Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ

Thứ Năm, 09/08/2012
Xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) là đòi hỏi tự nhiên và khách quan của cuộc sống, hội nhập và phát triển. Ðây là một quá trình phức tạp, vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải có sự nhận thức đúng và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết thì mới đạt kết quả tốt...

 

Xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ (dưới đây viết tắt là XHH) là chủ truơng lớn của Ðảng và Nhà nước, là con đường tất yếu để phát triển KH&CN và khai thác tốt nhất hiệu quả của KH&CN vào quá trình CNH, HÐH đất nước. Ðây là một quá trình phức tạp, vừa cấp bách, vừa lâu dài, với nội dung chủ yếu là: Tăng cường thu hút các nguồn lực ngoài xã hội tham gia vào các hoạt động KH&CN; tăng cường sự gắn kết KH với thực tiễn, mở rộng và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH vào thực tế; từng bước chuyển các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp KH&CN nhà nước sang hoạt động theo cơ chế thị trường; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội cho KH&CN.

Trong thực tế, nhiều năm qua, nhận thức về XHH ngày càng có sự thống nhất. Các chủ trương và cơ sở pháp lý cần thiết cho XHH không ngừng được bổ sung, hoàn chỉnh. Nhờ vậy, đầu tư phát triển và đổi mới hoạt động KH&CN được gia tăng. Các kết quả nghiên cứu KH&CN đã góp phần xây dựng các luận cứ khoa học cho công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phương án, dự án phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia và từng địa phương; góp phần nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường; góp phần tuyển chọn, thử nghiệm các giống mới, giống lai có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất; nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương. Ðặc biệt, một số công nghệ mới, tiên tiến đã và đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tạo giống mới, công nghệ canh tác mới, kỹ thuật nuôi trồng, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, công nghệ chế biến gỗ, chế biến gạo. Một số cơ sở nghiên cứu và kinh doanh, ngành kinh tế đã làm chủ được công nghệ nhập từ nước ngoài; đạt trình độ công nghệ mức trung bình so với thế giới, như ngành bưu chính - viễn thông, dầu khí, điện lực, dệt - may, đồ uống, năng lượng, chế tạo máy và xây dựng. Nhiều doanh nghiệp chú trọng nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật và cách thức sản xuất mới, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm. Nhiều sáng kiến công nghệ được thực hiện bởi những người dân bình thường và đóng góp thiết thực trong cuộc sống. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu và phát triển R&D ngày càng tăng thông qua các hợp đồng nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Trong cơ cấu nguồn thu của các tổ chức R&D, nguồn thu do ký hợp đồng với doanh nghiệp đã tăng đáng kể, chiếm khoảng 40% nguồn thu ngoài ngân sách của các viện nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Một số doanh nghiệp đã nổi lên như những gương điển hình trong đầu tư đổi mới công nghệ; điển hình là trong vòng năm năm kể từ khi chính thức tham gia XHH, doanh số của Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp đã tăng từ vài chục tỷ đồng lên đến gần 1.000 tỷ đồng; doanh số của Công ty Sơn tổng hợp Hải phòng đã tăng hơn 10 lần.

