Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch Ninh Bình hiện nay

Thứ Tư, 15/10/2014
  Từ lâu trên thế giới, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế phát triển và là một nhu cầu không thể thiếu, một hiện tượng phổ biến trong đời sống xã hội. Ngày nay, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá, lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ khu vực. Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, hình thành các khu du lịch trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác liên kết với các nước”.
 

Ninh Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng cách Thủ đô Hà Nội không xa, có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Có thể nói, ít có địa phương nào trên cả nước lại tập trung nhiều nguồn tài nguyên du lịch có giá trị như Ninh Bình.

Trong những năm qua du lịch Ninh Bình đã và đang phát triển đúng hướng. Cơ cấu kinh tế đang dịch chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch theo định hướng phát triển du lịch bền vững. Ngay sau khi tái lập tỉnh, năm 1995 Ninh Bình đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam - Tổng Cục Du lịch lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010. Năm 2007 tỉnh lại tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015. Năm 2009 Tỉnh Uỷ ban hành Nghị quyết 15 và UBND tỉnh đã ra Kế hoạch 07 tổ chức thực hiện phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, du lịch Ninh Bình được quy hoạch thành 7 khu chính:

- Khu du lịch trung tâm thành phố Ninh Bình;

- Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động - Tràng An - Bái Đính;

- Khu Du lịch vườn quốc gia Cúc Phương - Kỳ Phú - hồ Đồng Chương;

- Khu du lịch suối khoáng Kênh Gà - động Vân Trình - khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - chùa Địch Lộng - động Hoa Lư;

- Khu du lịch thị xã Tam Điệp - phòng tuyến Tam Điệp Biện Sơn;

- Khu du lịch nhà thờ đá Phát Diệm và vùng ven biển Kim Sơn;

- Khu du lịch Yên Thắng - Đồng Thái.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành chức năng phối hợp với các cơ quan Trung ương xây dựng và hoàn thiện quy hoạch chi tiết các khu du lịch lớn của tỉnh như: Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Vân Long, Kênh Gà, Vân Trình, hồ Đồng Chương, cố đô Hoa Lư.

Du lịch phát triển đã giải quyết được việc làm cho hàng vạn lao động của địa phương; thu nhập từ các hoạt động du lịch mang lại đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo của dân cư các vùng có các điểm du lịch được khai thác. Mặt khác, phát triển du lịch còn góp phần nâng cao đời sống văn hoá của người dân, tạo điều kiện để người dân khôi phục và giữ gìn các lễ hội truyền thống..., góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển du lịch bền vững. “Trong 3 tháng đầu năm 2014, khách quốc tế đến Ninh Bình liên tục tăng do hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, sức hấp dẫn của điểm đến “an toàn, thân thiện”. Kết quả trong quý I, toàn ngành đón 2.281.071 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế 161.578 lượt, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2013; khách nội địa 2.119.493 lượt, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2013. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 436 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện nay du lịch Ninh Bình vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém như: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch còn nhiều bất cập; Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư có năng lực cao, các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và quốc tế; Công tác tuyên truyền và quảng bá du lịch còn hạn chế, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh và nhân viên phục vụ kinh doanh du lịch còn thiếu và phần lớn chưa được đào tạo có hệ thống, trình độ, năng lực chuyên môn còn hạn chế. Hoạt động du lịch phần lớn còn khai thác tự nhiên, chưa tạo ra được những sản phẩm mới độc đáo để thu hút khách du lịch…

Để hạn chế những yếu kém, nâng cao chất lượng, hiệu quả, khai thác tối ưu tiềm năng của ngành du lịch của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chúng ta cần quan tâm tới một số giải pháp chủ yếu là:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch đầu tư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững. Hoàn thành quy hoạch các khu du lịch trọng điểm như: Tràng An - Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Vân Long, Kênh Gà - Vân Trình, cố đô Hoa Lư, thung Nắng, động Thiên Hà, Hang Bụt, Cúc Phương - Kỳ Phú - hồ Đồng Chương, hồ Yên Thắng - Đồng Thái, khu dự trữ sinh quyển ven biển Kim Sơn.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế chính sách huy động các nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch. Chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở hạ tầng đường giao thông, cấp nước, bưu chính viễn thông phục vụ tốt cho du lịch; tăng cường công tác quản lý kinh doanh tại các khu du lịch; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các đoàn xe du lịch và phục vụ dịch vụ vận chuyển khách; đầu tư xây dựng và phát triển mô hình du lịch làng quê, du lịch dã ngoại hay phục hồi các làng nghề truyền thống như: chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân, thêu ren Ninh Hải, mỹ nghệ cói Kim Sơn... nhằm tôn vinh các làng nghề truyền thống của địa phương, tạo sự giao lưu và gây ấn tượng về đất nước, con người Ninh Bình với du khách;    

Thứ ba, tăng cường công tác xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch Ninh Bình. Trên cơ sở phân tích thị trường trong nước và dự báo xu hướng khách đến từ các nước thông qua công tác dự báo của ngành để có chính sách thích ứng và một chiến lược quảng bá phù hợp với từng thị trường, phát huy lợi thế cạnh tranh của Ninh Bình để có các giải pháp khả thi, tránh lãng phí và tốn kém trong công tác xúc tiến.

Thứ tư, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch.

Nâng cao nhận thức và giáo dục ý thức cộng đồng cho nhân dân, đặc biệt là cư dân trực tiếp tham gia các hoạt động liên quan đến du lịch trong các khu du lịch trọng điểm tại huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và Thành phố Ninh Bình...về văn hoá giao tiếp tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách, gìn giữ môi trường sinh thái khu du lịch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang thông tin điện tử của địa phương và Trung ương; Xuất bản Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ấn phẩm quảng bá du lịch giới thiệu về du lịch Ninh Bình; Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình tại thị trường du lịch trong và ngoài nước...

Hiện nay hoạt động du lịch ở nước ta nói chung, ở Ninh Bình nói riêng đang được phát triển một cách mạnh mẽ, đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng với hiệu quả kinh tế cao, được gọi là “ngành xuất khẩu vô hình”, ngành “công nghiệp không khói”, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho địa phương, đất nước, góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, để thúc đẩy ngành du lịch Ninh Bình ngày càng phát triển hơn nữa chúng ta cần quan tâm đến một số giải pháp chủ yếu nói trên.

TS. Phan Thị Hồng Duyên; ThS. Lê Thị Ngọc Thùy (Trường Đại học Hoa Lư - Ninh Bình)


 

Các tin khác