
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “đặt hàng” Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam góp ý, tham gia vào dự thảo Cơ cấu Hệ thống Giáo dục quố gia và khung trình độ quốc gia mà Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành. Phó Thủ tướng khẳng định sẽ trực tiếp lắng nghe, tiếp thu, trao đổi ý kiến với Liên hiệp Hội và đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường trao đổi, phối hợp, lấy ý kiến với các Hội về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc
Đối với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT bàn thống nhất với Liên hiệp Hội Việt Nam nội dung và các điều kiện đảm bảo cần thiết để Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội Khoa học tham gia ngay từ quá trình xây dựng chương trình tổng thể.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc cải tiến cách lấy ý kiến, đặc biệt là các Hội Khoa học, các chuyên ngành tham gia phản biện thông qua cơ chế gắn kết hiệu quả để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo… tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Nhiều ý kiến chuyên gia thẳng thắn về giáo dục
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, GS.TSKH Đặng Vũ Minh khẳng định nhận thức rõ trách nhiệm và sẵn sàng tham gia góp ý, phản biện về các nội dung, đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT và Liên hiệp Hội cần có thêm nhiều hoạt động phối hợp hơn nữa trong thời gian tới.
Cũng tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học góp ý với Bộ GD&ĐT cần làm tốt hơn công tác tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, chuyên gia thông qua các cơ chế có tính chính thức, ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo điều kiện thực hiện chứ không chỉ lấy ý kiến rộng rãi trên mạng. Đặc biệt cần chú ý phản hồi, phân tích các ý kiến không được tiếp thu, tránh để người góp ý có “cảm tưởng” Bộ chưa thực sự trân trọng, cầu thị các ý kiến.
Theo ý kiến của Nhà Sử học Dương Trung Quốc, đổi mới giáo dục là đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia, và đông đảo người dân cũng như toàn xã hội. Vì vậy việc xây dựng chương trình, biên soạn Sách giáo khoa mới cần phải tuân thủ theo đúng quy trình trước, sau bài bản, có thứ tự ưu tiên và cần được tuyên truyền giải thích, chuẩn bị kỹ lưỡng… tránh tạo cảm giác theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng với các chuyên gia, nhà khoa học
Cũng đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam Nguyễn Đại Hưng, GS. Phan Huy Lê cho rằng Bộ GD&ĐT cần thể hiện dân chủ, cầu thị hơn nữa trong tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện từ nhà khoa học, chuyên gia, những người luôn muốn có nhiều dịp được trực tiếp trao đổi, tranh luận qua lại để đi tới đồng thuận.
GS. Nguyễn Minh Thuyết góp ý: “Vấn đề chủ yếu là cách làm, bên cạnh đó việc lấy ý kiến phải có cơ chế chính thức làm việc chuyên môn với các hội khoa học. Chúng ta cần những chuyên gia thực sự sâu sát để ngồi bàn vào nội dung của chương trình, Sách giáo khoa mới. Bên cạnh những nhà sư phạm cần có những nhà khoa học đầu ngành, có sự kết hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành”.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT cho biết, trước đây mỗi môn xây dựng chương trình riêng nên không tận dụng được kiến thức liên môn thì nay với việc xây dựng chương trình mới sẽ tận dụng được ưu thế này. Trong quá trình giảng dạy tổ hợp thì từng môn vẫn do từng giáo viên giảng dạy, còn phần chuyên đề chung sẽ sử dụng kiến thức liên môn, được phân công cụ thể cho mỗi giáo viên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, việc ban hành chương trình tổng thể, chương trình từng môn học thuộc thẩm quyền của Bộ nhưng Bộ sẽ luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và sẽ chỉ ban hành sau khi Thủ tướng đã ban hành Cơ cấu hệ thống và Khung trình độ quốc gia.
Trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng chương trình tổng thể chưa có sự tham gia chính thức của các Hội khoa học nhưng các Hội sẽ tham gia trực tiếp khi xây dựng chương trình môn học và tiếp đó là biên soạn sách giáo khoa.
Cúc Phương (Tổng hợp)