Tham dự Hội thảo có Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; Ông Lê Công Lương, Chánh Văn phòng Liên Hiệp Hội Việt Nam; Ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh; cùng Lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh: Bình Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Huế, Nghệ An, Thanh Hóa. Đại biểu các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Y tế, Công an tỉnh, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ. Lãnh đạo các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Khê... cùng tham gia Hội thảo.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tại Hội thảo
Sau khi Ông Nguyễn Khắc Hào, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu. Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cùng Ông Đặng Ngọc Sơn chủ trì Hội thảo. Các đại biểu Liên hiệp Hội các tỉnh cùng lãnh đạo các huyện của tỉnh Hà Tĩnh tiến hành trao đổi, thảo luận về kết quả xây dựng chương trình nông thôn mới giữa Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Ông Đặng Ngọc Sơn nêu những khó khăn về nguồn kinh phí bị hạn chế, xuất phát điểm thấp, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, địa phương, sự đồng lòng, chung sức của người dân tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những bước đầu quan trọng, tạo tiền đề hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới mà nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đã đề ra có 48 xã chiếm trên 20% đạt chuẩn 19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 7 tiêu chí trở lên.
Xác định phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn là yếu tố then chốt, là điều kiện cần để tiến hành xây dựng nông thôn mới bền vững. Tổ chức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích sản xuất giống phát triển một số sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Ngoài ra Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh xác định rõ lộ trình, bước đi thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nông thôn mới, sự chỉ đạo kiên quyết của cáp ủy, chính quyền các cấp đồng thuận cao từ tỉnh đến cơ sở. Mặt khác tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các cơ chế chính sách đúng, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người dân, nguồn lực được huy động, sử dụng có hiệu quả nhất.
Ông Bùi Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy Can Lộc đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HU về tập trung lãnh đạo chuyển đổi ruộng đất. Sau 2 năm thực hiện quyết liệt, từ chỗ toàn huyện có 182.000 thửa trước chuyển đổi, còn 62.000 thửa sau chuyển đổi, bình quân 6,2 thửa/hộ xuống còn 2,2 thửa/hộ. Hiệu quả kinh tế xã hội do chủ trương trên mang lại là to lớn, nhân dân rất đồng tình phấn khởi, được tỉnh đánh giá cao, nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan học tập, rút kinh nghiệm.
Tham mưu đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết 07/NQ-HU về chuyển dịch cơ cấu giống và thời vụ trong sản xuất Đông Xuân 2011-2012 và các năm tiếp theo.
Qua hai chủ trương lớn được thực hiện ở Can Lộc, có thể rút ra được kinh nghiệm cho những chủ trương khác, như:
- Sự kết hợp giữa quyết tâm chính trị với cơ sở khoa học cho mỗi chủ trương, giữa bản lĩnh và trí tuệ của đội ngũ cán bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự “thành - bại”, khẳng định uy tín của các cấp lãnh đạo trước nhân dân.
- Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa lạc hậu và tiến bộ, giữa sự nghi ngờ và lòng tin, thì những luận cứ khoa học kỹ thuật bao giờ cũng là cơ sở, chỗ dựa tin cậy, là vũ khí sắc bén để đấu tranh với các tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ngại khó, trong đó đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật luôn đóng vai trò quan trọng nhất.
Ông Bùi Đức Hạnh, Bí thư huyện ủy Can Lộc phát biểu tại Hội thảo
Ông Đỗ Khoa Văn, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh nêu những vấn đề cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:
1. Quan tâm đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
2. Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, ưu tiên bố trí ngân sách sự nghiệp khoa học đầu tư hướng về cơ sở, có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ có tính chất trọng điểm.
3. Tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ phát triển khoa học và công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, trang trại, doanh nghiệp vay vốn sản xuất, đây là yếu tố quyết định hàng đầu để cho các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có đủ năng lực làm vệ tinh ở cơ sở để nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhằm giải quyết công ăn, việc làm ở nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị vùng sâu, vùng xa và vùng trung tâm.
4. Xây dựng các chương trình nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ để xây dựng nông thôn mới bao gồm:
- Nhóm giải pháp về kiến trúc không gian chung của nông thôn.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn kết hợp bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên, an toàn vệ sinh thực phẩm... với các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh.
- Mô hình bảo quản chế biến nông sản sạch làm hàng hóa xuất khẩu.
- Mô hình ứng dụng công nghệ tưới, tiêu kết hợp các biện pháp canh tác tiên tiến nhằm giảm khí thải mêtan, CO2 gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu.
5. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, tập huấn cho nông dân, chương trình dạy nghề một cách thiết thực, nhằm nâng cao năng lực nắm bắt, ứng dụng khoa học và công nghệ cho các đối tượng có liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp cơ sở, nông dân và doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.
6. Đẩy mạnh công tác sở hữu trí tuệ, xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, gạo và các sản phẩm công nghiệp khác...
7. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân tìm kiếm thị trường tiêu thụ và chế biến xuất khẩu hàng hóa. Kết hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện có hiệu quả chương trình “Nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập” của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Ông Vũ Đình Tụy, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội tỉnh Ninh Bình thì các tỉnh chưa có sự phối hợp với nhau một cách toàn diện, hầu hết các tỉnh mới chỉ làm được về cơ sở hạ tầng. Chưa có điều kiện đưa các cán bộ kỹ thuật có trình độ cao về với cơ sở, nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống chưa thể thực hiện được. Các cấp chính quyền chưa thật sự vào cuộc, cơ chế chính sách còn là rào cản để khoa học kỹ thuật đi vào cuộc sống, làm chậm bước tiến của khoa học kỹ thuật.
Cần phải thay đổi cơ chế, chính sách để khoa học kỹ thuật được nhanh chóng đưa vào cuộc sống, thay đổi bộ mặt của nông nghiệp nông thôn. Cần kết hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để chuyển giao kỹ thuật khoa học cho bà con nông dân. Đồng thời cần tuyên truyền rộng rãi trên các hệ thống thông tin đại chúng như báo, đài... để bà con nông dân hiểu và làm theo.
Bộ NN&PTNT và Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, ban hành các văn bản chính sách để Liên hiệp Hội các tỉnh làm căn cứ thực hiện.
Sau khi nghe các Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổng kết và nêu những yêu cầu cấp bách về xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác tiềm năng và trí tuệ của đội ngũ khoa học và công nghệ với những nội dung cụ thể như sau:
1. Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tích cực cùng các bộ, ngành trung ương xây dựng và ban hành các văn bản chính sách về khoa học công nghệ để Liên hiệp Hội địa phương làm căn cứ để triển khai trong giai đoạn tới.
2. Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổ chức các lớp tập huấn về khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật mới cho Liên hiệp Hội các địa phương triển khai tới bà con nông dân một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
3. Các Liên hiệp Hội địa phương cũng cần phải tranh thủ nguồn lực từ các nguồn khác vì kinh phí của các công trình, đề tài, dự án mà ngân sách nhà nước bỏ ra càng ít thì chương trình, đề tài, dự án đó càng thành công.
4. Văn hóa làng xã đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân, ngoài việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật thì phải nghiên cứu cả văn hóa xã hội làng xã.
5. Quy trình nghiên cứu, xây dựng mô hình nông thôn mới, phải nghiên cứu thực địa rồi mới áp dụng vào trong thực tiễn.
6. Nếu Liên hiệp Hội các tỉnh có đề tài, dự án mang tính khả thi cao Liên hiệp Hội Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, tìm kiếm nguồn đầu tư cho việc thực hiện đề tài, dự án đó./.
Bài và ảnh: donghalcit