Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Giáo dục và đào tạo - một nhân tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tri thức

Thứ Tư, 22/08/2012
Giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực hoạt động hết sức quan trọng của xã hội loài người. Xã hội loài người càng văn minh, các dân tộc ngày càng phát triển thì con người ngày càng nhận thấy rõ sức mạnh kỳ diệu của giáo dục và đào tạo. Một hoạt động có khả năng phát huy cao độ, khơi dậy và tạo nên tiềm năng vô tận của con người. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ làm xuất hiện xu thế lớn của nền kinh tế tri thức. Vấn đề đặt ra là muốn xây dựng nền kinh tế tri thức phù hợp với tốc độ phát triển hiện đại, đặt nền móng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, quốc gia, khu vực trên toàn cầu phải luôn tích cực bổ sung tri thức mới. Muốn vậy phải đầu tư cơ sở vật chất, có chính sách giáo dục và đào tạo phù hợp với mọi đối tượng nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng trong đội ngũ trí thức, nâng cao tri thức văn minh trí tuệ trong xã hội, thông qua việc lĩnh hội tri thức, tích luỹ tri thức, trao đổi và sáng tạo tri thức.

Chúng ta nhận thức sâu sắc xu thế của thế giới là phát triển nền kinh tế tri thức và phải chủ động tiếp nhận xu hướng đó như một tất yếu khách quan, phải đi thẳng vào kinh tế tri thức, cần phải thực hiện hai nhiệm vụ là: chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Hai nhiệm vụ này phải được thực hiện đồng thời, lồng ghép và bổ trợ cho nhau. Để biến nhiệm vụ này thành hiện thực là một vấn đề hết sức khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và của toàn dân trong việc xác định những khâu đột phá quan trọng và xác định giáo dục và đào tạo là khâu đột phá cơ bản và thiết yếu để đưa nước ta tiến vào nền kinh tế tri thức. Tại sao chúng ta lại nói như vậy? Bởi lẽ, căn cứ vào mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo dục - đào tạo và sự phát triển kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được. Nền kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển được. Giáo dục không phát triển thì cũng không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển. Hai việc đó có liên quan mật thiết với nhau.

Ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc gắn chặt với chính sách và chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là phát triển giáo dục. Garry Becker người Mỹ được giải thưởng Nobel kinh tế năm 1992 đã khẳng định: "Không có đầu tư nào mang lại nguồn lợi lớn như đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt đầu tư cho giáo dục"(1). Xem xét thực tế ở các nước phát triển kinh tế trên thế giới cho thấy: không một nước giàu có nào đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trước khi đạt mức phổ cập giáo dục phổ thông. Nhiều nước sử dụng công nghệ ngoại nhập tiên tiến trong khi tiềm lực khoa học công nghệ của nước mình còn nhiều yếu kém, thiếu các chuyên gia giỏi về khoa học - công nghệ và quản lý, thiếu đội ngũ kỹ thuật viên và công nhân lành nghề. Điều đó, cho chúng ta thấy được phần nào tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển kinh tế và đặc biệt quan trọng hơn trong nền kinh tế tri thức, nó trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tri thức.

Theo các nhà nghiên cứu, trong nền kinh tế tri thức, giáo dục và đào tạo là một trong ba chỉ số tương quan chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế bên cạnh cơ sở hạ tầng thông tin - viễn thông; mở cửa thị trường. Nguồn lực chủ yếu của kinh tế tri thức là thông tin và tri thức khác với các nền kinh tế truyền thống là sức lao động và vốn. Tri thức là yếu tố chủ yếu trong việc làm ra sản phẩm và dịch vụ. Để có sức cạnh tranh tri thức phải có năng lực tiếp thu, sử dụng và sáng tạo tri thức. Kinh tế tri thức bao hàm trong đó vốn, con người có tri thức, năng lực sáng tạo; vốn vật chất kỹ thuật để tiếp thu, xử lý, lưu trữ, trao đổi và chế biến thông tin - tri thức. Vốn tri thức xã hội - tri thức về con người và phát triển con người (năng lực quản lý, tổ chức tri thức).

