Banner chính
Thứ Sáu, 29/03/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Kết quả 10 năm hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng xã Ninh Mỹ

Thứ Hai, 21/05/2012
Ngày 12 tháng 5 năm 2012, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Ninh Mỹ tổ chức tổng kết 10 năm hoạt động. Đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy Hoa Lư, đồng chí Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, các đồng chí Thường trực HKH Huyện, lãnh đạo các phòng, ban, của tỉnh và huyện; lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh và huyện đã đến dự lễ tổng kết. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm hoạt động hiệu quả của Trung tâm học tập cộng đồng trong 10 năm qua.

Trước hết về tổ chức, TTHTCĐ đã hình thành được đội ngũ những người có năng lực, nhiệt tình với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, vô tư cống hiến cho sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương. Hiện nay Trung tâm có 22 người, trong đó có 01 Giám đốc do Chủ tịch xã đảm nhiệm, 02 Phó Giám đốc là Chủ tịch Hội Khuyến học và Hiệu trưởng trường THCS.

Để tổ chức hoạt động có hiệu quả, Trung tâm hình thành 04 tổ bộ môn:
-Tổ Thời sự chính sách, do Chủ tịch Hội Cựu chiến binh làm tổ trưởng.
-Tổ Khoa học kỹ thuật, do Chủ nhiệm HTX Phong Hòa làm tổ trưởng.
-Tổ Văn hóa, Văn nghệ, Thể dục, Thể thao, vệ sinh môi trường do đồng chí Trưởng ban Văn hóa xã làm tổ trưởng.
-Tổ Giáo dục, ngoại ngữ, tin học do 01 đồng chí giáo viên hưu trí làm tổ trưởng.
Từ công tác tổ chức chặt chẽ, sự chỉ đạo sát sao nên qua 10 năm TTTHTCĐ đã đạt được những kết quả rất lớn, góp phần vào sự phát triển kinh tế -xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Về cơ sở vật chất, TTHTCĐ đã tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền phát huy tối đa sức mạnh của toàn xã hội phục vụ cho hoạt động của Trung tâm. Từ điểm xuất phát bằng không, nay Trung tâm đã có trụ sở để chỉ đạo hoạt động. Hiện nay, Trung tâm đã sở hữu 03 phòng học có đủ bàn ghế, có hội trường và sân vận động. Trung tâm được trang bị 01 bảng đen, 01 đầu Vi đê ô, 40 bộ quần áo Thái cực quyền. Thư viện của Trung tâm có 300 đầu sách. Kinh phí cấp cho Trung tâm mỗi năm là 10 triệu đồng, không kể kinh phí hỗ trợ của các ban, ngành, sự tài trợ của các “Mạnh Thường quân” nhiệt tình với sự nghiệp Khuyến học, khuyến tài (KHKT). Lớp nhạc, vi tính được tổ chức tại nhà ông Phạm Quyết Thắng ở thôn Tây Đình, có 5 đàn Pi a nô, 16 đàn Oóc gan, 7 cây Vi ô lông, 1 Vi ô lông xen, 4 Ghi ta, 1 Ca mê ra, 20 máy Vi tính. Lớp học tiếng Anh có máy nghe, có đĩa để học sinh luyện phát âm.

10 năm qua Trung tâm hoạt động rất hiệu quả với 02 loại hình hoạt động khá phù hợp với tình hình và nhu cầu của địa phương.

Loại hình định kỳ: là loại hình tổ chức hoạt động theo lịch trình hàng tháng của các Câu lạc bộ của đoàn thể, các tổ chức chính trị và chính trị- xã hội, tổ chức đọc sách ở Thư viện, hoạt động của các câu lạc bộ các gia đình hiếu học. Tổng cộng toàn xã có 52 nhóm với 423 hội viên các câu lạc bộ hoạt động tại TTHTCĐ. Nội dung hoạt động của các câu lạc bộ là thông tin thời sự chính sách, chuyên đề sức khỏe cho người cao tuổi; trao đổi phương pháp giáo dục các cháu, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, trao đổi về một cuốn sách vừa đọc, động viên nhau xây dựng nếp sống vệ sinh, môi trường cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, tư vấn cho nhau cách làm giàu, xóa đói giảm nghèo…Tổ ông Phạm Văn Tài ở thôn Thạch Tác với 06 gia đình tham gia có 11 người con tốt nghiệp đại học, 02 thạc sỹ và 01 tiến sỹ là tấm gương điển hình để bà con trong xã noi theo.

