Banner chính
Thứ Bảy, 20/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Hội thảo hợp tác Đông Nam Á về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở đô thị tại Ninh Bình

Thứ Hai, 23/01/2017
Từ ngày 12-13/1/2017 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tổ chức “Hội thảo hợp tác Đông Nam Á về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở đô thị - UCRSEA” tại Ninh Bình.

Chủ trì Hội thảo: Ông Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh; Bà Bùi Thị Hà Ly, Viện Tài nguyên Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội; Chuyên gia Daniel Ari - Tiến sỹ, Đại học Toronto, Canada. Các thành viên tham gia Hội thảo gồm có các cán bộ, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, một số chuyên gia đến từ Canada, Campuchia, Thái Lan, Myanma và các cán bộ KHCN tại các sở ban ngành trong tỉnh cùng tham dự.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Tốc độ đô thị hóa nhanh; hội nhập phát triển kinh tế của vùng; quá trình đô thị hóa phức tạp; sự kết nối và xen cài của các hệ thống đô thị; Năng lực tổ chức quản lý và thể chế; các yếu tố thời tiết cực đoan xảy ra; Sử dụng thiết bị quan trắc môi trường không khí Airbeam.

Với mục đích tìm hiểu được tính dễ bị tổn thương đối với khí hậu ở các vùng đô thị; tính dễ bị tổn thương đối với khí hậu và đói nghèo ở đô thị; nghiên cứu hệ thống phức tạp, lý thuyết và thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy con người làm trung tâm để nghiên cứu sự thích ứng và thay đổi; hợp tác trao đổi nghiên cứu giữa các bên liên quan nhằm đạt được sự phát triển xã hội và kinh tế bền vững cho các nước Đông Nam Á.

Trong Hội thảo, các chuyên gia đã hướng dẫn các cán bộ KHCN sử dụng thiết bị quan trắc môi trường không khí Airbeam trong việc phát hiện những thay đổi về môi trường và chia sẻ thông tin chất lượng không khí nơi đo thông qua website: crowdmapping aircasting. Các Airbeam sử dụng phương pháp tán xạ ánh sáng để đo PM2.5 (PM2.5 mô tả kích thước các hạt đo, các hạt nhỏ hơn 2,5 Micron đường kính. Nguồn PM2.5 từ xe ô tô động cơ diesel, các nhà máy điện đốt than, cháy rừng....), các chất này có thể xâm nhập sâu vào phổi, thậm chí đi vào máu gây ra bệnh trong ngắn hạn, cũng như dài hạn. Thiết bị dễ sử dụng, người dân cũng có thể sử dụng để đo, chia sẻ chất lượng không khí nơi mình đang sinh sống. Từ những thông tin thu thập được, người dân có thể phản ánh, đóng góp vào chính sách môi trường với chính quyền sở tại để nâng cao chất lượng môi trường tại địa phương.

Thông qua Hội thảo, các chuyên gia đã thống nhất hợp tác cùng nhau cập nhật, trao đổi thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác cùng nhau về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại đô thị nhằm đạt được sự phát triển xã hội và kinh tế bền vững cho các nước Đông Nam Á.

Đông Hà

Các tin khác