Mặc dù chỉ kéo dài 86 năm (từ năm 968 đến năm 1054), trải qua 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý, nhưng trong quá trình tồn tại, bằng tổ chức quản lý và hoạt động cụ thể, Nhà nước Đại Cồ Việt đã phát triển về mọi mặt, giữ vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn về nội dung này qua cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang- Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo-ĐHQG Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
PV: Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời đã chấm dứt tình trạng phân tán, cát cứ kéo dài, cùng với đó, quốc gia dân tộc được thống nhất với cương vực lãnh thổ riêng. Thưa GS.TSKH Vũ Minh Giang, với những nhận thức khoa học mới, chúng ta nên hiểu như thế nào về sự kiện Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước và ý nghĩa sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Nhìn lại lịch sử thế kỷ X, có thể hiểu đó là sự kết tinh của cả một giai đoạn lịch sử dài đấu tranh giành lại độc lập sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Xưa nay chúng ta thường nói nhiều đến công lao thống nhất đất nước và đã có những công trình nghiên cứu sâu sắc về sự kiện này, nhưng nghiên cứu gần đây cho chúng ta một nhận thức mới: Giành lại độc lập là cả một quá trình lâu dài và có từng thang nấc. Vào đầu thế kỷ X, Khúc Thừa Dụ đã phải giả nhận chức Tiết độ Sứ của Nhà Đường để thực thi các chính sách gần gũi với xã hội Việt Nam, đó là quá trình ly khai hay ly tâm chính trị ở chính quyền phương Bắc, rồi sau đó đến Dương Đình Nghệ... Nhưng chính quyền phương Bắc dần nhận ra ý chí của người Việt là tách ra khỏi đế chế Trung Hoa thì mới có sự kiện năm 938, Ngô Quyền đã phải tổ chức cuộc kháng chiến để giành lại, thiết lập lại cách cai trị của phương Bắc. Sự kiện ấy hết sức lớn lao, ta có thể coi đó là một trận quyết chiến để khẳng định lại ý chí muốn giành lại độc lập của dân tộc. Nhưng với chiến thắng đó, chúng ta chưa có một quốc gia hoàn chỉnh. Nghĩa là các đơn vị tổ chức hành chính ở một vùng lãnh thổ mà trước đó hàng nghìn năm nhà nước Âu Lạc đã bị chia năm, sẻ bảy theo cách gọi của người Trung Hoa là chia làm quận, huyện, tức là từng bộ phận khác nhau trong một thực thể hành chính lớn hơn. Như vậy, Ngô Quyền mới thiết lập được chính quyền độc lập trên nền hành chính của người Trung Hoa.
Còn công lao của Đinh Bộ Lĩnh trong thời kỳ này là tạo ra được một thực thể thống nhất cho quốc gia, và đây chính là xu hướng cần phải có và phù hợp với nguyện vọng của tất cả mọi người dân, vì vậy nó nhanh chóng giành thắng lợi. Quá trình này không chỉ là những trận chiến, mà nhiều sứ quân đã tự nguyện theo về Đinh Bộ Lĩnh. Như vậy, chúng ta có thể coi sự nghiệp tạo ra cục diện thống nhất để làm nền tảng cho một quốc gia hoàn chỉnh, sau đó lần lượt tất cả những việc cần phải làm hết sức lớn lao để tái lập một quốc gia có thể đối sánh với triều Trung Hoa thì công lao ấy vô cùng to lớn thuộc về Đinh Bộ Lĩnh. Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời là tái lập quốc. Trước đó một thời gian rất dài, hơn 1000 năm, chúng ta đã có quốc gia. Quốc gia đầu tiên là nhà nước Văn Lang, thời các vua Hùng, rồi sau đó Lý Bí đã giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống lại ách đô hộ phương Bắc và lập ra nhà nước Vạn Xuân. Sự khác biệt thể hiện ở chỗ: Nhà nước Văn Lang là nhà nước sơ khai, nhà nước đầu tiên, còn nhà nước Vạn Xuân cũng chỉ thể hiện ý chí của một cuộc khởi nghĩa vừa mới giành được thắng lợi và chưa có nhiều thời gian và điều kiện để củng cố và phát triển một quốc gia, còn đến nhà nước Đại Cồ Việt của Đinh Tiên Hoàng có thể nói là tái lập quốc và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước và rất nhiều nội dung của một quốc gia hoàn chỉnh đã được hình thành từ thời kỳ này.