Loại hình không định kỳ: là việc mở các lớp học theo nhu cầu của cuộc sống: Cần gì học nấy, học để phục vụ nhu cầu lao động sản xuất. Bên cạnh đó loại hình này còn có việc tổ chức sinh hoạt các chuyên đề, tham gia các đề tài khoa học…Trong 10 năm qua, loại hình này đã tổ chức được 107 lớp cho 23.830 lượt người dự học. Các lớp học tập trung  vào các nội dung phổ biến cách diệt chuột, nuôi dê cao sản, kỹ thuật trồng lúa cao sản, trồng lúa giống, chuyển giao kỹ thuật trồng bí xanh, IBM, nuôi gà thả vườn, trồng rau sạch, kỹ thuật dùng phân bón NPK Việt Nhật, dùng phân vi sinh, kỹ thuật trồng rau màu. Trung tâm còn liên kết với các trường đại học, cao đẳng chuyển giao công nghệ, hướng dẫn thụ tinh nhân tạo cho lơn, nuôi giun quế; mở lớp vi tính giúp nhân dân phương pháp khai thác Internet, hướng dẫn giáo viên dùng phần mềm Powerpoint để soạn và giảng bài trên lớp …

Bên cạnh các lớp có nội dung, thời lượng dài, Trung tâm còn tổ chức sinh hoạt  được 109 chuyên đề cho 26.762 người tham dự. Các chuyên đề tập trung vào đề tài: thời sự chính sách, sinh hoạt tư tưởng, nói chuyện sức khỏe và đời sống, về kinh tế-xã hội, về văn hóa-văn nghệ, thể dục- thể thao. Cụ thể, các diễn giả phổ biến tình hình trong nước, quốc tế, Luật đất đai, Luật bầu cử và nhiệm vụ của cử tri đi bầu cử. Về sức khỏe đời sống, các chuyên gia nói về Gia đình và dinh dưỡng trẻ thơ. Nhiều buổi Trung tâm tổ chức kể chuyện tấm gương Bác Hồ, tấm lòng hiếu đễ của Bác, học tập đạo đức qua thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn thanh niên chủ trì sinh hoạt chuyên đề “Mãi mãi tuổi hai mươi”, noi gương Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Đình Thạc. Sôi động nhất là những cuộc giao lưu 3 thế hệ. Cụ Phạm Văn nghị kể cho thế hệ trẻ nghe về xã Ninh mỹ những ngày kháng chiến chống Pháp. Cụ Phạm Văn Nhĩ kể chuyện Điện Biên, tấm gương chiến đấu anh dũng của bộ đội Cụ Hồ. Cụ Nguyễn Văn Thân kể chuyện Bộ đội về làng và tình quân dân cá nước…Từ đó thế hệ trẻ phát biểu cảm tưởng và trách nhiệm của mình đối với công lao của thế hệ cha ông, cùng hứa quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp với tinh thần “Lớp cha trước, lớp con sau, Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).

Từ những hoạt động của TTHTCĐ, trong 10 năm qua, đời sống tinh thần và vật chất của Ninh Mỹ đã có nhiều đổi mới. Trong thôn, ngoài xã luôn ngân vang lời ca tiếng đàn. Trên cánh đồng, lúa tốt, người vui, thu nhập của các gia đình ngày một tăng. Năm 2000 Ninh Mỹ có 276 hộ nghèo, chiếm 15% dân số trong xã, nay chỉ còn 136 hộ, chiếm 5,61% dân số. Thu nhập của xã so với trước đây tăng 4 tỷ 886 triệu đồng. Các cháu thanh thiếu niên hăng say học tập, luyện rèn để lập thân, lập nghiệp. Lớp nhạc đã tạo cơ sở cho 118 cháu có trình độ, năng khiếu thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội, Cao đẳng nghệ thuật quân đội, Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương, Cao đẳng Nhạc Họa Trung ương…Các cụ cao tuổi thực sự thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa. Có cụ trước đây luôn đau yếu, nay trở nên khỏe mạnh, vui vẻ trong sinh hoạt cộng đồng, nêu gương trước con cháu. Cụ Phạm Văn Hiên ở Phong Hòa đã 70 tuổi vẫn tham gia và đạt kết quả tốt trong khóa học tin học đạt chứng chỉ B. Các tai tệ nạn vì thế đã bị đẩy lùi, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị được giữ vững.

Từ Hội nghị tổng kết, các đại biểu đã nhất trí rút ra bài học kinh nghiệm cho sự thành công trong hoạt động của TTHTCĐ.
-Trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trực tiếp và toàn diện của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt.
-Bám sát sự chỉ đạo của Hội Khuyến học tỉnh, tranh thủ sự phối hợp, tham gia có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể trong xã, HTX và các thôn, xóm…
-Tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, năng lực chuyên môn của các thành viên trong Ban Quản lý, Ban Giám đốc của Trung tâm.

Từ những thành tích đã đạt được, TTHTCĐ Ninh Mỹ đã hạ quyết tâm trong thời gian tới phấn đấu thực hiện “Vi tính hóa, ngoại ngữ hóa và mỗi người một nghề” nhằm góp phần thúc đẩy quê hương phát triển giàu mạnh, văn minh.

Đỗ Văn Chuyến, Chánh Văn phòng, Hội Khuyến học tỉnh
 

Các tin khác