Hướng dẫn tập trung vào 6 nội dung cụ thể như sau: Các bước triển khai thực hiện; những nội dung cơ bản cần quy định cho hoạt động Tư vấn phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp Hội địa phương; hình thức và mức độ Tư vấn phản biện, giám định xã hội; Cơ chế tài chính Tư vấn phản biện, giám định xã hội; Trình tự tổ chức thực hiện Tư vấn phản biện, giám định xã hội; Sự phối hợp giữa Liên hiệp Hội Việt Nam với các Hội thành viên trong hoạt động Tư vấn phản biện, giám định xã hội
Về nội dung các bước thực hiện: Hướng dẫn số 819 nêu ra những điểm mới của Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 so với Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ như nêu rõ hơn về phạm vi hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội mang tính bắt buộc; xác định rõ tính chất hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là độc lập, khách quan, mang tính xã hội, không vì mục đích lợi nhuận; xác định rõ nguồn kinh phí lấy từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ… Hướng dẫn 819 yêu cầu Liên hiệp Hội các tỉnh thành phố trực thuộc TW cần chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành Quy định tư vấn, phản biện và giám định xã hội của địa phương theo tinh thần Quyết định số 14 và tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ kèm theo như xây dựng chương trình kế hoạch hàng năm, tổ chức hoạt động ký kết, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, tăng cường cán bộ có năng lực để quản lý, tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các chuyên gia, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin …
Về nội dung cơ bản cần quy định cho hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội: Hướng dẫn 819 nêu rõ đó là các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng; các chương trình, dự án lớn của địa phương liên quan đến khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức; mục đích, yêu cầu của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhằm hướng tới đề xuất tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của địa phương đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đoàn kết, phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức, nâng cao năng lực của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương. Hoạt động này phải độc lập, khách quan, trung thực, có cơ sở khoa học và thực tiễn, có tính chuyên môn cao... Hướng dẫn 819 đã đưa ra 4 loại đề án tư vấn, phản biện và giám định xã hội như: Đề án cần thiết mà Liên hiệp Hội và Hội thành viên phải có trách nhiệm phản biện; Đề án do các cơ quan Đảng, chính quyền giao; Đề án do Liên hiệp Hội và Hội thành viên đề xuất và Đề án do các cơ quan, tổ chức đặt hàng để Liên hiệp Hội và Hội thành viên thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Về hình thức và mức độ Tư vấn phản biện, giám định xã hội: Hướng dẫn 819 đưa ra 5 hình thức và 4 mức độ. Hình thức tập trung giới thiệu chuyên gia tham gia; tổ chức hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến; tổ chức nghiên cứu dưới dạng đề tài, đề án; tổ chức diễn đàn khoa học và công nghệ dưới dạng định kỳ hay chuyên đề và trực tiếp tham gia trong quá trình tổ chức thực hiện đề án, dự án. Về mức độ tập trung vào việc cung cấp chia sẻ thông tin; cho ý kiến nhận xét, đánh giá, phản biện; cho kết luận giám định xã hội hoặc tham mưu đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước những cơ chế chính sách, giải pháp phục vụ nhiệm vụ phát triển địa phương.
Về cơ chế tài chính: Hướng dẫn 819 nêu rõ các nguyên tắc xác định chi phí; cách thức lập dự toán kinh phí hàng năm và lập dự toán kinh phí cho một hoạt động Tư vấn phản biện, giám định xã hội. Có 3 nguyên tắc xác định chi phí là nguyên tắc phù hợp với chế độ chi tiêu và định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành; phải thuận lợi cho hệ thống Liên hiệp Hội và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, sử dụng và quyết toán đặc biệt đối với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước; đảm bảo trang trải đủ các chi phí.
Về lập dự toán hàng năm gồm các khoản chi phí thực hiện nhiệm vụ (nghiên cứu, hội thảo, thuê chuyên gia, thu thập thông tin, in ấn tài liệu và các hoạt động khác…) và chi phí quản lý hoặc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất có khả năng xảy ra trong năm mà chưa xác định nội dung cụ thể. Về lập dự toán kinh phí cho một hoạt động cụ thể bao gồm (thù lao chuyên gia theo thuê khoán hoặc công nghiên cứu; chi phí hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát; chi phí ăn ở, đi lại tại hiện trường; chi phí liên lạc, in ấn, thuê máy móc, thiết bị; chi phí hội thảo, tọa đàm, quản lý phí…).
Về trình tự tổ chức thực hiện: Trong quá trình tổ chức thực hiện, tùy từng trường hợp cụ thể để linh hoạt vận dụng theo hình thức và phương pháp phù hợp nhằm đạt yêu cầu đặt ra.
Đối với các chương trình, đề án mang tính bắt buộc hoặc do cơ quan Đảng, chính quyền giao thì cần phải làm rõ phạm vi, nội dung, thời hạn, kết quả đạt được, nghiên cứu xác định các loại kiến thức kỹ năng cần có trên cơ sở đó huy động và lựa chọn nhóm chuyên gia phù hợp, sau đó lập kế hoạch, phân công, tổ chức hội thảo, tọa đàm, tổng hợp kết quả, kiến nghị đề xuất,theo dõi tổ chức thực hiện, cuối cùng gửi kết quả đến cơ quan yêu cầu.
Đối với trường hợp Liên hiệp Hội và các Hội thành viên chủ động đề xuất thì trước hết cần thu thập thông tin liên quan đến nhiệm vụ, xác định vấn đề, nội dung và phạm vi nhiệm vụ và các công việc cần thiết phải Tư vấn phản biện, giám định xã hội; sau đó lập đề xuất nhiệm vụ Tư vấn phản biện, giám định xã hội gửi đến cơ quan tổ chức hữu quan. Khi nhiệm vụ được ký kết, thì quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được tiến hành theo trình tự quy trình.
Đối với trường hợp cơ quan giao cho đích danh các nhân hoặc một nhóm chuyên gia thì cá nhân hoặc nhóm tự chịu trách nhiệm về nội dung cũng như kết quả hoạt động của mình, không nhân danh và phản ánh ý kiến của Liên hiệp Hội và Hội thành viên.
Đối với các chương trình, đề án do cá nhân, tổ chức đặt hàng thì thực hiện trên cơ sở hợp đồng theo quy định của pháp luật. Các trường hợp khác thì Liên hiệp Hội và các Hội thành viên có thể chủ động thực hiện tư vấn phản biện, giám định xã hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Về sự phối hợp giữa Liên hiệp hội Việt Nam và các Hội thành viên: Hướng dẫn 819 nêu rõ trách nhiệm của Liên hiệp Hội Việt Nam là biên soạn, phổ biến tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực, định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn phản biện, giám định xã hội. Các hội thành viên có nhiệm vụ báo cáo định kỳ (6 tháng, 1 năm) với Liên hiệp Hội Việt Nam; khi cần thiết hỗ trợ phải có văn bản đề nghị cụ thể; sẵn sàng lựa chọn, giới thiệu chuyên gia, cung cấp thông tin khi Liên hiệp Hội Việt Nam yêu cầu.
Thu Hằng (Nguồn: Bản tin Trí thức số 24)