PV: Từ việc xưng đế của Đinh Tiên Hoàng ở thế kỷ thứ X mà tiếp sau đó, các vua Lý ở thế kỷ thứ XI; các vua Trần ở thế kỷ thứ XIII và các vua Lê ở thế kỷ XV đã xưng đế và khẳng định vị thế độc lập, không lệ thuộc vào chính quyền phương Bắc mà đại diện là Hoàng đế Trung Hoa. Điều đó khẳng định ý nghĩa,vai trò của triều Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc như thế nào thưa GS.TSKH Vũ Minh Giang?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Sự kiện thống nhất quốc gia được các sử gia phong kiến coi đó như một tiêu chí để đánh giá tính chính thống của một triều đại, vì vậy sự kiện năm 968 Đinh Bộ Lĩnh chấm dứt tình trạng cát cứ thập nhị sứ quân, xưng Hoàng đế, thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt, đó là sự kiện đã kiến tạo nên Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong quan niệm của chính trị Trung Hoa, Hoàng đế chỉ danh xưng dành cho người đứng đầu triều đình, vì vậy, các nước khác xung quanh không có quyền xưng Đế mà chỉ là Vương hoặc Bá. Ngô Quyền mặc dù đã có chiến thắng rất oanh liệt trên sông Bạch Đằng, nhưng cũng chưa bước qua được quan niệm khắt khe và đôi khi hết sức nghiêm ngặt ấy của triều đình Trung Hoa nên Ngô Quyền chỉ xưng là Vương - người đứng đầu một nước chịu thân phận thần phục đối với Hoàng đế Trung Hoa.
Chính vì vậy nên khi Đinh Tiên Hoàng xưng Đế không chỉ thể hiện ý chí độc lập của mình mà còn là sự tuyên bố hiên ngang về bình đẳng của nước Đại Cồ Việt với các triều đình ở Trung Hoa và các triều đình Việt Nam tiếp theo đã tiếp nối từ truyền thống này: hiên ngang khẳng định sự bình đẳng với các triều đình phong kiến Trung Quốc. Sau khi xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt được 2 năm, đến năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ không dùng niên hiệu của các hoàng đế Trung Hoa nữa, đặt niên hiệu mới là Thái Bình. Việc làm này đã thể hiện nền độc lập, sự hoàn chỉnh của một thể chế Nhà nước. Niên hiệu Thái Bình thể hiện một ý chí chính trị, sự khát vọng một nền thái bình thịnh trị của dân tộc. Niên hiệu này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phục dựng lại nền độc lập tự chủ quốc gia của người Việt.
PV: Nhà nước Đại Cồ Việt với tổ chức bộ máy, chính sách đối nội, đối ngoại đã mở ra một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước trong lịch sử dân tộc-thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ lâu dài với sự nối tiếp nhau của các nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Vậy tính chất “tập quyền” có ý nghĩa như thế nào ở thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt cũng như các giai đoạn lịch sử tiếp theo thưa GS.TSKH Vũ Minh Giang?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Nhà nước mạnh là yêu cầu khách quan của thể chế chính trị Việt Nam không chỉ ở thời Đinh. Trở lại lịch sử vài nghìn năm, chúng ta đã có một sự kiện cũng mang tính chất đặc biệt đó là lập quốc. Nếu như xét thuần túy về điều kiện kinh tế, về văn hóa xã hội, về trình độ phát triển, nhiều nhà khoa học cho rằng có lẽ chưa đạt tới mức độ cho sự ra đời của một nhà nước, nhưng cuối cùng chúng ta đã có nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều khẳng định rằng có những tác động khách quan để cho quá trình này diễn ra sớm hơn đó là yêu cầu phải có một tổ chức liên kết các làng xã để chống xâm lấn.
