thân thương của mình.

Nguyễn Khắc Thiệu

Các tin khác