Về xây dựng tổ chức Hội và phát triển hội viên:
Cuối năm 2009 toàn tỉnh có 1.422 chi hội, 1.331 dòng họ Khuyến học, với 175.076 hội viên, bằng 19,4% dân số trong tỉnh. Năm 2015 đã có 3.502 chi hội, với 268.230 hội viên, chiếm 28,9% dân số của Tỉnh. Các tổ chức chi hội thôn, xóm, cơ quan, trường học, Ban khuyến học dòng họ ngày càng tăng và hoạt động tốt. Hoạt động Khuyến học ngày càng đi vào những nội dung thiết thực, phong trào phát triển bền vững.
Kết quả phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị khuyến học:
Năm 2010 có 168.713 gia đình hiếu học. Năm 2015 có 196.780 gia đình đăng ký xây dựng Gia đình hiếu học; số gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình hiếu học là 142.570 gia đình, chiếm 72,5%; số dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ hiếu học: 2.896 dòng họ; số dòng họ được công nhận dòng họ hiếu học là: 1.510 dòng họ, đạt 65,4%; số cộng đồng đăng ký Cộng đồng khuyến học là: 2.092; số được công nhận là 1.350, đạt 64%. Từ năm 2009 đến nay có 10 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ hiếu học” tiêu biểu; 01 đơn vị là xã Ninh Mỹ đã được Quỹ Nhân tài đất Việt của Hội Khuyến học Việt Nam tặng Giải thưởng Khuyến học. Phong trào khuyến học khuyến tài góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”. Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Giáo Hội Phật giáo tỉnh tổ chức lễ “Khai bút Khuyến học” đầu năm đang đi vào nền nếp, có hiệu quả thiết thực, đã trở thành nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng.
Tăng cường quản lý và đẩy mạnh hoạt động Trung tâm học tập cộng đồng:
Ninh Bình có 145/145 xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập Cộng đồng, đi vào hoạt động có nền nếp. Trung bình mỗi năm trên 200.000 người, chiếm hơn 20% dân số của tỉnh theo học các lớp, các chuyên đề ở các Trung tâm học tập cộng đồng (Năm 2015 có 283.000 người tới lớp). Nội dung các chuyên đề học tập là chuyển giao kỹ thuật, cung cấp tri thức về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thông tin thời sự chính sách, bổ túc văn hóa, sinh hoạt văn hóa thể thao, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng sống, tin học ứng dụng…
Xây dựng quỹ Khuyến học, khuyến tài:
Phong trào gây quỹ khuyến học, khuyến tài ở các huyện đang phát triển bền vững. Trước đây, các huyện, thành phố đã có chủ trương lập Quỹ Khuyến học mang tên các danh nhân địa phương, nhưng số dư còn khiêm tốn. Từ năm 2012 việc vận động xây dựng Quỹ có chuyển biến tích cực; Năm 2012 Huyện uỷ, UBND huyện Yên Khánh đã chỉ đạo ra mắt Quỹ khuyến học, khuyến tài Vũ Duy Thanh, số dư hiện nay gần 1,7 tỷ; Đầu năm 2013, Hội đồng hương Yên Mô ở Hà Nội đã ra mắt Quỹ khuyến học WTO, số dư ban đầu hơn 300 triệu đồng, nay đã lên gần 500 triệu đồng. Đến cuối năm 2015, tổng số dư quỹ dành cho khuyến học, khuyến tài các cấp trong tỉnh đạt gần 62 tỷ đồng. Bình quân toàn tỉnh đạt trên 67 nghìn đồng/người/năm.
Công tác khuyến khích và hỗ trợ phát triển Giáo dục – Đào tạo:
Nguồn lợi quỹ Khuyến học, khuyến tài đến với các đối tượng xã hội ngày một tăng và phát huy tác dụng. Từ năm 2011 đến cuối năm 2015, Hội đã tặng hàng trăm Bảng vàng khuyến học cho tập thể và cá nhân có đóng góp xây dựng quỹ khuyến học và nhiều Giấy khen cho những học sinh có thành tích và tiền thưởng cho học sinh và giáo viên có thành tích; trao học bổng cho hơn 20 vạn lượt học sinh nghèo vượt khó, con các đối tượng chính sách học tập và tu dưỡng tốt đạt trên 20 tỷ đồng. Đối tượng khuyến khích, khen thưởng và hỗ trợ đã được mở rộng ra các lĩnh vực văn hóa -thể thao, văn học nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, sáng chế công nghệ… Phong trào khuyến học, khuyến tài, động viên các cháu vươn lên trong học tập và tu dưỡng, đã thành nền nếp.
Thực hiện Quyết định 89/QĐ-TTg triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của Chính phủ, Hội Khuyến học tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND triển khai “Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg, ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng ở tỉnh đến năm 2020”. Theo nhiệm vụ được giao, Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng các mô hình thí điểm ở 8 huyện, thành phố, 16 xã, phường, 358 gia đình, 19 dòng họ, 17 cộng đồng và 20 đơn vị về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời. Mô hình đã được tổ chức tổng kết ngày 29/5/2015. Đây là những cơ sở quan trọng để Hội triển khai nhiệm vụ có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Công tác tuyên truyền và thi đua- khen thưởng:
Công tác tuyên truyền nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng được quan tâm và có hiệu quả. Đội ngũ cộng tác viên ngày càng đông, nhiệt tình với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, luôn gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp “Trồng Người”. Mỗi năm đội ngũ cộng tác viên và Thường trực Hội biên soạn và xuất bản 02 số Bản tin khuyến học Ninh Bình làm tài liệu chỉ đạo chuyên môn và tuyên truyền, cổ vũ phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có hiệu quả. Ngoài ra, các huyện, thành, thị, xã, phường còn có các câu lạc bộ thơ ca khuyến học.
Từ năm 2009 đến hết 2015, các tập thể và cá nhân làm công tác Khuyến học Ninh Bình đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 02 Huân chương lao động Hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 02 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng 19 cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể, 01 Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh cho cá nhân; UBTWMTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng 252 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và rất nhiều Giấy khen của các cấp Hội, của lãnh đạo địa phương trong tỉnh. Hơn 600 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Hội Khuyến học Việt Nam. Hội Khuyến học Ninh Bình đang là một trong những “lá cờ đầu” của phong trào Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong cả nước.
Đỗ Văn Chuyến (Hội Khuyến học tỉnh)