Chúng ta ở vào một vị trí địa chính trị rất đặc biệt, luôn luôn chịu tác động từ phía bên ngoài, do đó đứng lên cầm vũ khí để bảo tồn sự sống của mình, chống lại các thế lực xâm lấn ngoại bang có từ rất sớm. Đó là một đất nước mưa nhều, sông dày đặc, lũ lụt thường xuyên khiến cho cần phải có một sự hợp lực để chống thiên tai. Hai nhu cầu khách quan ấy nó đã thúc đẩy quá trình hình thành nhà nước sớm hơn bình thường. Nhà nước ấy phù hợp và đúng quy luật là phải có sự tập quyền vững mạnh và Đinh Tiên Hoàng - vị Hoàng đế đã xây dựng nên nhà nước Đại Cồ Việt đã nhận thức điều này một cách rất sâu sắc cho nên thiết chế trung ương tập quyền ở đây không chỉ là phù hợp với nhà Đinh, mà nó như là một sự khởi đầu, định hướng của các thể chế chính trị phong kiến sau đó.
PV: Vấn đề nghệ thuật quân sự trong công cuộc giữ nước thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt cũng được các sử gia nghiên cứu và đánh giá cao, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Về nghệ thuật quân sự thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt cũng đã được các sử gia phong kiến cũng như sau này nhận xét đánh giá và có những ý kiến bình luận. Thời đại Nhà Đinh và thế kỷ X, trong bối cảnh xã hội hết sức phức tạp: kẻ thù bên ngoài luôn luôn nhòm ngó vào bờ cõi và lăm le xâm lược, vì vậy nhà nước Đại Cồ Việt phải xây dựng một lực lượng vũ trang rất mạnh để bảo vệ nhà nước. Thời nhà Đinh, lực lượng quân đội làm nhiệm vụ trông coi, giữ gìn kinh thành, ngoài ra còn có đội tứ xương, chuyên canh gác ở các cổng thành. Đến năm 971, Lê Hoàn được cử giữ chức Thập đạo tướng quân. Năm 974, Đinh Tiên Hoàng đã quy định quân số trong các đạo, theo đó mỗi đạo có 10 quân, mỗi quân có 10 tốt, mỗi tốt có 10 lữ, mỗi lữ có 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người, tổng số khoảng 1 triệu quân. Sự kiện thể hiện nghệ thuật quân sự phải nói đến nữa đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 981.
Năm 980, Tống Thái Tổ cho quân xâm lược Đại Cồ Việt theo tuyến đường thủy vào sông Bạch Đằng, Lê Hoàn đã trực tiếp cầm quân chỉ huy trong trận chiến đó, ông đã cho quân lính đặt đại bản doanh ngay bên cạnh dòng sông. Trước sức mạnh của quân nhà Tống, Lê Hoàn đã dấu quân và theo như nghiên cứu và kết quả khai quật của các nhà khảo cổ học cho biết, trước đó Lê Hoàn đã áp dụng chiến thuật của Ngô Quyền (năm 938), đóng cọc xuống sông Bạch Đằng để ngăn cản sức tiến của quân nhà Tống và dấu đội quân vào trong cánh đồng Dinh (nay thuộc tỉnh Hải Dương), đây là địa bàn có vị trí rất hiểm yếu mà có thể vừa phòng ngự, vừa tiến công được. Lê Hoàn đã quyết định chiến lược phòng thủ tích cực. Trong khoảng thời gian 2 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4 năm 981) Lê Hoàn vừa luyện tập, vừa dấu quân. Đến tháng 4/981, ông đã sử dụng lực lượng vừa quân thủy, vừa quân bộ, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đó là các hương binh và giáp binh tổ chức chiến đấu rất quyết liệt trên sông Bạch Đằng. Các đoàn thuyền chiến của quân nhà Tống đã bị va vào các cọc bị chìm đắm rất nhiều và rất nhiều quân nhà Tống đã bị tiêu diệt trong đó có cả vị chủ tướng. Khi bị tiêu diệt như vậy, quân nhà Tống đã phải tháo chạy. Được tin thất bại trên sông Bạch Đằng, quân nhà Tống ở Tây Kết cũng vội vàng rút về nước để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn. Qua chiến thắng vang dội ở sông Bạch Đằng đã khẳng định quân đội của Lê Hoàn đã biết sử dụng chiến lược phòng thủ và có sự kết hợp chặt chẽ giữa quân đội của triều đình với lực lượng quân đội ở địa phương và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa thủy quân và bộ binh đã làm nên thắng lợi hết sức vang dội. Ở giai đoạn lịch sử đó, có thể nói đây là đỉnh cao của việc sử dụng chiến tranh nhân dân.
