Tham dự Hội thảo có các Chuyên gia tư vấn, phản biện đến từ Hội Khoa học Hành chính Việt Nam, Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng; một số Sở, ban ngành, các Chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý khoa học, đô thị, công nghệ thông tin tỉnh Ninh Bình.
Sau khi nghe đơn vị tư vấn xây dựng Đề án trình bày nội dung dự thảo Đề án. Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, các thành viên của Hội đồng phản biện đã cho những ý kiến nhận xét, đánh giá một cách cụ thể, toàn diện. Các chuyên gia cho rằng: Đề án Xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2018-2023 được thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời ứng dụng và phát triển các dịch vụ đô thị thông minh trên cơ sở ứng dụng Công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các ngành, các cấp, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao phục vụ nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh. Nội dung phần xây dựng chính quyền điện tử tập trung vào các vấn đề: Đầu tư trung tâm dữ liệu lớn của tỉnh; Đầu tư, xây dựng trung tâm giám sát an toàn, an ninh thông tin của tỉnh và các hệ thống theo dõi, giám sát an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của tỉnh; Nâng cấp mạng số liệu chuyên dùng; Xây dựng trung tâm hành chính công; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chính quyền điện tử cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện;... Đối với nội dung triển khai dịch vụ đô thị thông minh, đề án chủ yếu tập trung triển khai các dịch vụ thông minh các lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp.
Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng tư vấn, phản biện đã đánh giá cao tính khả thi và hiệu quả mà đề án Xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2018-2023, việc lồng ghép giữa xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh là rất phù hợp. Nội dung của đề án cơ bản đã thể hiện được sự cần thiết, mục tiêu chung, nội dung, các giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, để Đề án hoàn chỉnh hơn, Hội đồng tư vấn, phản biện đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, bổ sung một số nội dung về: cơ chế chính sách của tỉnh; giải pháp tăng cường sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo tỉnh khi triển khai thực hiện Đề án; đánh giá cụ thể hơn hiệu quả của Đề án; nêu rõ giải pháp xã hội hóa thực hiện các phần, các mục mang tính chất dịch vụ....
Kết thúc hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Dung - Chủ tịch Liên hiệp Hội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phản biện đánh giá cao các ý kiến tư vấn, phản biện của các thành viên hội đồng. Các ý kiến sẽ được Liên hiệp Hội tỉnh tổng hợp trong báo cáo kết quả tư vấn, phản biện gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan để tiếp thu, chỉnh sửa cho Đề án hoàn thiện hơn.
Bích Đào