Banner chính
Thứ Bảy, 20/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện Yên Khánh

Thứ Hai, 24/11/2014
Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đến nay, huyện Yên Khánh hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao. Một số địa phương đã định hình các vùng sản xuất chuyên canh như: vùng sản xuất lúa chất lượng, lúa giống, vùng sản xuất rau quả chế biến, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn phát triển toàn diện.
 

Với tổng diện tích đất canh tác trên 16.000 ha, trong đó diện tích cấy lúa là 8.600 ha, để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, một trong những giải pháp mà Yên Khánh đã thực hiện trong những năm qua đó là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Hàng năm, huyện hướng dẫn các HTX nông nghiệp tổ chức gieo trồng trên 8.000 ha lúa chất lượng cao, góp phần tăng giá trị mỗi ha lúa từ 8-10 triệu đồng.
Nhiều năm nay, Yên Khánh cũng đã hình thành những vùng chuyên sản xuất lúa giống ở Khánh Thành, Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công, từng bước góp phần chủ động nguồn giống lúa chất lượng cao trên địa bàn, đồng thời nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong sản xuất vụ đông, huyện chỉ đạo các xã, HTX quy hoạch vùng sản xuất vụ đông ăn chắc, tập trung sản xuất cây hàng hoá có giá trị kinh tế cao như: Ngô ngọt, khoai tây xuất khẩu, bí xanh, dưa chuột xuất khẩu, trạch tả…

Đồng thời hướng dẫn cho nông dân quy trình kỹ thuật đơn giản, dễ làm, giảm công lao động; mời các nhà đầu tư cùng tham gia vào bao tiêu sản phẩm cho nông dân để nông dân yên tâm sản xuất. Với những nỗ lực của các cấp chính quyền và bà con nông dân, sản xuất nông nghiệp ở huyện Yên Khánh ngày càng đạt hiệu quả vững chắc. Hiện nay, giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác của huyện đạt trên 130 triệu đồng.

Các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ độc canh cây lúa sang sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao đã và đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2013 xuống còn 5,22%, là tiền đề cho huyện thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Xã Khánh Thành là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa của huyện Yên Khánh. Những vùng đất trũng chỉ cấy được một vụ chuyển thành những trang trại VAC, đất vườn tạp chuyển sang trồng rau màu…Nhiều hộ nhờ trồng rau mà có cuộc sống khá giả. Có hộ thu cả trăm triệu đồng một năm. Mướp đắng, dưa chuột và bí xanh là 3 loại cây trồng rất được chú trọng ở Khánh Thành.

Trước đây, các cây này chỉ được trồng trên đất màu nhưng khi thấy hiệu quả kinh tế cao, chúng được đưa ra trồng trên đất 2 lúa và mở rộng diện tích lên gấp nhiều lần. Hiện nay trong xã đã hình thành 1 tổ hợp tác tập hợp những hộ nông dân chuyên trồng rau màu trong xã. Qua tổ hợp tác, các hộ nông dân này chia sẻ với nhau về kỹ thuật trồng trọt, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổ hợp tác đã đứng lên ký hợp đồng với một doanh nghiệp, tiêu thụ mỗi ngày 5 tấn mướp đắng. Bà con sản xuất ra đến đâu tiêu thụ ngay đến đó. Với 1 mẫu ruộng, cấy lúa năm nào được mùa, mới đạt 5 tạ thóc/sào (hai vụ). Giá lúa hiện tại chỉ được ba triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cày, bừa, thu hái... mất khoảng 80%. Còn vụ đông trồng rau cũng chỉ được vài sào, mỗi sào thu được 700 nghìn đến 800 nghìn đồng. Cả năm hai vụ lúa một vụ màu cũng chỉ đủ cơm ăn. Từ khi dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa sang trồng dưa chuột, mướp đắng, ớt…, đời sống đã khấm khá hơn. Tính ra nếu luân canh tốt thực hiện đúng kỹ thuật, 1 năm bà con có thể thu lãi từ 15-20 triệu đồng/sào.

Còn ở xã Khánh Nhạc, những người nông dân nơi đây vốn đã làm quen với cây lúa từ khi còn nhỏ, nhưng vụ nào khá lắm cũng chỉ thu lãi chừng 150 nghìn đồng/sào. Trước bất cập đó, vụ đông xuân 2014, HTX Hợp Tiến đã thí điểm chuyển đổi 10 ha trồng lúa sang trồng cà chua bi. Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, HTX đã trực tiếp hướng dẫn bà con về kỹ thuật và quy trình canh tác, đồng thời đứng ra làm đầu mối ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Mô hình bước đầu cho hiệu quả cao. Với giá 4 nghìn đồng/kg, dự tính đến cuối vụ, sau khi trừ chi phí  sẽ thu lãi 2 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Có thể khẳng định rằng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân huyện Yên Khánh. Và đây chính là tiền đề cho các xã trong huyện thực hiện thành công tiêu chí thu nhập trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thu Hương

 

Các tin khác