Banner chính
Thứ Sáu, 19/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng sản xuất hiệu quả, bền vững

Thứ Hai, 14/10/2013
  Thuật ngữ công nghệ cao (High Tech) hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới không chỉ trong ngành nông nghiệp mà còn ở các ngành khoa học công nghệ khác. Có nhiều định nghĩa khác nhau về công nghệ cao. Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí rằng thuật ngữ công nghệ cao dùng để chỉ một công nghệ (technology) hay một kỹ thuật (technique) hiện đại, tiên tiến được áp dụng vào quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giao đoạn nước ta đã hội nhập với nền kinh tế thế giới, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X năm 2006 khẳng định : Cố gắng đi ngay vào công nghiệp hiện đại đối với một số lĩnh vực then chốt… Chú trọng phát triển công nghệ cao để đột phá”. Chúng ta đặt mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp với GDP/ đầu người khoảng 3.000 USD. Phát triển khoa học và Công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao chính là chìa khoá giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu và thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Với quyết tâm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá, chúng ta đã xác định mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy nền nông nghiệp lên một tầm cao mới với nhiều đóng góp vào nền kinh tế. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành thiết lập một số khu nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện kinh tế và điều kiện nhân lực ở Việt Nam. Một số tỉnh và một số doanh nghiệp cũng đã thành lập các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và đã thu hút được một số kết quả ban đầu đáng khích lệ, nhờ đó sản xuất nông nghiệp ở nước ta phát triển khá nhanh, với các thành tựu trong các lĩnh vực chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác… tạo ra khối lượng sản phẩm, hàng hoá đáng kể góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quốc dân.

Sự xuất hiện của khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra môi trường thích hợp cho những sáng tạo khoa học và công nghệ. Thông qua đó đào tạo nhân lực cho ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời chuyển hoá tri thức thành sức sản xuất, thành ưu thế thị trường, tạo cơ hội việc làm và đem lại lợi ích cho đất nước. Phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá nông nghiệp, hình thành lớp công nhân nông nghiệp với tác phong công nghiệp, tay nghề cao, làm chủ được công nghệ mới.

Tại tỉnh Sơn La, Dự án xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2005. Dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Mộc Châu, với quy mô 200 ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến : 80 tỷ đồng. Đây là khu nông nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến, các loại hình công nghệ được áp dụng tại khu nông nghiệp công nghệ cao, như : Trồng rau bằng kỹ thuật thuỷ canh; Trồng một số loại rau hoa nhập ngoại và được canh tác trên đất có phủ màng nông nghiệp hoặc trên giá thể không đất; Công nghệ nuôi cấy mô cho rau, loa lyli, hoa lan; ứng dụng chất điều hoà sinh trưởng thực vật trong điều khiển cây trồng; ứng dụng công nghệ gene…

Khu nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến như : Rau an toàn; Hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp; Rau ăn lá; Bí; Dưa; cà chua… Ở đây các khu nhà kính, nhà lưới, thiết bị tưới phun, tưới nhỏ giọt, quạt gió hai chiều, trạm xử lý nước… được đầu tư đồng bộ, tự động hoá điều chỉnh trong nhiều khâu khác nhau như ánh sáng, nhiệt độ, chất dinh dưỡng, nước.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá như : Chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sữa; Công nghệ trồng chăm sóc chế biến chè theo công nghệ Đài Loan; Sản xuất rau, củ quả, hoa cao cấp (Hoa Lan, hoa lyli, hoa tuylip) theo công nghệ tiên tiến của Hà Lan cung cấp sản phẩm cho siêu thị tại các thành phố lớn như : Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Các công nghệ mới đã được ứng dụng phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản như: Tạo giống tốt; nhà kính; nhà lưới; vườn ươm; kho mát bảo quản; đóng gói rau, hoa trình độ cao… Với quy mô, phương thức và công cụ sản xuất, kỹ thuật đồng bộ đã giúp nâng cao năng suất, ổn định giá thành và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để khu nông nghiệp công nghệ cao phát huy được hiệu quả; ngoài yếu tố điều kiện tự nhiên ưu đãi còn đòi hỏi một số yếu tố cần và đủ, đó là :


Cần xây dựng và tổ chức thực hiện, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; Thực hiện liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Hình thành và phát triển các tổ chức (doanh nghiệp khoa học) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tập trung và đồng bộ; Khu thử nghiệm, thí nghiệm có liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã lựa chọn; Tỉnh cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khoa học đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất; Tăng cường hợp tác với các tỉnh, các viện nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ cao sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Để thúc đẩy xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thu hẹp khoảng cách so với các nước tiên tiến, đặc biệt là trong xu thế hội nhập hiện nay, việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết. Khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng vai trò làm “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng nhanh tới hiện đại hoá. Khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ đáp ứng mục tiêu dài hạn trong việc phát triển nông nghiệp của nước ta là xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá, tập trung, có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế và nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên kết hợp với áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến. Vì vậy, quy trình công nghệ cao phải đồng bộ trong suốt chuỗi cung ứng, cốt lõi của công nghệ cao là cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm đòi hỏi phải đáp ứng được ba yêu cầu : Kỹ thuật, chức năng và dịch vụ. Công nghệ cao chỉ phát huy tốt hiệu quả khi sản xuất mang tính công nghiệp vì vậy rất cần hình thành các trang trại tập trung, liên kết các nguồn lực để có quy mô về tài chính và điều kiện sản xuất lớn.

Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu để có được sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh cao. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả và bền vững cần xây dựng rõ lộ trình, quy mô 5 năm, 10 năm… cho từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể để có hướng đầu tư trọng điểm bền vững và điều quan trọng hơn là các nhà khoa học phải hướng dẫn cho bà con nông dân sản xuất theo quy trình để cho ra những sản phẩm sạch, giá thành hạ, có như vậy những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mới có thể có chỗ đứng trên thị trường.

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành khoa học và công nghệ hiện nay rất nặng nề và cần sớm tìm ra giải pháp phù hợp nhằm thay đổi tư duy của nông dân, giúp họ hiểu đây là hướng sản xuất hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao khẳng định vai trò đặc biệt của 4 nhà : Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đằng sau sự vững mạnh của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đều có bóng dáng của nghiên cứu khoa học mà nổi bật nhất là việc ứng dụng công nghệ cao. Cuộc cạnh tranh toàn cầu sẽ không còn chỗ đứng cho các doanh nghiệp không chịu đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Công nghệ cao trên thế giới phát triển nhanh mạnh là nhờ sự năng động, sáng tạo của nhiều doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chạy đua và ứng dụng công nghệ đặc biệt là công nghệ cao nếu muốn tồn tại và phát triển.
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả và bền vững cần xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng, bao gồm : Nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ; Xây dựng điểm mẫu mô hình trình diễn là nơi nghiên cứu mô hình, đào tào, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, trang trại và cho các hộ nông dân; Tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao./.

Phạm Anh: Theo nguồn Liên hiệp Hội Việt Nam
 

Các tin khác