Banner chính
Thứ Sáu, 29/03/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Những điểm mới của Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Thứ Tư, 26/03/2014
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp hội) là một trong  những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp hội.  Nhiệm vụ này đã được xác định rõ trong Điều lệ của Liên hiệp hội, trong Chỉ thị số 45/CT-TƯ ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị và mới đây nhất, tại Chỉ thị số 42 - CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã khẳng định “Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đã có những đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Thực hiện chủ trương đó, ngày 14/2/2014, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 5/4/2014. Và cũng kể từ ngày 5/4/2014, Quyết định số 14 thay thế Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Có thể nói, Quyết định số 14 là sự thay đổi về nhận thức, tạo sự đột phá phù hợp với thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quyết định số 14, có một số điểm mới như như sau:
1.  Đối tượng áp dụng:
Quyết định mới mở rộng hơn phạm vi đối tượng áp dụng  không những bao gồm Liên hiệp hội Việt Nam, các Hội Khoa học và Kỹ thuật chuyên ngành toàn quốc, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà còn bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định số 14 quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam đối với các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về chính sách xây dựng phát triển đội ngũ trí thức. Tại Điều 3, có quy định cụ thể những loại đề án cần lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Trong khi đó tại Quyết định số 22, không có quy định cụ thể về loại đề án cần có tư vấn, phản biện và giám định xã hội mà chỉ quy định đối tượng tư vấn, phản biện và giám định xã hội là các chính sách, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ và môi trường (gọi chung là đề án) có tính chất phức tạp, ưu tiên trọng điểm hoặc đa ngành, do các cơ quan xây dựng, thực hiện hoặc trình cấp trên phê duyệt. Do đó gây khó khăn khi triển khai thực hiện.
3. Làm rõ khái niệm về tư vấn, phản biện và giám định
Quyết định số 22, quy định rõ khái niệm “giám định xã hội” là hoạt động theo dõi việc thực hiện đề án, đưa ra các ý kiến phân tích đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án. Việc định nghĩa như thế gây khó khăn trong việc vận dụng, bởi lẽ vấn đề sẽ được hiểu là từ xã hội chỉ gắn với khái niệm giám định.
Tại quyết định số 14, khái niệm tư vấn, phản biện và giám định được quy định cụ thể hơn, tạo sự thống nhất trong cách hiểu, sử dụng. Khái niệm “giám định” ở đây được hiểu là không đi cùng với cụm từ “xã hội”, theo đó giám định  là hoạt động xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên là hoạt động mang tính xã hội (gọi chung là tư vấn, phản biện và giám định xã hội), độc lập khách quan, không vì mục đích lợi nhuận.
4. Phương thức thực hiện:
Quyết định số 22 quy định có 02 phương thức thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam, đó là: do cơ quan đặt yêu cầu đối với đề án thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình hoặc đề án trình cấp trên phê duyệt; do Liên hiệp hội tự đề xuất đối với các đề án quan tâm, tổ chức thực hiện và đề xuất kiến nghị gửi tới các cơ quan có liên quan và các cấp có thẩm quyền xem xét. Quy định này không phát huy được quyền tự chủ, chủ động của Liên hiệp hội Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tại Điều 3, Quyết định số 14 đã khắc phục được những  hạn chế của Quyết định số 22. Điều 3 nêu rõ các loại đề án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên. Theo đó, Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên có 03 phương thức thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội đó là: các loại đề án quy định tại điểm a,b,c Khoản 1; các loại đề án do các cơ quan đặt hàng (Khoản 2); các loại đề án mà Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên đề xuất (Khoản 3).
5. Cơ chế tài chính.
Quyết định số 22 chỉ nêu nguyên tắc xác định kinh phí cho các hình thức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên là phi lợi nhuận. Quy định này chưa thật rõ ràng, gây khó khăn trong việc triển khai trong thực tế.
Quyết định mới xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án quy định tại Điều 3 là do ngân sách nhà nước bố trí hàng năm từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ. Ngoài ra Liên hiệp hội Việt Nam còn có trách nhiệm huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã thể chế hóa nội dung Chỉ thị số 42 - CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với những nội dung cụ thể, rõ ràng, Quyết định đã tạo ra căn cứ pháp lý hợp pháp, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam phù hợp với thời kỳ mới.

 Download tai day

Thu Hằng   

Các tin khác