Chiều 03/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp. Đây là nội dung thuộc đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và du lịch tỉnh Ninh Bình”.
Tham dự hội thảo có một số chuyên gia là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Đ/c Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh, Chủ nhiệm đề tài trình bày tại hội thảo
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua có bước phát triển khá cao, cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường. Tốc độ tăng GRDP ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 18,1%, năm 2020 GRDP (theo giá so sánh 2010) ngành công nghiệp đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng GRDP của toàn tỉnh; đóng góp trên 50% tổng số thu nội địa của tỉnh. Sản phẩm có đóng góp lớn cho ngành công nghiệp là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như ô tô, camera modul, linh kiện điện tử, sản xuất kính xây dựng… là yếu tố đóng góp chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu “…đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội với công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến… tự cân đối ngân sách trong nhiệm kỳ 2020-2025; đến năm 2025, là tỉnh trung bình khá, đến năm 2030, trở thành tỉnh khá”.
Để thực hiện được những mục tiêu Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đưa Ninh Bình có sự phát triển bứt phá trong thời gian tới, trở thành tỉnh khá trong vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp mạnh, đồng bộ, có tính khả thi đối với hai lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá của tỉnh là công nghiệp và du lịch đến năm 2030, góp phần xây dựng mục tiêu và tầm nhìn phát triển mới của tỉnh đến năm 2030 và xa hơn là đến năm 2045, phù hợp với mục tiêu và tầm nhìn phát triển của đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận tập trung vào các nội dung: Nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025, định hướng 2030, cụ thể: Đẩy mạnh thu hút đầu tư và quy hoạch phát triển công nghiệp Ninh Bình, trong đó đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.Đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chuyển giao công nghệ cao, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp. Nhất là quan tâm tới định hướng, giải pháp phát triển hệ thống logistics tỉnh Ninh Bình bằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cần có chính sách khuyến khích phát triển thị trường dịch vụ logistics; tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và thành lập các trung tâm về logistics./.
Phạm Đào