Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Đặng Ngọc Toàn - người đầu tiên ở Việt Nam chế tạo thành công quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại có khối lượng lớn

Thứ Tư, 30/01/2013
Được anh Phạm Ngọc Doanh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình giới thiệu, chúng tôi tìm đến Cơ sở cơ khí Ngọc Toàn, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình gặp tác giả Đặng Ngọc Toàn người đầu tiên ở Việt Nam đã tự nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công “Quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm Kim loại khối lượng lớn”.

Tiếp chúng tôi tại căn nhà khang trang gắn liền với xưởng sản xuất, anh Toàn vui vẻ cho biết: Sau khi tham gia quân đội, anh bắt tay vào lập xưởng để sản xuất một số nghề trong ngành cơ khí phục vụ sản xuất của địa phương. Tình cờ năm 2003 chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước có chủ trương đầu tư xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ bằng đồng, với trọng lượng 120 tấn. Công ty Thủ công mỹ nghệ đúc đồng Yên Tiến xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định do ông Nguyễn Văn Hạnh làm Giám đốc được Nhà nước giao nhiệm vụ đúc tượng đài trên.



Ông Đặng Ngọc Toàn bên những chiếc quạt gió

Trên thế giới người ta sử dụng đúc bằng điện phân với khối lượng lớn, nhỏ không ảnh hưởng tới sản phẩm. Còn nghề đúc đồng của Việt Nam là sử dụng công nghệ truyền thống bằng lò và dùng than kíp lê để “nấu” nung chảy đồng với công suất cao nhất mỗi lò chỉ được 400 kg/mẻ. Nếu nấu 120 tấn đồng để đổ công trình trên thì phải sử dụng cùng một lúc tới 300 lò mới đảm bảo cho công trình. Đây là cái khó và thách thức của Công ty Thủ công mỹ nghệ đúc đồng Yên Tiến phải làm lò nấu với công suất lớn trên 10 tấn đồng để cùng một lúc cùng đổ thì tượng đài trên 100 tấn mới dính kết vào nhau, nếu chậm trễ đồng sẽ đông kết, tượng đài thành nhiều mảnh như thế sẽ không đạt yêu cầu. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là: Làm lò thì không khó, cái khó là chế tạo được “Quạt gió” với công suất, áp lực lớn 3000 vòng/phút thì mới đáp ứng cho lò nung trên 10 tấn đồng chảy hết.
Giám đốc Nguyễn Văn Hạnh đã xúc tiến ngay việc khảo sát trên thị trường trong và ngoài nước. Ở trong nước không có quạt đó. Trên thế giới chỉ có Hoa Kỳ (Mỹ) mới có quạt đó, giá khoảng 7.500 USD lại chưa có động cơ, tất nhiên lúc đó Mỹ đang cấm vận tại Việt Nam, vả lại nếu thực hiện phương án mua được quạt của Mỹ thì chi phí đầu tư vật tư, thiết bị rất lớn và công tác thi công rất khó - Ông Hạnh kể.
Qua các thông tin được biết về cơ sở Cơ khí Ngọc Toàn do anh Đặng Ngọc Toàn làm Giám đốc đã tự chế tạo thành công: “Quạt gió công suất lớn cho lò sấy lúa non cho công ty xuất nhập khẩu Ninh Bình phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản” và rất nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hạnh đã tìm đến gặp, trao đổi và đặt hàng với anh Đặng Ngọc Toàn.
 Với tính hiếu kỳ, sáng tạo, từ khi nhận lời để chế thử chiếc Quạt gió cho Công ty, anh Toàn đã tập trung nghiên cứu các loại Quạt gió trên thị trường xem có thể áp dụng được vào công nghệ đúc đồng hay không? Ban đầu anh và các đồng sự đã dùng quạt sấy có cải tiến cửa cấp gió nhỏ hơn để tăng áp lực của gió cho lò đúc nhưng không thành công. Không nản anh tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nhưng tốc độ gió vẫn chưa cao. Anh tìm hiểu kiểu đẩy gió của Quạt dùng cho máy phun thuốc trừ sâu của Đức thấy hệ thống cánh quạt được thiết kế khác so với các quạt dùng cho hệ thống sấy mà anh đã làm. Anh liền thay đổi phương án tiếp tục thiết kế theo kiểu đẩy gió tốc độ cao như máy phun thuốc trừ sâu của Đức.