Trong nền kinh tế tri thức đòi hỏi cần phải khả năng tổ chức và tiếp cận thị trường - tức nguồn vốn con người có trí tuệ. Như vậy, con người có trí tuệ trở thành nguồn tài nguyên vô giá, động lực quan trọng để nhân loại tiến vào nền kinh tế tri thức, thúc đẩy quá trình phát triển và tiến bộ xã hội. Do đó, nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin chỉ là hiện thực đối với các nước giàu, các nước đã phát triển mà còn là tương lai rất gần và là một cơ hội thăng tiến hy hữu cho các nước đang phát triển như nước ta. Điều này, thực sự có thể giải quyết được khi chúng ta hướng giáo dục và đào tạo phát huy vai trò của nó trong việc tạo ra nguồn lực - chỉ những người đang và sẽ bổ sung vào lực lượng lao động xã hội đa dạng và phong phú, bao gồm các thế hệ đang học tập văn hoá và nghệ nghiệp để tham gia vào lao động xã hội - là nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định đặc biệt đối với nước ta, khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp. Nguồn lực đó là người lao động có trí tuệ cao, có tay nghề thành thạo có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng và phát huy bởi một nền giáo dục tiến tiến gắn liền với một nền khoa học - công nghệ hiện đại. Giáo dục và đào tạo tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển, hoàn thiện các năng lực và tài năng của mình. Nhà trường chính là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết là cơ sở cho việc phát triển, hoàn thiện những phẩm chất, tài năng cá nhân, góp phần tạo ra những giá trị mới để thay đổi, làm tăng khả năng tiếp cận những ý tưởng mới và thay đổi quan điểm về việc làm, xã hội. Cũng chính trên cơ sở đó giáo dục và đào tạo làm tăng năng suất lao động, giảm đói nghèo, nâng cao sức khỏe của con người.

Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, một yêu cầu quan trọng đặt ra là phải đảm bảo hợp lý cơ cấu đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ có trình độ đại học và công nhân kỹ thuật. Chính vì vậy, trong nền kinh tế tri thức đòi hỏi phải xây dựng một mô hình nhân cách người lao động theo những tiêu chuẩn cơ bản: Thứ nhất, mỗi cá nhân phải có năng lực hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, trong đó điều kiện cốt lõi là phải có vốn tri thức cơ bản, kỹ năng, sáng tạo, khả năng thích ứng cùng với sự ham hiểu biết, có khả năng và phương pháp tự học, tự đào tạo; Thứ hai, phải có đạo đức mà phẩm chất cốt lõi nhất của nó là ý thức trách nhiệm, có thái độ phù hợp với môi trường sống, với con người và xã hội. Đây là những phẩm chất chỉ có được thông qua quá trình giáo dục - đào tạo cùng với khả năng tự học, tự rèn luyện của mỗi cá nhân. Chỉ có con đường tự học, tự rèn luyện, học suốt đời mới có thể bù đắp, lấp bớt khoảng trống về kiến thức trong mỗi con người. Đó cũng là con đường không kém hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực con người.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển đất nước Đảng ta đã khẳng định "coi phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa"(2). Đặc biệt, Văn kiện Đại hội IX đã chỉ rõ điều kiện căn bản để phát triển lực lượng sản xuất nói chung và con người nói riêng là "Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững"(3). Đại hội XI khẳng định rõ hơn "nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước"(4). Ngày nay, khoa học và kỹ thuật đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp như sự tiên đoán của C.Mác, sự phát triển của nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ trên thế giới diễn ra rất nhanh và đổi mới liên tục, đang thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng kinh tế tri thức, nước ta cần "Phát huy mọi nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam"(5), thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng vào phát triển kinh tế tri thức, "Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa"(6).

Như vậy, để tạo ra nguồn lực con người có tri thức, năng lực sáng tạo ra tri thức, nền giáo dục nước ta có đảm nhiệm được nhiệm vụ này hay không, câu trả lời nằm ở những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, toàn dân trong việc chuyển từ nền giáo dục và đào tạo yếu kém sang nền giáo dục tiên tiến, lành mạnh, tạo ra một xã hội học tập liên tục và học tập suốt đời.

Th.S Phan Thị Hồng Duyên

Trường Đại học Hoa Lư

(1). Xem Hà Nhật Thăng, Giáo dục giá trị đạo đức - nhân văn (giáo trình đào tạo giáo viên THCS hệ CĐSP theo quyết định số 859/GD-ĐT ngày 12-3-1997 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.6.

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.91.

(3). Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.108- 109.

(4). Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.41.

(5). Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.91.

(6). Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.87.

Các tin khác