
Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường
Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình
Anh là ai?
Anh là Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình, một doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng trong nước về sản xuất các mặt hàng cơ khí, với những thiết bị nâng hạ sánh ngang hàng ngoại nhập. Hiện Xí nghiệp anh đã nghiên cứu và sản xuất thành công các thiết bị nâng hạ từ 5 - 1.200 tấn như: cầu trục, cổng trục, cần cầu tháp, cẩu chân đế, cẩu container… dùng trong các ngành công nghiệp, xây dựng, thuỷ điện, đóng tầu, hoạt động trong các nhà xưởng, cảng biển… Từ một doanh nghiệp cơ khí được thành lập từ năm 1992, với vài chục lao động, thiết bị chắp vá, giờ đây, với sự dẫn dắt, chèo lái của người giám đốc tài năng Nguyễn Tăng Cường, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã vượt qua mọi chông gai, thử thách để trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước với gần 2.000 cán bộ công nhân. Trong đó, 26% là trình độ đại học và kỹ sư; 36% là công nhân bậc cao; còn lại là thợ từ bậc 3/7 trở lên. Hằng năm, Xí nghiệp cung cấp hàng nghìn tấn thiết bị và hàng trăm chiếc cẩu các loại cho các ngành công nghiệp trong cả nước như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Ximăng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tâp đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam luôn phải nhập khẩu những thiết bị này với giá cao, việc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung sản xuất thành công các thiết bị nâng hạ đã được ghi nhận và đánh giá cao. Hiệp hội các doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam đã khẳng định: Sản phẩm của doanh nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình xứng đáng là mốc son của ngành Cơ khí Việt Nam.
Hẳn nhiều người trong ngành vẫn còn nhớ một câu chuyện hi hữu đã từng xảy ra, đó là chuyện anh Cường đem sản phẩm “cần cẩu” đi tham dự Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam vào năm 2005, đã bị Hội đồng gạt hồ sơ dự thi vì không ai tin Cơ khí Quang Trung làm được mâm xoay cẩu. Thông thường, để chế tạo mâm xoay này tối thiểu phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng anh Cường khẳng định, chỉ cần 10 tỷ đồng. Trong số những người thuộc Hội đồng xét Giải thưởng năm đó, có một viện trưởng đã ra tuyên bố đại ý, nếu anh Cường làm được mâm xoay có đường kính 5 - 6m thì tất cả các viện nghiên cứu trong ngành sẽ giải tán và bản thân cũng sẽ trả lại bằng cho Nhà nước. Và thực tế anh Cường đã chứng minh, khoa học đã đứng về phía anh. Anh tâm sự : Căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị và thực tế của đất nước, thay vì làm bằng vành răng, anh đã chuyển vành tựa mâm xoay bằng công nghệ răng chốt. Xét về mặt khoa học, gia công sẽ đơn giản hơn và chi phí thấp hơn nhưng chất lượng lại tốt hơn do răng chốt được đưa vào lò nhiệt luyện và kiểm soát được chất lượng, khi bảo dưỡng hoặc sửa chữa bất thường thì có thể thay được. Ngược lại vành răng được thiết kế theo truyền thống nếu như hỏng 1 răng là vứt bỏ hoàn toàn cả vành răng lớn.
Trở lại câu chuyện anh mang sản phẩm đi dự thi bị Hội đồng gạt hồ sơ tham dự, sau khoảng vài tháng, trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam phát bộ phim tài liệu “Hoa của Thép” nói về những gian nan và thành công của anh nhận được giải Vàng liên hoan phim tài liệu toàn quốc thì Quỹ Vifotech và Hội đồng xét giải mới “giật mình” xét lại. Theo đó, 16 giáo sư, kỹ sư cơ khí đầu ngành đã tìm đến đến Cơ khí Quang Trung Ninh Bình để thị sát thực tế. Tới lúc ấy, người ta vẫn không tin một doanh nghiệp tư nhân với một ông giám đốc ngoại đạo về cơ khí lại có thể làm được điều mà các viện nghiên cứu, các DN nhà nước lâu nay vẫn bó tay. Ngay tại xưởng sản xuất, hàng trăm thắc mắc của Hội đồng Vifotech đã được trả lời mà không cần trợ giúp của các kỹ sư trong công ty, từ vấn đề về dự ứng lực, gia tốc hành trình cho tới luyện kim, điều khiển bằng tần số… Cuộc viếng thăm trở thành buổi kiểm tra trình độ chuyên môn ông giám đốc và cũng từ đó, Cơ khí Quang Trung thoát tiếng “mua hàng của người để gắn mác tên mình”.