Tuy vậy, những tiến bộ nêu trên chủ yếu thuộc những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước chú trọng đầu tư hoặc ở các doanh nghiệp, tổng công ty lớn. Trên thực tế, việc ứng dụng, đổi mới KH&CN chưa trở thành nhu cầu bức thiết của nhiều doanh nghiệp. Hoạt động KH&CN chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Công tác quản lý KH&CN còn mang tính hành chính. Thị trường KH&CN chưa phát triển, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để vừa khuyến khích, vừa đòi hỏi doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Ðội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu và yếu về chuyên môn. Sự phối hợp hoạt động KH&CN giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp chưa chặt chẽ và chưa năng động. Ðầu tư ngân sách và đầu tư của xã hội cho phát triển KH&CN còn thấp. Ðầu tư cho KH&CN của Nhà nước mới chỉ hơn 2% tổng chi ngân sách, tức khoảng 0,5 đến 0,6% GDP. Tỷ lệ đầu tư cho KH&CN từ ngân sách Nhà nước so với khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam khoảng 3:1, trong khi của  Nhật Bản là 1:4, Ðức là 1:3. Ðầu tư cho R&D của các tập đoàn và tổng công ty lớn trung bình chỉ chiếm khoảng 0,25% doanh thu, quá thấp so với tỷ trọng từ 5 đến 10% của doanh nghiệp tại các nước phát triển. Ðầu tư cho KH&CN tính trên đầu người Việt Nam năm 2007 là khoảng 5 USD, ở Trung Quốc năm 2004 là khoảng 20 USD, còn ở Hàn Quốc là khoảng 1.000 USD. Tại Việt Nam năm 2007, một người ở độ tuổi lao động chỉ tạo ra trung bình là 1.500 USD trong tổng GDP cả nước. Các tổ chức KH&CN tạo ra thiết bị, công nghệ còn ít; chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số DNNN quy mô lớn (chủ yếu là các tổng công ty 90, 91) có cơ sở hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ. Chưa có nhiều công trình sáng tạo và thật sự đổi mới về CN được chuyển thành sản phẩm công nghệ được công nhận (thông qua các patent, know- how, license). Hiệu ứng lan tỏa (hay khả năng xúc tác) của đầu tư Nhà nước lên đầu tư đổi mới CN của doanh nghiệp và tư nhân rất hạn chế. Thị trường CN mới ở mức độ manh nha. Hàng hóa trên thị trường CN còn nghèo nàn. Các yếu tố khác cấu thành của thị trường CN như hệ thống thông tin CN và các dịch vụ hỗ trợ đổi mới CN (như tư vấn CN, môi giới CN, đánh giá và thẩm định CN) chưa phát triển. Khu vực doanh nghiệp tư nhân hầu hết đều thiếu vốn kinh doanh, đồng thời với quy mô nhỏ, hạn chế về cơ sở vật chất và nguồn vốn con người đã làm cho khu vực này khó có thể bỏ vốn đầu tư đổi mới CN. Các tổ chức và dịch vụ hỗ trợ đổi mới và ứng dụng CN chưa phát triển và chưa đa dạng. Hệ thống thông tin CN, hội chợ CN, các công ty tư vấn đầu tư đổi mới CN, dịch vụ hỗ trợ đăng ký sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ mới ở mức sơ khai...

 

Kết quả XHH tùy thuộc rất lớn vào nhận thức và cơ sở pháp lý cần thiết cho việc triển khai các hoạt động KH&CN, vào sự hưởng ứng của doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu KH&CN, sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự phối hợp tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ (NGO), đặc biệt là các hội và các hiệp hội KHCN và chuyên ngành khác có liên quan tham gia vào quá trình này...

Ðặc biệt, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước các cấp, gắn các hoạt động KH&CN với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Tăng cường hoàn thiện môi trường thể chế để tạo thuận lợi, sự phù hợp của cơ chế tài chính, tín dụng với đặc thù và tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Khuyến khích các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN và những tập thể nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học có quyền tự chủ và linh hoạt cao hơn về tài chính, tổ chức, biên chế, coi trọng chất lượng đầu ra thay vì giám sát hình thức trong toàn bộ quá trình hoạt động KH&CN. Cải thiện năng lực công nghệ của các doanh nghiệp; mở rộng hợp tác KH&CN trong và ngoài nước; bảo đảm cho doanh nghiệp trở thành trung tâm của hoạt động đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ. Ðổi mới chế độ, chính sách đào tạo, sử dụng và tôn vinh nhân lực KH&CN; coi trọng phát triển thị trường KH&CN, các dịch vụ và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KH&CN. Phát huy vai trò của Liên hiệp hội Việt Nam tham gia thực hiện XHH...

Các hoạt động KH&CN dễ thực hiện XHH trước hết là các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học về công nghệ, về giống cây, con hay các ứng dụng vào đời sống xã hội. Ðồng thời, có một số hoạt động và loại hình KH&CN không nên và không thể thực hiện ngay, nhanh hay triệt để việc XHH; thí dụ như các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, nhất là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; hoạt động nghiên cứu chính sách vĩ mô của các viện nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương trực thuộc Trung ương, mà đối tượng tiếp nhận kết quả nghiên cứu thường là cơ quan thông qua và triển khai chính sách quản lý nhà nước. Mọi hoạt động có tính chất duy ý chí cực đoan nhằm thúc đẩy XHH nhiều khi có thể là đồng nghĩa với hủy hoại các năng lực KH&CN, gây tổn thất về nhân lực và hạ tầng cơ sở vật chất cho các hoạt động KH&CN của đơn vị và xã hội.

Về tổng thể, XHH là đòi hỏi tự nhiên và khách quan của cuộc sống, hội nhập và phát triển, nhưng không phải là việc làm duy ý chí, mà đòi hỏi sự nhận thức đúng và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết chu đáo thì mới đạt kết quả tốt.

VT (Theo Nhân dân online)

Những nút thắt thúc đẩy XHH

Kết quả bước đầu trong xã hội hóa hoạt động KH&CN

Các tin khác