Bởi lẽ, NTM khi được xây dựng thành công phải có một nền nông nghiệp phát triển hiện đại; năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp phải đạt cao; môi trường sống phải được giữ gìn, chất thải phải được xử lý một cách khoa học và triệt để; các phương tiện thông tin truyền thông phải đến được với người dân… Đây cũng là mong muốn của người dân nông thôn.
Nói cách khác, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang có nhu cầu rất lớn và mong muốn các nhà khoa học mang KH&CN đến cho họ. Ngược lại, đây cũng là nơi để các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu triển khai việc ứng dụng KH & CN và thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng NTM mới. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng công tác này đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể và gắn với những yêu cầu đặt ra thì vẫn chưa thể phủ nhận một điều: việc chuyển giao và ứng dụng KH&CN trong xây dựng NTM (bao gồm trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn), thuận lợi còn ít mà khó khăn thì nhiều.
Mô hình trồng rau sạch áp dụng khoa học công nghệ
DẤU ẤN KH&CN TRONG NÔNG NGHIỆP
Trong khi động lực chính cho sự phát triển của nông nghiệp nước ta những năm qua là sự đổi mới trong cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, mà trụ cột của vấn đề này là phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, thì KH&CN cũng là một trong những động lực rất quan trọng cho quá trình phát triển đó. Nó giữ vai trò đặc biệt trong việc tạo nên những thành tựu của ngành nông nghiệp. Qua khảo sát cho thấy, KH&CN đã đóng góp ít nhất 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp trong những năm qua.
Thành quả rõ nét nhất của KH&CN đối với nông nghiệp là nhiều giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới đã được tạo ra, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất. Nhiều quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng trừ dịch hại cũng đã được nghiên cứu, hoàn thiện. Công nghệ sinh học cũng được đầu tư nghiên cứu và thu được những thành tựu rất đáng kể ở nước ta. Đã có những lĩnh vực KH&CN trong nông nghiệp ở nước ta đạt được những tiến bộ vượt bậc; chẳng hạn các nhà khoa học Việt Nam gần như đã tự chủ hoàn toàn về công tác tạo giống cây trồng (trừ một số giống ngô nhập ở nước ngoài); nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh tai xanh ở lợn, bệnh cúm gia cầm đã có quy trình công nghệ phòng trị; chúng ta cũng đã tự nghiên cứu sản xuất được nhiều loại vắc-xin trong chăn nuôi, trong đó có vắc-xin H5N1 (Công ty CP Thuốc thú y TW2- NAVETCO); công nghệ sản xuất cá tra của ta cũng vào loại hàng đầu thế giới (chúng ta đã tự sản xuất được cá tra giống sạch bệnh, quy trình nuôi công nghiệp đã cho năng suất vượt 500 tấn/ha)…Hiện năng suất lúa của nước ta đứng đầu khối ASEAN (trong đó cao gấp rưỡi Thái Lan), cà phê cũng có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su cũng đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), năng suất cá tra cao nhất thế giới...Chính vì năng lực KH&CN của nước ta trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng cao nên FAO và một số tổ chức của Liên hợp quốc đã thuê chuyên gia Việt Nam làm cho nhiều chương trình phát triển nông nghiệp của Liên hợp quốc. Đó là những thành tựu chúng ta có thể tự hào, dù rằng so với tiềm năng, vẫn còn chưa tương xứng.
NHỮNG HẠN CHẾ VÀ YÊU CẦU ĐỔI MỚI
Vấn đề đưa KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta đúng là còn có những hạn chế, tồn tại: Mặc dù có nhiều đổi mới, nhưng cơ chế quản lý KH&CN nói chung cũng như KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng, vẫn chưa thoát hẳn khỏi các cơ chế lạc hậu mang nặng tính hành chính, cho nên chưa tạo được động lực thực sự cho phát triển KH&CN trong nông nghiệp. Mặt khác, quy mô các tổ chức KH&CN phục vụ nông nghiệp mặc dù lớn, nhưng hoạt động lại kém hiệu quả, mang nặng tính hành chính; trong khi nguồn nhân lực trong các tổ chức KH&CN lại có xu hướng giảm cả về số lượng và đặc biệt là về chất lượng; hiện tượng “chảy máu chất xám” có xu hướng gia tăng trong vài năm gần đây. Đã vậy, kinh phí đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn còn quá thấp so với yêu cầu: hiện tại, nguồn lực đầu tư cho KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn chỉ đáp ứng khoảng 55 - 60% so với nhu cầu và việc đầu tư vẫn còn tình trạng dàn trải, thiếu hiệu quả, đã khó lại càng khó hơn.
Đối với nước ta, do xuất phát điểm của KH&CN nói chung và KH&CN trong nông nghiệp nói riêng, rất thấp nên trình độ KH&CN trong nông nghiệp của nước ta cũng thấp xa so với thế giới. Trong khi các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa trở thành phổ biến và hiệu quả thì kinh tế hộ với ruộng đất manh mún thực sự đang là lực cản cho quá trình đầu tư ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp gặp không ít khó khăn do đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nông dân nhỏ lẻ làm ăn manh mún, không có khả năng tài chính để chi trả cho các chương trình ứng dụng công nghệ mới.
Để khắc phục những hạn chế, tạo sự bứt phá trong việc phát triển KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trước hết cần thực hiện ngay những đổi mới căn bản về cơ chế hoạt động KH&CN theo tinh thần của Luật Khoa học và Công nghệ, cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành, nhất là về Cơ chế đặt hàng, Cơ chế quỹ, Cơ chế khoán, Cơ chế liên kết và Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cùng với đó, cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung vào việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về KH&CN đến năm 2020, như: Phát triển sản phẩm quốc gia; Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Đổi mới công nghệ quốc gia; và các Chương trình quốc gia như: Phát triển công nghệ cao; Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển nông thôn mới; Các Chương trình/đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường… Một vấn đề không kém quan trọng nữa là việc tăng cường phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành liên quan, nhất là giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện các giải pháp nêu trên.
Thực tế cho thấy, việc triển khai các chương trình ứng dụng KH&CN trong xây dựng NTM chỉ có thể đạt được hiệu quả và mang tính bền vững khi thực hiện thành công mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp. Trong đó, Nhà khoa học được coi là có vai trò then chốt. Tuy vậy, trong thực tiễn lại thiếu các chính sách hỗ trợ nhà khoa học, do vậy nhà khoa học khi tham gia đầu tư lại không được hưởng lợi nhiều trong mối liên kết đó, mà hầu như chỉ có nghĩa vụ phục vụ, hoạt động KH&CN trong nông nghiệp còn mang nặng tính công ích, bao cấp.
Vậy làm thế nào để thúc đẩy mối liên kết “4 nhà” quan trọng đó ? Trước hết cần phải nghiên cứu và xác định lại cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phải khuyến khích sản xuất tập trung quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích của tất cả các đối tượng tham gia. Có như vậy thì Nhà khoa học mới gắn được các hoạt động nghiên cứu của mình với sản xuất, với thị trường, gắn với Nhà nông, Nhà doanh nghiệp; đồng thời sự liên kết giữa Nhà nông và Nhà doanh nghiệp mới đảm bảo khả năng đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn và phát triển ổn định và từ đó sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn. Cùng với đó, hoạt động KH&CN trong mối liên kết này cũng phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với nông dân và hoạt động KH&CN cũng phải theo nguyên tắc thị trường, tức là nghiên cứu phải đáp ứng yêu cầu của sản xuất, song cũng phải đảm bảo bán được sản phẩm KH&CN để có khả năng tái đầu tư phát triển KH&CN.
Đình Tuyển