Kiểu dáng của cánh quạt được Ông Nguyễn Ngọc Toàn thiết kế

Tuy nhiên, khi chế thử thấy kiểu này có tốc độ gió rất cao nhưng chỉ chạy được thời gian ngắn các cánh quạt đã bắt đầu bị hỏng làm cho quạt rung và kêu không thể hoạt động được. Thất bại nặng nề, nhưng anh vẫn tiếp tục nghiên cứu và chỉnh sửa đặt lại cánh với góc cắt gió phù hợp hơn và cân lại cánh, khi tiến hành cho chạy thử quạt đã chạy ổn định và tốc độ gió rất cao, có thể đáp ứng yêu cầu của Công ty, nhờ đó công nghệ đúc tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đã hoàn thành đúng tiến độ, với giá thành rất khiêm tốn, rẻ hơn rất nhiều giá nhập ngoại. Khi trường Đại học Bách khoa về xem công nghệ đúc tượng đài của Công ty mới ngạc nhiên, bởi hai lẽ: Thứ nhất vì đúc tượng ở nước ngoài bằng công nghệ Điện phân. Ngạc nhiên thứ hai là lại chế được Quạt tốc độ gió lớn, áp lực cao mới làm cho hàng chục tấn đồng với nhiệt độ trên 15000C hoá lỏng đáp ứng đúc tượng.
Từ sau sự kiện đúc Tượng đài Điện Biên Phủ của Công ty Thủ công mỹ nghệ đúc đồng Yên Tiến. Rất nhiều cơ sở đúc đồng và luyện kim đều tìm đến cơ sở sản xuất của anh để đặt và mua Quạt gió của anh, đơn cử như: Công ty Thủ công mỹ nghệ đúc đồng Yên Tiến, Ý Yên Nam Định: 26 chiếc, Công ty Đúc đồng Ý Yên, Nam Định: 22 chiếc...
Để hiểu thực hư của những chiếc Quạt của anh, tôi hẹn anh được tận mắt xem tại làng nghề, anh vui vẻ nhận lời. Đúng như đã hẹn, vào ngày 10 tháng 10 vừa qua, tôi đã trực tiếp chứng kiến “Quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm Kim loại khối lượng lớn tại một làng nghề” vào trận đổ Tượng Phật Bà Quan âm Bồ Tát nặng 120 tấn do Doanh nghiệp Xuân Trường đặt hàng. Tượng được đặt tại tỉnh Hà Nam giáp hai tỉnh Hoà Bình, Hà Nội. Trực tiếp chứng kiến tôi càng cảm phục những chiếc quạt của anh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.
Trao đổi với Ông Nguyễn Văn Hạnh nguyên Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ đúc đồng Yên Tiến, người trực tiếp điều hành buổi đúc Tượng 120 tấn hôm đó, ông Hạnh cho biết: Anh Đặng Ngọc Toàn là người đầu tiên ở Việt Nam đã tự nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công “Quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm  kim loại khối lượng  lớn”. Lần đầu tiên ở Việt Nam có cơ sở thiết kế, chế tạo “Quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại khối lượng lớn” đặt tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; Lần đầu tiên “Quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại khối lượng lớn (từ 4 - 10 tấn đồng) trên một mẻ đã làm cho toàn bộ khối lượng đồng trên hoá lỏng phục vụ cho việc đúc (tượng đài...) có khối lượng lớn một cách dễ dàng, không phải nhập ngoại và đã được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở đúc đồng có công suất lớn ở Việt Nam với hiệu quả kinh tế cao làm giảm chi phí đầu tư hàng chục tỉ đồng và sớm tạo ra sản phẩm đáp ứng kịp thời cho các công trình theo quy định. Kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công quạt có công suất lớn trong thời điểm này là phù hợp với yêu cầu của thời đại, xu thế chung của thế giới, nhằm tạo ra những chủng loại đúc có khối lượng lớn, đáp ứng các công trình đầu tư rất lớn của Nhà nước.


Chiếc Quạt gió được sử dụng tại Công ty Thủ công mỹ nghệ đúc đồng Yên Tiến

Sự ra đời quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại khối lượng lớn của  Đặng Ngọc Toàn đã giúp cho các cơ sở đúc chủ động được kế hoạch trong đảm nhận các hợp đồng đúc sản phẩm có khối lượng lớn hàng chục tấn. Việc đúc các tượng đài, các pho tượng tới trên 100 tấn của các cơ sở đúc ở Ý Yên, Nam Định đã thực sự nâng cao năng lực của các cơ sở đúc. Khẳng định trình độ công nghệ đúc của Việt Nam đã đạt được trình độ cao với các sản phẩm đạt kỷ lục trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ có quạt công suất lớn các sản phẩm đúc chất lượng tăng lên, tiết kiệm được nguồn nhiên liệu vì quạt công suất lớn đã làm cho lượng nguyên liệu đồng hóa lỏng hoàn toàn trong lò đồng thời áp lực của gió đã sục đảo lượng đồng đã hóa lỏng ở đáy lò giữ nguyên trạng thái lỏng không bị đông kết như dùng các quạt truyền thống của các cơ sở đúc. Đồng thời các sản phẩm đúc ra không bị sạn, xỉ, lẫn tạp chất đã nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thông qua công nghệ đúc sản phẩm khối lượng lớn các lao động trong khu vực có thêm việc làm và tăng thu nhập, đặc biệt hạn chế thấp nhất sự sai hỏng phải đúc lại sản phẩm gây tốn công sức và tốn kém tiền của góp phần nâng cao trình độ đúc của đội ngũ công nhân ở các xưởng đúc…
Gần chục năm qua, Quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại có khối lượng lớn của anh đã giúp cho các Công ty, đúc được các Pho tượng hàng chục tấn đặt tại: Chùa và Núi Bái Đính (Gia Viễn, Ninh Bình).        
“Quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm  kim loại khối lượng lớn” của anh Đặng Ngọc Toàn đã được Hội đồng Khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình nhất trí thông qua giới thiệu tham gia Giải thưởng sáng tạo Khoa học, công nghệ Việt Nam năm 2012./.

Vũ Đình Tụy

Các tin khác