Được biết năm 1992, anh thành lập Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình, trong muôn vàn khó khăn, mặt bằng chật hẹp, vốn vay đầu tư sản xuất còn hạn chế, công nghệ tụt hậu hàng trăm năm so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm cũng rất khó, bởi khách hàng có thói quen chuộng hàng ngoại, không tin dùng sản phẩm có xuất xứ trong nước vì chất lượng không đảm bảo. Vậy thì cần phải giải quyết bài toán chất lượng, sẽ lấy lại lòng tin, anh Cường tự nhủ. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đơn vị anh đã tiến hành nghiên cứu khảo sát thị trường và nhận thấy, các ngành sản xuất công nghiệp nặng trong nước như: xi măng, điện, đóng tầu, phân bón, dầu khí… đều đang cần và thiếu các linh kiện, phụ tùng, các thiết bị nâng hạ phục vụ cho sản xuất, chạy trong nhà xưởng. Anh đã chỉ đạo Xí nghiệp tập trung vào sản xuất các sản phẩm cơ khí mà Việt Nam đang rất cần và thiếu. Và trong suốt gần 30 năm qua, vừa nghiên cứu, vừa chế tạo, vừa khẳng định chất lượng sản phẩm của mình với khách hàng bằng nhiều phương pháp khác nhau như: chịu trách nhiệm vật chất với khách hàng về sản phẩm, kể cả trách nhiệm trước pháp luật. Thậm chí, để khách hàng “tâm phục khẩu phục”, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung sẵn sàng cho lắp đặt sản phẩm sử dụng trước để đối chứng với hàng ngoại về chất lượng, khách hàng ưng ý sẽ bàn đến chuyện thanh toán.
Chung nhịp với chiến lược ngành Cơ khí Việt Nam
Qua những năm tháng kiên trì khẳng định chất lượng, sản phẩm của anh đã làm thay đổi nhận thức và thói quen chuộng hàng ngoại của khách hàng trong nước. Từ một tổ hợp sản xuất gia công các dụng cụ cơ khí nhỏ, đơn giản, đến năm 1996, Xí nghiệp của anh đã tung ra thị trường các loại cẩu trục 5 tấn, 10 tấn, 20 tấn. Năm 2001, lần đầu tiên, Xí nghiệp anh chế tạo thành công cẩu trục chân đế 80 tấn, đến nay, sau 10 năm, một loạt sản phẩm cẩu đã ra đời: cẩu chân đế từ 80 tấn đến 180 tấn; cẩu trục từ 30 tấn đến 700 tấn với khẩu độ dài “khủng” – 180m; cẩu trục lần lượt từ 50 tấn đến 320 tấn, 560 tấn (nhân đôi là 1.120 tấn), phục vụ các công trình trọng điểm của Quốc gia như: Thủy điện Sơn La, Sê San; các nhà máy đóng tàu khác...
Ít ai biết được rằng, để có được sự thành công vượt bậc như ngày nay, những năm 1990-1995, anh Nguyễn Tăng Cường đã bỏ ra toàn bộ tiền bạc có được để mua các cần cẩu, cẩu trục cũ hỏng từ các doanh nghiệp bán phế liệu, rồi về “mổ” ra tìm tòi, nghiên cứu. Chính những điều tưởng cho là nhỏ nhặt ấy đã đưa anh và doanh nghiệp của anh đi hết thành công ở sản phẩm này đến các sản phẩm khác. Và rồi gần 20 năm sau, anh lại cho ra đời những sản phẩm thiết bị đem lại giá trị để đời đã được Nhà nước ghi nhận. Cụ thể là với công trình Thuỷ điện Sơn La, anh đã chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất một chủng loại cẩu trục chân què (2 trong 1) - 350 tấn áp dụng riêng cho công trình. Kết quả là ngày 20/8/2010, rotor có trọng lượng 1.200 tấn (do đơn vị anh sản xuất) được lắp đặt thành công, góp phần đưa công trình Thủy điện Sơn La phát điện tổ máy đầu tiên sớm hơn 2 năm so với kế hoạch, làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỷ đồng do phát điện sớm.
