Tham dự hội thảo có các Chuyên gia tư vấn, phản biện đến từ Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; một số Chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch của tỉnh; đại diện một số Sở, ban ngành của tỉnh Ninh Bình.
Sau khi nghe đại diện Sở Du lịch trình bày nội dung dự thảo Đề án. Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, các thành viên của Hội đồng phản biện đã cho những ý kiến nhận xét, đánh giá một cách cụ thể, toàn diện. Các chuyên gia cho rằng: Dự thảo đề án có cấu trúc hợp lý, được trình bày rõ ràng, được bố cục thành 3 phần lớn: phần Mở đầu, phần Nội dung, và phần Kết luận và Kiến nghị. Nội dung trong các Phần được thiết kế logic, toàn diện, phù hợp với yêu cầu của một Đề án.
Phần nội dung của đề án được chuẩn bị công phu, các số liệu được nêu trong đề án đáng tin cậy. Nội dung phù hợp với thực tiễn phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình. Trong đó đã khái quát được nguồn lực phát triển du lịch của tỉnh; phân tích và đánh giá được thực trạng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình; hoạch định được chiến lược phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề án cần được chỉnh sửa lại ngắn gọn, tránh chồng chéo, tăng phần đánh giá, dự báo về nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm du lịch.
Kết thúc hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Dung - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phản biện đánh giá cao các ý kiến tư vấn, phản biện của các thành viên hội đồng. Các ý kiến sẽ được Liên hiệp Hội tỉnh tổng hợp trong báo cáo kết quả tư vấn, phản biện gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan để Sở Du lịch tiếp thu, chỉnh sửa cho Đề án hoàn thiện hơn.
Bích Đào