NHỮNG KẾT QUẢ CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC TRONG TOÀN TỈNH, NĂM 2010
Năm 2010 là năm Hội Khuyến học các cấp thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc làn thứ XI, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh được đẩy mạnh một cách toàn diện, có hiệu quả.
Được sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng Kế hoạch, Hướng dẫn hội Khuyến học cấp huyện tổ chức Hội nghị biểu dương các gia đình hiếu học, dòng họ, cộng đồng khuyến học các cấp. Trên cơ sở đó, tỉnh Hội tổ chức thành công Hội nghị biểu dương cấp tỉnh, lần thứ III, kết hợp tổ chức kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam vào ngày 02/10/2010. Hội nghị biểu dương các gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học tiêu biểu, lần thứ III, có 100 đại biểu các gia đình hiếu học, 25 đại biểu của các dòng họ hiếu học và 25 đại biểu của các cộng đồng dân cư khuyến học tới dự và hơn 70 đại biểu ban, ngành, đoàn thể, đại biểu các huyện, thành, thị mời tham dự. Hội Khuyến học tỉnh đã tặng Trướng cho 8 Dòng họ khuyến học, tặng Giấy khen cho 27 gia đình và 7 cộng đồng. UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 8 cộng đồng, 8 dòng họ và 4 gia đình tiêu biểu, tổng số tiền trị giá hơn 10 triệu đồng. Tại hội nghị biểu dương GĐHH, dòng họ, cộng đồng khuyến học ở cấp huyện, cấp uỷ chính quyền và MTTQ đã tặng 35 bức trướng, 125 giấy khen cho các đơn vị và cá nhân tiêu biểu của phong trào. Hội nghị tổ chức trang trọng, được các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đánh giá cao; có tác dụng động viên các gia đình, dòng họ, và cộng đồng trong việc khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Hội nghị như một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, nhờ đó mà thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ở cơ sở góp phần phá triển kinh tế-xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
1- Về xây dựng tổ chức Hội, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ, cộng đồng khuyến học.
Hoạt động khuyến học năm 2010 có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực. Phong trào thi đua “Mùa xuân khuyến học”, “Tháng 8 khuyến học” đã đi vào nền nếp, thành một nếp sống văn hoá trong sinh hoạt cộng đồng. Các huyện, thành phố, thị xã đã tập trung củng cố, phát triển tổ chức Hội, vận động kết nạp thêm hội viên, mở rộng xây dựng các chi hội khuyến học thôn xóm, ban khuyến học của các dòng họ ở cơ sở. Đến tháng 12/2010, toàn tỉnh có 2746 chi hội Khuyến học cơ sở với 175.076 hội viên, tăng 111 chi hội và 5.910 hội viên so với cuối năm 2009. Toàn tỉnh có 62.535 hội viên được cấp thẻ. Có 1.494 dòng họ, 1.305 cộng đồng được công nhận dòng họ, cộng đồng khuyến học. Có 70.004 gia đình được công nhận Gia đình hiếu học, trong đó 10.090 gia đình được công nhận GĐHH cấp huyện, 2.858 GĐHH cấp tỉnh.
2- Về hoạt động xây dựng quỹ.
Trong năm, Hội Khuyến học tỉnh đã vận động xây dựng quỹ khuyến học từ nhiều nguồn, với nhiều hình thức, tổng số tiền thu được là 236 triệu đồng. Kịp thời tổ chức phát thưởng và trao học bổng, động viên các đối tượng học sinh, sinh viên, con các gia đình nghèo, gia đình chính sách vươn lên học tập và tu dưỡng thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt. Tổng số tiền thưởng và tặng học bổng cả năm là 172.197.000 đ (Một trăm bảy mươi hai triệu, một trăm chín bảy ngàn đồng).
Tất cả các đơn vị cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp, trường học đều có quỹ khuyến học, đơn vị nhiều có số dư lên đến 300 triệu đồng, đơn vị thấp cũng có số dư trên 100 triệu đồng. Theo báo cáo cuối năm của các đơn vị, năm 2010, hội Khuyến học các cấp từ huyện đến cơ sở, các dòng họ, gia đình đã huy động xây dựng quỹ được tổng số: 14.055.412.000đ (Mười bốn tỷ, không trăm năm lăm triệu, bốn trăm mười hai ngàn đồng), trong đó quỹ của các hội cấp huyện đạt 1.147.678.000đ.
Khối các cơ quan, đoàn thể năm 2010 đã gây quỹ Khuyến học được 5.321.500.000 đồng (Năm tỷ, ba trăm hai mốt triệu, năm trăm ngàn đồng).
Trong phong trào quyên góp xây dựng Quỹ Khuyến học, nổi lên tấm gương của các nhà hảo tâm có đóng góp đáng kể cho sự nghiệp “trồng người”. Đó là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Tài Anh, ủng hộ quỹ Khuyến học của xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, huyện Gia Viễn và cấp học bổng tại Đại hội cháu ngoan Bác Hồ tỉnh lần thứ 4 với số tiền hơn 140 triệu đồng. Ông Trần Đại Quang, thông qua công ty Phú Mỹ Hưng ủng hộ xã Quang Thiện 01 phòng máy tính trị giá 300.triệu đồng. Ông Dương Hồng Khanh, Việt kiều tại Anh ủng hộ quỹ Khuyến học xã Hùng Tiến 100 triệu đồng…và rất nhiều các nhà hảo tâm khác.
4- Hoạt động khuyến khích, hỗ trợ phát triển giáo dục.
