Tại đây, Các chuyên gia, nhà khoa học trong tỉnh Bắc Giang và các tỉnh bạn đã phát biểu nhiều những ý kiến tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM), để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức cũng như thực hiện xây dựng nông thôn mới, mỗi địa phương phải xây dựng được những cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp, thiết thực đối với đội ngũ trí thức trong tỉnh Bắc Giang và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, vai trò của nhà khoa học phải được đặt trong mối quan hệ của nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đạt được những giải pháp cụ thể đó cần khai thác và huy động các nguồn lực, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực có kiến thức, sức khỏe, có trách nhiệm cho công cuộc XDNTM; xây dựng mô hình điểm về sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nông sản; tham gia giám sát, phản biện các chương trình, đề án quy hoạch, tăng cường sâu sát thực tế, nghiên cứu tìm tòi hướng đi, giải pháp để thực hiện từng nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra.
Đến hết năm 2014, tỉnh Bắc Giang sẽ có khoảng 15 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặt mục tiêu trong giai đoạn 2011 -2015 sẽ có khoảng 20% số xã, tức là khoảng 40 xã nông thôn mới và đạt 50% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nên cần có sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị mà trong đó không thể thiếu vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh.
Tiếp thu các ý kiến tại hội thảo, đồng chí Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Liên hiệp hội tỉnh tổng hợp đầy đủ, báo cáo UBND tỉnh nghiên cứu và có hướng chỉ đạo, Đồng chí mong muốn đội ngũ trí thức trong tỉnh, các nhà khoa học tiếp tục sâu sát thực tiễn, đem trí tuệ, tâm huyết, các công trình, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hỗ trợ tích cực nông dân Bắc Giang phát triển sản xuất, khai thác lợi thế, tiềm năng nhân lực, đất đai, vị trí địa lý, phù hợp, nhằm thực hiện tốt chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Đinh Liên