Tràng An là một địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và trong thế giới rộng lớn hơn đã minh chứng cách thức con người tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến động lớn về môi trường qua khoảng thời gian hơn 30.000 năm từ 1.200 đến 33.100 năm trước. Lịch sử văn hóa liên tục và tương đối dài cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất gần đây của khối karst đá vôi Tràng An. Người cổ là một phần không thể tách khỏi cộng đồng sinh vật đã thiết lập trong môi trường sơn khối ít nhất từ thời kỳ Băng hà cực đại cuối cùng. Trong thời gian này, họ đã trải qua một số biến động địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử Trái đất, bao gồm việc tái ngập cảnh quan do mực nước biển dâng.
Tràng An đã biến đổi từ cảnh quan đất liền thành cảnh quan biển trong một số lần. Có những thời điểm, khối đá vôi ở xa biển, nhưng có những thời điểm Tràng An là một quần đảo giữa đại dương. Toàn bộ môi trường đất liền bị tác động dưới sự biến đổi của khí hậu và mực nước biển với các điều kiện môi trường đất trũng sông, đầm lầy, cửa sông và bờ biển. Rừng thay đổi về cấu trúc và thành phần từ kiểu rừng mưa nguyên sinh tán kín tới rừng khô theo mùa, với rừng ôn đới và các đồng cỏ trong các giai đoạn khí hậu mát mẻ thịnh hành. Con người tới khu vực đá vôi có thể theo mùa để kiếm nguồn thức ăn chính là ốc cạn. Các nguồn thức ăn khác tìm thấy trong các đống rác bếp khai quật ở các hang bao gồm đặc biệt các nguồn lợi từ sông – cua nước ngọt, các loài nhuyễn thể, cá và rùa. Số lượng xương động vật có vú thấp cho thấy việc săn bắn động vật là theo cơ hội, có khỉ, hươu, lợn và sóc, bổ sung nguồn dinh dưỡng đáng tin cậy cho bữa ăn. Từ Sơ kỳ Holocene, rõ ràng, biển tiến đã làm thay đổi cảnh quan thành các vũng biển và các đầm lầy nước mặn, và vào khoảng 5.500 năm trước, các sưu tập động vật khai quật được ở các hang thấp và các di chỉ ở khu vực rìa cho thấy số lượng nguồn lợi từ biển tăng lên.
Các bằng chứng môi trường cổ ở Tràng An, kết hợp với khảo cổ học, đã cho những thông tin quan trọng về điều này và các môi trường đã mất, lịch sử tiến hóa và tính đa dạng, cũng như việc con người đã thích ứng như thế nào với điều kiện sau giai đoạn băng hà cuối cùng. Những phát hiện rõ ràng về đặc điểm thực vật xưa cùng các mối liên quan gần gũi giữa các chứng cứ khảo cổ học và môi trường cổ như vậy là không phổ biến ở Đông Nam Á và trong trường hợp này, Tràng An đã nhanh chóng được công nhận về khoa học như là một chuỗi điển hình trong khu vực. Câu chuyện văn hóa tiền sử ở Tràng An là hình ảnh thu nhỏ của quá trình toàn cầu về ứng phó của con người đối với biển tiến sau băng hà trong khu vực này tới mức độ nó có thể được coi là mô hình so sánh với các địa điểm khác trong khu vực cùng chịu các tác động này. Tràng An cũng là một trong số ít các di chỉ có giá trị ở Đông Nam Á giữ lại nhiều đặc điểm ban đầu không chịu ảnh hưởng lớn từ con người, động vật và các nhân tố khác ở thời gian sau đó. Tràng An mang đặc điểm về quá trình tương tác giữa con người - môi trường và là một tham khảo vô giá toàn cầu cho việc tìm hiểu quá trình thích ứng và tái định cư cảnh quan trong điều kiện biến đổi môi trường.
Theo nguồn(Bản tin nội bộ ban tuyên giáo tỉnh ủy Ninh Bình)