Xuất thân từ một gia đình nông dân ở thị xã Tam điệp, năm 1978 anh Trường lên đường làm nghĩa vụ quân sự ở quân chủng Hải quân nhân dân Việt nam sau đó được điều về Trường kỹ thuật quân sự Hải quân Sài Gòn, năm 1991 được ra quân, anh trở về địa phương với quân hàm Đại uý. Có lẽ trong hơn 10 năm ở quân đội do luôn được tiếp xúc với môi trường biển và cơ khí thuỷ lực nên đã hình thành trong anh niềm đam mê về cơ khí chế tạo, đây chính là động lực giúp anh khi về quê phát huy được năng lực của mình. Một hiệu cơ khí nhỏ của anh đã được mở ra để phục vụ bà con chế tạo, sửa chữa những loại máy móc thông thường như: Máy làm bún, máy xay giò, máy xay sát, sửa chữa công nông vv... đặc biệt là các loại máy bơm nước. Từ việc sửa chữa nhiều loại máy bơm nước, nhất là các loại máy bơm trục đứng có công suất lớn hàng ngàn m3/h trở lên, anh nhận thấy điện năng tiêu thụ của các loại máy bơm này đều lớn, làm thế nào để cùng một công suất máy bơm lại có lượng điện năng tiêu thụ ít hơn luôn là nỗi trăn trở trong anh.
Giải quyết trăn trở này, 6 tháng đầu năm 2003 anh bắt đầu nghiên cứu, chế tạo chiếc máy bơm vô ống đầu tiên với các thông số kỹ thuật được tính toán tỷ mỷ, chính xác như: Bơm không ống, đường kính cánh bơm 80cm, đặt chếch 400, bơm được 2 chiều bằng cách đảo điện 3 pha, khi bơm xong có bộ phận đậy nắp bơm để đóng kín nước. Đường kính thân bơm lớn và ngắn nên tháo được nước qua bơm nhanh khi cần tháo. Nếu 6 tháng đầu năm 2003 là thời gian dành cho nghiên cứu, chế tạo và tìm ra nguyên lý hoạt động thì 6 tháng cuối năm 2003 là thời gian xây cống, xây bệ và lắp đặt máy bơm vô ống công suất 3200m3 tại HTX Cổ Do nay thuộc tổ 1 phường Tân Bình, thị xã Tam Điệp. Kết quả là máy hoạt động tốt, đạt các thông số kỹ thuật, không phải thay đổi kể cả hệ số truyền động. Về hiệu quả kinh tế cho thấy: Cùng một lượng nước bơm được, lượng điện tiêu hao giảm 3,5 lần so với bơm trục đứng hoặc cùng một lượng điện tiêu thụ lượng nước bơm được gấp 3,5 lần so với bơm trục đứng. Bơm trục đứng công suất 4000m3/h phải dùng động cơ kéo 75kw, phải xây trạm bơm, lắp đặt hệ thống điện, xây cống mới, cửa hút, cửa xả tiêu tốn tất cả hết khoảng 2 tỷ đồng; Trong khi đó một trạm bơm vô ống công suất 3000 đến 4000m3/h chỉ dùng động cơ 20 kw/h dùng điện ánh sáng, tính cả chi phí xây cống, xây bệ đặt máy và 63 triệu đồng tiền mua máy bơm mới hết có 250 triệu đồng. Ngoài ra còn giảm nhiều các chi phí khác như bơm vô ống lắp vào mang cống lấy nước nội đồng đã có sẵn ở các HTX, bơm được hai chiều không phải xây cống mới cũng như phải xây cửa hút, cửa xả của trạm bơm.
Với tính năng và tác dụng vượt trội so với bơm trục đứng trong chống úng và chống hạn, bơm vô ống do cơ sở của anh Trường sản xuất ra đã được thị trường chấp nhận và tiêu thụ từ nhiều năm nay. Chỉ tính riêng từ 2010 đến nay mặc dù quy mô sản xuất còn nhỏ song cơ sở đã sản xuất được khoảng 80 máy bơm vô ống, bình quân mỗi năm sản xuất và tiêu thụ được trên 25 máy có công suất từ 3000 đến 4000 m3/h với 2 loại bơm trục nghiêng và bơm trục đứng. Ngoài việc lắp đặt theo hợp đồng với các HTX nông nghiệp trong tỉnh, sản phâm bơm vô ống của cơ sở đã được lắp đặt tại các tỉnh Thanh hoá, Nam định (Công ty Viễn Đông, nông trường Rạng Đông). Hưng yên (xã Thuận hưng...), Bắc ninh (xã Yên phụ, huyện Yên phong)...
Về khả năng tiêu thụ trong thời gian tới, anh Trường cho biết: Thị trường yêu cầu thì nhiều kể cả thị trường một số tỉnh đông bằng sông Cửu Long song cơ sở không dám nhận tất cả các đơn đặt hàng vì thiếu vốn, quy mô sản xuất còn nhỏ. Toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện có chỉ khoảng trên 1 tỷ đồng, không kể giá trị đất làm xưởng. Muốn vay ngân hàng song đất lại chưa dược cấp sổ đỏ, không có tài sản thế chấp, hoạt động bằng vốn tự có là chính, có đến đâu làm dến đó. Nếu có vốn lớn không chỉ mở rộng sản xuất ở miền Bắc mà còn mở xưởng ở miền Nam, sản xuất tại chỗ để có giá bán phù hợp, không phải vận chuyển từ Bắc vào, giá bán cao.
Do có tác dụng giảm chi phí sản xuất trong nông nghiệp, nên theo chúng tôi sản phẩm bơm vô ống cần được sự giúp đỡ, ưu tiên phát triển, trước hết là các cơ quan có thẩm quyên ở thị xã Tam điệp tạo điều kiện cho cơ sở bằng việc xét cấp Giấy CNQSĐ cho anh Trường, đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Bản thân cơ sở cần quảng bá rộng rãi sản phẩm, tăng cường liên doanh liên kết để tạo vốn hoạt động.
Địa chỉ liên hệ: Đỗ văn Trường, tổ 1 phường Tân Bình, thị xã Tam Điệp, tỉnh Nimh Bình, sđt: 01685.295.256./.
Nguyễn Chấn