Ông Bùi Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Ninh Bình tặng hoa chúc mùng Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ
Với những đóng góp quan trọng như vậy, Nhà nước và các bộ ngành đã bắt đầu quan tâm tới Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình. Năm 2006, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ kinh phí 4 tỷ đồng cho Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung trong việc nghiên cứu thiết kế loại cẩu 300 tấn và 450 tấn. Đồng thời, phối hợp cùng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu chế tạo cổng trục 450 tấn và 2 cẩu chân đế có sức nâng 180 tấn, giúp đơn vị này hoàn thành 25 con tàu trọng tải 50.000 – 53.000 tấn để xuất sang Vương quốc Anh. Cùng với đó, năm 2005, Xí nghiệp đã được vay tới 279 tỷ đồng từ vốn ưu đãi Nhà nước trên tổng số 6.200 tỷ đồng để đầu tư vào Trung tâm Công nghệ cao tại Uông Bí (Quảng Ninh) với dây chuyền công nghệ, các hệ điều khiển và lập trình gia công mới nhất của thế giới. Với chất lượng cao cả về sản phẩm lẫn dịch vụ hậu mãi, Cơ khí Quang Trung Ninh Bình đã đột phá thành công vào thị trường cung ứng thiết bị nâng hạ, trở thành đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp đóng tàu, thi công công trình thủy điện khắp cả nước... Giờ đây, Cơ khí Quang Trung Ninh Bình đã trở thành doanh nghiệp duy nhất chế tạo được cẩu sức nâng ở Việt Nam. Ghi nhận những nỗ lực trong chế tạo thành công các thiết bị cẩu của Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình, Bộ Công Thương đã công nhận đơn vị anh là một đơn vị sản xuất các thiết bị nâng hạ uy tín trong nước. Không chỉ thể hiện trình độ của mình, việc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chủ động phát hiện thị trường, sản xuất sản phẩm mới nhằm thay thế hàng nhập khẩu là phù hợp với chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình đã làm chủ được công nghệ và chế tạo được khoảng 7 trong số 13 chủng loại cần cẩu bao gồm: cẩu trục, cổng trục, cẩu chân đế, cẩu tháp... Việc chế tạo thành công các thiết bị nâng hạ không chỉ tìm được hướng đi mới cho doanh nghiệp mà còn mở ra một trang mới cho ngành Cơ khí Việt Nam, tiết kiệm được nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước do không phải nhập khẩu.
Triết lý về sử dụng nhân tài
Anh luôn tự nhủ rằng, có được ngày hôm nay là do anh biết sử dụng nhân tài. Sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật với kinh nghiệm truyền thống làng nghề, sự tỷ mỷ, kỹ lưỡng của người già có kinh nghiệm với tính năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ... Và điều quan trọng nữa, anh tiết lộ “đó là sự trọng dụng, tôn trọng ý kiến của tất cả mọi người, bởi đó là những đóng góp xây dựng, tạo cho họ một môi trường thoải mái, có điều kiện để phát huy khả năng, năng lực của mình. Đặc biệt, họ được trả thù lao xứng đáng với những gì họ đã tạo ra...”. Đối với đội ngũ lao động trình độ cao, kỹ sư, thợ bậc cao và công nhân lành nghề ở xa, Xí nghiệp đã cấp nhà cho họ, có chế độ khen thưởng xứng đáng cho những ai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với CBCNV có hoàn cảnh khó khăn, Xí nghiệp đã tạo điều kiện cho vay tiền không lãi suất để đảm bảo cuộc sống và yên tâm sản xuất. CBCNV Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình còn được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ, tham quan, nghỉ dưỡng, ốm đau, lễ tết khác. Anh Cường cho rằng, chính sách ưu đãi đặc biệt sẽ thu hút nhân tài và khuyến khích người lao động cống hiến nhiều hơn những gì họ có. Hiên nay, lương bình quân công nhân của doanh nghiệp anh đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm doanh nghiệp anh đã chi thưởng hàng trăm xe máy, ti vi, tủ lạnh… cho CBCNV hoàn thành xuất sắc công việc, đặc biệt hơn là hàng năm anh còn đề ra mức thưởng cả ô tô cho những sáng kiến khoa học làm lợi cho đơn vị sản xuất.
Anh và doanh nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình xứng danh dành những giải thưởng danh giá: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Giải thưởng Vàng chất lượng Việt Nam; Giải Bạch Thái Bưởi; Giải Sáng tạo KHCN; Giải Cicotech cùng nhiều Huân chương hạng Nhất, Nhì, Ba cho doanh nghiệp và cá nhân anh… Đặc biệt, vào những ngày đầu xuân năm con Rồng - 2012, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Tăng Cường vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình “Ứng dụng 5 giải pháp KHCN chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam”.
Anh thật xứng đáng là người Anh hùng của Ninh Bình, mảnh đất sinh Thánh, sinh Vua đã đi vào huyền thoại!
VT theo Tạp chí Công nghiệp