Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ Sáu, 04/10/2013
Ngày 27/9/2013, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo Góp ý kiến dự thảo các văn bản sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Tới dự có ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, ông Bùi Thế Đức – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo, cùng đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Dân vận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy viên Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch, lãnh đạo Hội ngành toàn quốc, Liên hiệp hội địa phương.
 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công tác trí thức của Đảng, khẳng định vai trò to lớn của trí thức Việt Nam trong thời đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Thực hiện sơ kết này, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tiến hành khảo sát nhiều nơi và đã có nhiều kết quả thật đáng khích lệ.

Tại Hội thảo, GS.Nguyễn Hữu Tăng – nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh có ý nghĩa quyết định sự phát triển tương lai của đất nước. Nhưng việc xây dựng Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết rất chậm chạp, từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành và địa phương, có nơi còn chưa xây dựng (chỉ có 5/19 bộ, ngành và 16/61 tỉnh, thành ủy có chương trình hành động). Điều đó thể hiện nhiều nơi chưa thấy tầm quan trọng của Nghị quyết này. Tôi đề nghị, cần chỉ đạo quán triệt lại Nghị quyết, các bộ, ngành, tỉnh, thành cần có chương trình, kế hoạch thực hiện và được cấp trên phê duyệt để có tính đồng bộ.
Ông Tăng cũng cho biết thêm, cần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh vào năm 2020 để phấn đấu thực hiện. Đề án 2 do Ban Cán sự Đảng Chính phủ thực hiện như vậy là quá chậm. Bản báo cáo cần nhấn mạnh để Bộ Chính trị biết.

Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng trong nghiên cứu, sáng tạo vẫn dậm chân tại chỗ. Chưa có văn bản quy định về vấn đề này, mặc dù đã được nêu ra từ lâu. Trong văn bản cần nhấn mạnh vấn đề này vì nó cản trở sự sáng tạo, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm chính trị trong khoa học xã hội.

Môi trường và điều kiện làm việc của đại bộ phận trí thức chưa được cải thiện. Họ còn phải lo cuộc sống hàng ngày nên chưa toàn tâm, toàn ý vào công việc chung. Cơ chế, chính sách bất cập và kéo dài chưa chịu thay đổi (cơ chế tài chính, cơ chế đãi ngộ, khuyến khích, tư vấn, phản biện…)

Trong báo cáo chưa đề cập tới những vấn đề tư tưởng của đội ngũ trí thức hiện nay. Khác với trước đây, trong trí thức hiện nay có nhiều luông suy nghĩ khác nhau về thời cuộc. Sự gắn bó giữa trí thức với Đảng có chiều hướng suy giảm. Cần có nghiên cứu, phân tích, nhất là về phái các cơ quan Đảng để có biện pháp khắc phục vì đây là một khâu quan trọng trong công tác quần chúng của Đảng.

Nhận thức ở nhiều cấp ủy Đảng (kể cả Trung ương) về vai trò của tổ chức hội trí thức trong đời sống xã hội, chưa đúng mức theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Vì vậy nhiều nơi chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hội hoạt động, thậm chí có nơi còn gây khó khăn. Điển hình là Nghị định 45 của Chính phủ cản trở hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, trái với Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị.

PGS.TS Nguyễn An Lương – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng, về thực hành dân chủ, phát huy tự do tư tưởng trong sáng tạo: đã đến lúc mạnh dạn để trí thức thực sự tự do tư tưởng trong nghiên cứu chưa? Sẽ có những suy nghĩ trái chiều với quan điểm lâu nay của Đảng, vậy có quy chụp, thành kiến, truy ép hay không? Tôi cho rằng, cần để tự do trong nghiên cứu thì mới tìm ra chân lý khoa học, giúp cho Đảng có những quyết sách đúng và trí thức càng tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó với Đảng hơn.

Vấn đề đãi ngộ, suy tôn trí thức có công, trí thức có tài năng thực sự vượt ra ngoài khuôn khổ ràng buộc hành chính. Đãi ngộ như Bộ trưởng hoặc hơn? Được như vậy sẽ là một biện pháp giải phóng sức sáng tạo đối với trí thức.

Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội của trí thức, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng cần được đối xử như các đoàn thể chính trị - xã hội. Điều này thể hiện quan điểm của Đảng về vai trò của liên minh công – nông – trí và hơn nữa đánh giá đúng mức về vai trò của trí thức trong thời kỳ mới thông qua các tổ chức của mình.

Tại Hội thảo các đại biểu cũng đã nhất trí và đóng góp nhiều ý kiến và đề nghị Bộ Chính trị xem xét để huy động sức mạnh của đội ngũ trí thức, đề nghị các cấp ủy giao các nhiệm vụ thường xuyên, cần tham mưu, tư vấn, phản biện cho cấp ủy. Cần xây dựng Liên hiệp Hội thành một tổ chức xã hội có trách nhiệm tham mưu cho Đảng.

Ngọc Anh: Theo nguồn Liên hiệp Hội Việt Nam
 

Các tin khác