Theo Điều lệ quỹ khuyến học, số kinh phí huy động được đã tập trung vào tặng thưởng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, quan tâm động viên con em các gia đình chính sách chăm ngoan, học giỏi; các thầy, cô giáo tâm huyết với nghề có thành tích cao trong giảng dạy và giáo dục. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2010, các hội khuyến học cấp xã và huyện đã trao học bổng cho hàng nghìn cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 1.212.396.000đ,; tặng thưởng cho các cháu có thành tích trong học tập, giáo viên dạy giỏi số tiền là 1.914.074.000đ. Khối các cơ quan, đoàn thể đã tổ chức tặng thưởng cho học sinh giỏi, có thành tích là 167.810.000 đồng, tặng học bổng cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng con gia đình chính sách số tiền là 240.400.000 đồng. Các cơ quan, đơn vị tổ chức cho các cháu học sinh con cán bộ, công chức, viên chức chăm ngoan, học giỏi đi nghỉ mát, đi tắm biển, tặng thưởng tiền và quà. Nhờ sự quan tâm của toàn xã hội mà các cháu thi đua, nỗ lực vươn lên chăm ngoan, học giỏi. Các bậc cha, mẹ thêm yên tâm công tác và lao động. Phong trào học tập và tự học để cập nhật tri thức trong các cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển.
Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, các Trung tâm học tập cộng đồng đã đi vào hoạt động có nền nếp. Năm 2010, các TTHTCĐ trong tỉnh tổ chức được 3663 buổi học với 143.987 học viên theo học. Riêng Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức các lớp học chuyên đề, tập huấn cán bộ, chuyển giao KHKT được 3.201 buổi học cho 116.400 hội viên theo học. Các hoạt động trên đã góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo cơ chế thị trường. Tại các khu đô thị mới, khi nhân dân không còn đất sản xuất, các TTHTCĐ đã tập trung vào việc dạy nghề, truyền nghề, giúp cho hàng ngàn lao động có việc làm. Bên cạnh đó, các TTHTCĐ còn giúp cho nhân dân nâng cao nhận thức, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng đời sống văn hoá, văn minh ở cộng đồng, khu dân cư.
5-Phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Trong đợt lũ lụt đầu tháng 10 năm 2010, các địa phương, các hội viên đã cùng MTTQ và các đoàn thể quyên góp tiền và nhiều hiện vật gửi tới đồng bào miền Trung. Về tiền mặt, đã quyên góp được 549.960.000 đồng. 19 bao và 10.280 bộ quần áo còn tốt (trong đó có 690 chiếc áo mới). Sách giáo khoa: 19.949 cuốn từ lớp 01 đến lớp 9. Cặp sách, ba lô: 418 cái. Vở viết: 8.043 cuốn. Đồ dùng học tập: 1.370 chiếc. Mỳ tôm 1300 gói, gạo 2000 kg. Ngay trong những ngày đang khắc phục hậu quả lũ lụt, Hội Khuyến học tỉnh đã trích 10 triệu đồng hỗ trợ các cháu ở Hương Khê, Hà Tĩnh và gửi thư chia sẻ, động viên các đồng nghiệp Hội Khuyến học Hà Tĩnh. Các Hội Khuyến học cấp huyện tham gia trực tiếp với tỉnh Hội, quyên góp, gửi về miền Trung tổng số tiền đạt 32.900.000đ. Gửi tặng Hội khuyến học tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, mỗi tỉnh 10 triệu đồng.
Phát huy những thành quả năm 2010, năm 2011 Hội Khuyến học các cấp triển khai những nhiệm chính sau:
Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội ĐCS Việt Nam lần thứ XI vào cuộc sống. Tiếp tục củng cố tổ chức Hội; tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng và Chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể lên kế hoạch xây dựng và triển khai các nhiệm vụ cho cả năm một cách thiết thực, hiệu quả, tạo không khí sôi nổi trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần phát triển kinh tế, củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là:
1. Đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích trăm năm trồng Người”. Hội Khuyến học các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp uỷ Đảng và chính quyền cùng cấp tiếp tục làm chuyển biến hơn nữa nhận thức về một XHHT trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó từng bước đưa mô hình XHHT từ cơ sở vào cuộc sống, thiết thực góp phần thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ chính trị, Chỉ thị 02 của Thủ tướng chính phủ.
2. Phối hợp với ngành GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh tổng kết việc thực hiện Quyết định 112/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về xây dựng XHHT giai đoạn 2005 - 2010, xây dựng đề án XHHT giai đoạn 2011 - 2015.
3. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội từ cơ sở, phát triển thêm hội viên mới, chú ý địa bàn khó khăn. Quan tâm cải tiến nội dung, phương pháp hoạt động nâng cao trách nhiệm của BCH Hội và hội viên để từng bước khẳng định vai trò, vị thế của một tổ chức xã hội có tính chất đặc thù. Tổ chức tập huấn cán bộ chủ chốt Hội cấp xã, phường, thị trấn.
4. Đẩy mạnh vận động xây dựng quỹ khuyến học dòng họ, quỹ khuyến học gia đình. Quan tâm học sinh diện chính sách, học sinh gia đình nghèo vượt khó trong học tập, sáng tạo các hình thức học bổng (học bổng 1 - 1, 1+ n…). Phấn đấu đạt bình quân quỹ khuyến học 15.000đ/người/năm.
5. Tiếp tục phát động phong trào thi đua “Mùa xuân khuyến học”, “Tháng 8 khuyến học”, gắn phong trào thi đua khuyến học với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, của MTTQ, của các ban, ngành, đoàn thể để hoạt động khuyến học thiết thực góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Lê Văn Toại
Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình