Ngày 26/6/2017, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã chủ trì, tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện nội dung “Đề án về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của Đề án 10/ĐA-UBND ngày 18/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình: Đào tạo nghề tỉnh Ninh Bình đến năm 2020” do Sở Lao động thương binh và xã hội chủ trì soạn thảo. Tham dự hội thảo có các Chuyên gia tư vấn, phản biện đến từ viện khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH; Viện Nghiên cứu và đào tạo về quản lý Trung ương; một số Chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nghề của tỉnh và đại diện một số Sở, ban ngành đoàn thể của tỉnh Ninh Bình: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - TB&XH, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Liên đoàn lao động tỉnh, Tỉnh đoàn...
Sau khi nghiên cứu đề án, Liên hiệp hội Ninh Bình (Thường trực Hội đồng phản biện) đã chuẩn bị báo cáo đề xuất các nhiệm vụ tư vấn phản biện với những thông tin có hàm lượng khoa học cao.
Theo ý kiến đánh giá của Hội đồng phản biện: “Đề án về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của Đề án 10/ĐA-UBND ngày 18/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình: Đào tạo nghề tỉnh Ninh Bình đến năm 2020” đã xây dựng trên các cơ sở pháp lý cần thiết. Nội dung của Đề án sửa đổi về cơ bản đã làm sáng tỏ các nội dung sửa đổi, bổ sung và phần bãi bỏ. Kết cấu Đề án trình bày tương đối hợp lý. Ngôn ngữ, thể thức và kỹ thuật trình bày của Dự thảo Nghị quyết và Dự thảo Đề án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Đề án sửa đổi vẫn còn sơ sài, các nội dung sửa đổi, bổ sung chưa cụ thể chi tiết và còn thiếu. Tính hợp lý, thống nhất của Đề án giữa những nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và những nội dung không sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ (giữ nguyên) chưa cao.
Kết thúc hội thảo, Hội đồng phản biện đã đề nghị Sở Lao động thương binh và xã hội - cơ quan chủ quản, chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản đề án theo các nội dung tư vấn của Hội đồng như: Bổ sung căn cứ pháp lý xây dựng đề án, bổ sung việc sửa đổi các cụm từ trong dự thảo đề án, ngoài 04 nội dung bãi bỏ của Khoản 2 Mục III của đề án dự thảo, đề nghị bãi bỏ thêm một số nội dung như: Bãi bỏ Khoản 2 Mục II phần thứ nhất về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã, bãi bỏ ý thứ 3 khoản 1 mục I, phần thứ hai: “đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã… nghiệp vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội” và bỏ phần phân tích về đào tạo sơ cấp nghề (từ 1 tháng đến dưới 1 năm) và nơi đào tạo ở thứ tự biểu số 3 thuộc điểm a khoản 2 mục I phần thứ hai; vì theo quy định tại khoản 1 điều 10 Quyết định số 46/ 2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng thuộc thẩm quyền UBND tỉnh, vì vậy phạm vi này không thuộc nội dung Đề án 10. Bổ sung đối tượng “lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động thuộc 55 xã có tính chất đặc thù theo Quyết định số 140 của Ban Thường vụ tỉnh ủy” vào cuối tiết a điểm 1, khoản 1 mục IV phần thứ hai (đoạn 3) cho phù hợp với sửa đổi, bổ sung về đối tượng và “chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp” tại điểm b khoản 1 mục III dự thảo Đề án.
Những ý kiến phản biện của Hội đồng phản biện đối với đề án nhìn từ nhiều phía sẽ là nội dung tư vấn giúp cho đơn vị chủ trì soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện bản đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo tính khả thi.
Bích Đào