Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Túc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Giáo sư Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Phát biểu chào mừng hội thảo, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã giới thiệu khái quát về mảnh đất, con người, văn hóa, lịch sử và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua. Ninh Bình - một mảnh đất "địa linh nhân kiệt", là quê hương của người Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh; là nơi phát tích của 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý; có Cố đô Hoa Lư, kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhà Đinh có vị trí hết sức quan trọng, đã dẹp loạn 12 sứ quân, chấm dứt tình trạng cát cứ, thống nhất giang sơn, thành lập nhà nước độc lập tự chủ, nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên và đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Vương triều Đinh và Kinh đô Hoa Lư, không chỉ là niềm tự hào của người dân Ninh Bình, mà còn là niềm tự hào chung của cả dân tộc Việt Nam. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian 12 năm, nhưng những đóng góp của vương triều Đinh đối với lịch sử dân tộc là rất to lớn, đã được lịch sử khẳng định và ghi nhận. Ngày nay, trên quê hương của Đinh Tiên Hoàng Đế, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã xác định rõ trách nhiệm tiếp tục giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị vật thể và phi vật thể mà triều Đinh, Tiền Lê và buổi đầu triều Lý đã tạo dựng và đã để lại trên vùng đất Ninh Bình. Nhiều năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; coi trọng việc khai quật, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp hệ thống các công trình, di tích cố đô xưa, nhất là khu đền Đinh - Lê. Đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo nghiên cứu về văn hóa thời Đinh - Lê; xây dựng nhiều công trình, tuyến đường mang tên các Danh nhân của nhà nước Đại Cồ Việt. Đặc biệt, gần đây tỉnh đã đầu tư xây dựng quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế; ngành giáo dục đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, bậc học…
Tại Hội thảo, tham luận của các giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đã xoay quanh vấn đề "Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước", đưa ra nhiều căn cứ để làm sáng tỏ sự nghiệp xây dựng và phát triển của Đinh Bộ Lĩnh với sự phát triển của đất nước. Trong đó các tham luận đã đi sâu, giới thiệu tài năng về mặt quân sự, chính trị, ngoại giao của Đinh Bộ Lĩnh; về sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế; tập trung làm rõ vai trò của nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc, nhà Đinh xây dựng nền quân sự quốc phòng, lịch sử phát triển của nhà Đinh có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình, Đinh Bộ Lĩnh với sự nghiệp thống nhất đất nước...
Hội thảo là dịp để các giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, những người con của mảnh đất Cố đô tiếp tục tập trung tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn và nhằm tôn vinh công lao to lớn của vương triều Đinh, từ đó góp thêm cơ sở khoa học để khẳng định giá trị và ý nghĩa của triều Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước; đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị các điều kiện cho tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.050 năm thành lập nước Đại Cồ Việt, diễn ra vào năm 2018.
Theo Baoninhbinh.org.vn