PV: Cùng với việc củng cố và tăng cường thiết chế bộ máy nhà nước quân chủ, Nhà nước Đại Cồ Việt nhà vua cũng quan tâm đến việc xây dựng pháp luật và đề cao luật pháp, tuy nhiên, dưới thời nhà Đinh và nhà Lê, việc xét xử còn nghiêm khắc và khá tùy tiện. Nhưng sang đến thời nhà Lý, năm 1042, Lý Thái Tông cho soạn bộ “Hình thư”, đây là bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam, thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc trị nước của nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ. GS.TSKH Vũ Minh Giang có thể nói rõ hơn về sự phát triển của luật pháp ở từng thời kỳ?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Về vai trò của luật pháp thời Đinh, triều Đinh cũng đã bắt đầu soạn ra những quy định hết sức khắc nghiệt, phù hợp với chính quyền giai đoạn đầu cần phải tạo ra một cái uy của chính quyền trung ương tập quyền, đồng thời có được sự răn đe cho những thế lực chống đối, phản loạn. Trong các quy định đó, có quy định 10 tội gọi là “thập ác”. Nếu rơi vào một trong những tội đó thì sẽ bị hành hình bằng những hình thức rất rùng rợn như thả vào chuồng cho hổ xé xác, vất vào vạc dầu đang sôi... Tính chất răn đe của hình thức luật pháp này rất cao. Nhưng mà chúng ta chỉ nhìn thấy đó để nói rằng nhà Đinh khắc nghiệt thôi thì nhìn nhận chưa đầy đủ. Ba trụ cột bên cạnh sự ủng hộ của nhân dân mà nhà Đinh dựa vào là: quân đội được bố trí ở khắp 10 đạo, lúc đó đơn vị hành chính đều có các đơn vị quân đội trấn giữ. Trung ương thì có các đạo luật rất hà khắc. Nhưng bệ đỡ tư tưởng của triều Đinh là Phật giáo. Đây là sự kết hợp hài hòa. Phật giáo được sử dụng một cách rộng rãi gần như một chính sách. Chúng ta đã có hơn 1000 năm thực thi theo mẫu hình Trung Hoa, đến triều Đinh, thực thi một cách độc lập, tìm ra những bệ đỡ tư tưởng gần gũi với dân tộc hơn.
Phật giáo đã vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II, đồng hành cùng dân tộc trong suốt thời kỳ mà liên kết các làng xã tham gia vào quá trình đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và đến thời kỳ nhà Đinh, khi tái lập quốc, Phật giáo được coi như là một thành phần rất quan trọng trong bệ đỡ tư tưởng cho nên tư tưởng nhân ái ấy mới sinh ra một trường phái, một thế lực mà sau này đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Lý Công Uẩn lên ngôi tiếp thu tất cả những gì đã có ở triều Đinh nhưng phát triển theo hướng thân dân hơn, lúc đó các chính sách cai trị thể hiện trong luật pháp nó hòa đồng. Nhà Trần tiếp tục đường lối đó trong các bộ luật hình sư. Nhưng sang đến thời Lê có nhu cầu gia cố thể thống đất nước nên mới xây dựng một hệ thống trung ương tập quyền nhưng dựa vào luật pháp. Đó là một quá trình phát triển đi lên. Trở lại triều Đinh, luật pháp phải đủ mức độ nghiêm khắc để răn đe, đồng thời cũng có được sự hậu thuẫn của Phật giáo, lúc đó các quan lại cao cấp phần lớn là các nhà sư ở trong triều có vai trò rất lớn, làm điều hòa các quan hệ trong xã hội. Đó chính là diện mạo luật pháp của thời Đinh.
PV:Nhà nước Đại Cồ Việt rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế, từ việc khai hoang, lập làng, mở rộng diện tích canh tác, đến việc phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp. Đặc biệt, dưới thời Lê Đại Hành, ông là vị vua đầu tiên mở đầu cho lễ tịch điền vào mùa xuân hàng năm, mở đầu cho một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Ông có thể nói rõ hơn về sự phát triển kinh tế của nhà nước Đại Cồ Việt và sự ảnh hưởng, vai trò như thế nào trong tiến trình lịch sử dân tộc?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Xưa nay khi nói về thế kỷ X, chúng ta thường nhấn nhiều hơn đến các sự kiện hay các hoạt động về chính trị, quân sự, điều đó hoàn toàn đúng. Thế kỷ X là một thế kỷ mà dồn dập các sự kiện chính trị quân sự liên tục các dòng họ, các vương triều thay thế nhau. Rồi kháng chiến chống ngoại xâm, cuộc đấu tranh để khắc phục khuynh hướng phân tán để tập quyền và thống nhất. Có thể nói rằng một thế kỷ nổi bật là cuộc đấu tranh giành, giữ và khẳng định nền độc lập dân tộc, một thời kỳ đấu tranh để khắc phục khuynh hướng phân tán cát cứ, khẳng định sự thắng thế, yêu cầu của tính tập quyền và thống nhất quốc gia. Không chỉ có thế, thế kỷ X cũng là thời kỳ bắt đầu của công cuộc xây dựng đất nước trên tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, thủ công nghiệp, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền và bước đầu có quan hệ giao thương với bên ngoài.
