Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Máy trợ thở Metran: sản phẩm trị Covid-19 của một người Việt Nam ở Nhật

Thứ Bảy, 25/04/2020
Người Việt Nam phát minh ra máy thở
Máy trợ thở là thiết bị y tế chuyên dụng, có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị một số căn bệnh về đường hô hấp, nhất là chứng bệnh ngưng thở khi ngủ phổ biến hiện nay.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, những chiếc máy thở hay máy trợ thở đang trở thành món hàng hiếm được săn tìm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng ít ai biết được rằng, từ những năm 1980, đã có một người Việt Nam sáng chế ra được những chiếc máy thở có chất lượng tốt vào loại hàng đầu thế giới.

Ông Trần Ngọc Phúc - người đã sáng chế ra những chiếc máy thở mang thương hiệu Metran

Tác giả của những chiếc máy thở này là nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc, một Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Sinh năm 1947 tại Huế, ông Phúc được gia đình cho sang Nhật du học từ năm 1968 và tốt nghiệp kỹ sư Đại học Tokai ở Kanagawa.

Năm 1982, ông phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Hummingbird đã vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức. Đây là chiếc máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh tốt nhất thời điểm đó.

Ông Trần Ngọc Phúc sau đó đã sáng lập ra Metran, một công ty chuyên về các thiết bị y tế, đặc biệt là các loại máy thở. Sản phẩm của Metran hiện phổ biến tại hầu khắp các bệnh viện ở Nhật và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Những chiếc máy thở mang thương hiệu Metran

Vào năm 1985, số lượng các bé siêu sinh non với trọng lượng chỉ 500 gram tại Nhật tăng đột biến. Tỷ lệ tử vong của những trường hợp này lên tới gần 90%, nguyên nhân là bởi các bé bị suy hô hấp do phổi chưa phát triển đầy đủ.

Nếu dùng máy thở cho người lớn, các bộ phận trong cơ thể trẻ sẽ phồng lên, trong khi phổi lại không được cấp không khí. Đây là bài toán hóc búa mà cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, chưa một ai tại Nhật có thể giải được. Thế nhưng, ông Trần Ngọc Phúc, khi đó là một du học sinh Việt Nam ở Nhật đã giải được bài toán này.

Ông Phúc trong phóng sự được phát sóng trên một kênh truyền hình Nhật Bản

Từ những kiến thức chuyên môn về phổi được thu nhận bởi các bác sĩ hàng đầu trên thế giới, ông Phúc quyết định phát triển một mẫu máy thở để giúp các em bé sơ sinh có thể được ở tần số cao với số lần là 900 nhịp/phút. Trong khi đó với những máy thở thông thường, con số này chỉ là từ 15-20 nhịp.

Sau hàng chục lần thất bại, ông Phúc đã thành công trong việc tạo ra các máy thở cao tần HFO Hummingbird dùng cho trẻ sơ sinh. Không khí sẽ được đưa vào phổi một cách từ từ dựa trên các xung động của chiếc máy thở. Nhờ vào phát minh máy thở của ông Phúc, tỷ lệ các bé sinh non tại Nhật được cứu sống thuộc hàng cao nhất trên thế giới.

Sau nhiều lần cải tiến, ông Trần Ngọc Phúc và các cộng sự đã biến chiếc máy cồng kềnh ban đầu thành những thế hệ máy nhỏ gọn hơn, công năng lớn hơn, dễ sử dụng hơn với phần mềm điều khiển ngày càng thông minh hỗ trợ việc điều trị.

Đến nay, nhiều thế hệ máy thở của Metran đã được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cứu sống hàng chục nghìn em bé sinh non mỗi năm.

Ông Phúc tại buổi kỷ niệm 74 năm ngày quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ông Phúc cũng là chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản

Các dòng máy thở của Metra hiện đang có trên thị trường là Humming Vue, R100 và Composβ-EV. Trong đó, Humming Vue là dạng Máy thở Piston HFO/IMV dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Piston cũng là điểm cốt lõi trong công nghệ cao tần HFO của Metran.

Công nghệ của Metran cho phép kiểm soát chính xác chuyển động của piston lên đến 13 micron. Người dùng có thể điều chỉnh stroke volume (thể tích nhịp thở) với độ tăng giảm chỉ 0,2 mL. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng khi điều trị cho trẻ sơ sinh cực nhỏ.

Với dòng sản phẩm máy thở R100, những chiếc máy của Metran giờ đây có thể sử dụng cho cả người lớn. Trong khi đó, Composβ-EV là mẫu máy được phát triển để dùng cho động vật.

Một mẫu máy thở mang thương hiệu Metran của ông Trần Ngọc Phúc. Ông Phúc sẽ giúp Việt Nam sớm sản xuất những chiếc máy thở để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Mới đây, ông Trần Ngọc Phúc vừa tuyên bố sẽ giúp Việt Nam sản xuất 2.000 máy thở với giá thấp nhất để phục vụ công tác điều trị dịch Covid-19. Sản phẩm được lựa chọn để triển khai tại Việt Nam là một mẫu máy thở đơn giản với giá thành thấp, dễ sử dụng, có thể dùng cho cả trẻ em và người lớn tuổi.

Theo ông Trần Ngọc Phúc - nhà sáng chế ra những chiếc máy thở Metran, trong khoảng 1-1,5 tháng tới, ông và các nhà hảo tâm sẽ cố gắng giúp Việt Nam có được khoảng 2.000 chiếc máy thở.

Trong giai đoạn tiếp theo, công ty Metran của ông Trần Ngọc Phúc sẽ cố gắng sản xuất khoảng 10.000-15.000 máy thở. Những chiếc máy này sẽ được chuyển giao cho Việt Nam với giá bán thấp nhất để sớm đưa vào các cơ sở y tế phục vụ công tác điều trị dịch bệnh Covid-19.

Có hai loại máy thở là máy thở xâm nhập và máy thở không xâm nhập.

Máy thở không xâm nhập CPAP bản chất nó là cái quạt tạo ra một dòng khí có áp lực dương để hỗ trợ động tác hít vào của bệnh nhân đỡ tốn sức. Tuy vậy áp lực dương này sẽ cản trở động tác thở ra. Nó đơn giản nên loại máy thở này khá rẻ tiền.
Máy thở không xâm nhập BiPAP hiện đại hơn, nó cảm nhận được thì hít vào của bệnh nhân để nâng áp lực hỗ trợ lên cao và cảm nhận thì thở ra của bệnh nhân để hạ áp lực xuống thấp để bệnh nhân thở ra không bị cản trở.

Máy thở xâm nhập là những máy được thiết kế để thở cho những bệnh nhân nặng, phải thở qua ống nội khí quản. Khi đó máy sẽ kiểm soát hoạt động hô hấp của bệnh nhân. Do phải đáp ứng với nhiều yêu cầu hô hấp ở bệnh nhân nặng nên máy sẽ có nhiều phương thức thở khác nhau. Thậm chí, đa năng thở cả xâm nhập hay không xâm nhập.

Các máy thở đắt rẻ khác nhau phụ thuộc vào độ tinh vi của phần mềm điều khiển, độ nhanh nhạy chính xác bộ vi xử lý và sensor, độ bền và thương hiệu cùng các option kèm theo.

Để phục vụ một bệnh nhân thở máy rất vất vả, tốn kém, một bệnh nhân thở máy kéo theo rất nhiều người phục vụ. Bác sĩ luôn phải đứng cạnh giường bệnh để điểu chỉnh các thông số, chỉ định các xét nghiệm để đánh giá các chỉ số trong máu bệnh nhân. Điều dưỡng thì theo dõi các chỉ số của máy và bệnh nhân, thay đổi tư thế bệnh nhân theo giờ để tránh loét, thực hiện y lệnh thuốc, hút đờm, vỗ rung, tắm rửa, vệ sinh răng miệng, bơm ăn và dọn dẹp chất thải cho người bệnh.

Thu Hoài (St)

Các tin khác