Sự kiện Lê Hoàn cày ruộng tịch điền rồi các triều đại sau này nối tiếp nó là một nghi lễ bày tỏ sự quan tâm của Nhà nước mà người đứng đầu là Hoàng đế đối với nền kinh tế có tính chất căn bản quyết định của xã hội nông nghiệp đó là kinh tế nông nghiệp. Chính sự chuẩn bị đó chúng ta mới có đủ các tiềm lực, sự trưởng thành vượt bậc các lực lượng dân tộc để rồi sau khi nhà Tiền Lê kết thúc, Lý Công Uẩn mới vững tin rời Cố đô Hoa Lư khi đã hoàn thành làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, vươn ra vùng trung tâm Châu thổ sông Hồng đóng đô-một sự trưởng thành của tư duy quản lý đất nước. Lấy sự phát triển để đảm bảo an ninh cũng như là bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tất cả đã được chuẩn bị trong một thời kỳ quá độ, bản lề, mỗi vương triều đóng một vai trò nhất định tích lũy cho sự trưởng thành, lớn mạnh của dân tộc, trong đó thời Đinh và Quốc gia độc lập tự chủ thời Đinh có một vai trò đặc biệt quan trọng.
PV:Từ những phân tích trên, ông có thể đánh giá tổng quát về ý nghĩa sự ra đời và vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Thứ nhất, Sự xuất hiện tên nước Đại Cồ Việt đầy kiêu hãnh có ý nghĩa vô cùng lớn mở ra một thời đại mới tái lập quốc của một dân tộc đã từng không biết mệt mỏi đấu tranh trong suốt hơn 1000 năm. Nhà nước đó khôi phục lại được cả cương thổ, cả địa dư...
Điều thứ hai: Nhà nước đó tạo ra một thực thể thống nhất với một nền hành chính tuy lúc đó chưa phải đã hoàn chỉnh nhưng đã có từ trung ương đến địa phương với quân đội, triều nghi, nền hành chính độc lập, tiền tệ...ý nghĩa đó vô cùng lớn đối với toàn bộ tiến trình lịch sử của dân tộc.
Thứ ba: Thời kỳ này, không chỉ là việc lập lại một nhà nước hoàn chỉnh mà ngay từ đầu đã xây dựng được một thiết chế chính trị ta gọi là trung ương tập quyền, phù hợp với quy luật phát triển nội tại của một đất nước luôn chịu sức ép từ ngoại xâm. Có yêu cầu luôn luôn xử lý, giải quyết hậu quả của thiên tai, lũ lụt thì một chính quyền dưới thực thể trung ương tập quyền vững mạnh đã được hình thành từ đây.
Các triều đại sau dần hình thành, phát triển và có nhiều sáng tạo ở giai đoạn sau. Riêng đối với Đinh Tiên Hoàng, ông xưng Đế là một hành động anh hùng, hiên ngang, phủ định quyền bề trên của các triều đình phong kiến phương Bắc chỉ cho các nước xung quanh chức Vương, chức Bá thôi, thì đây lại xưng là Hoàng đế. Đó chính là cái mở đầu cho các triều đại sau này đều xưng Hoàng đế. Với ý nghĩa đó, tôi cho rằng nước Đại Cồ Việt, triều Đinh cần được nhìn nhận với ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, nó không chỉ là sự hình thành một triều đình theo nghĩa thông thường. Sự kiện năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế không chỉ coi là việc lên ngôi của một ông vua một cách bình thường mà nó mở đầu ra cho một thời đại mới của lịch sử Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TSKH Vũ Minh Giang!
Bích Thao (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh)